Trong đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024, huyện Mỹ Đức có 13 sản phẩm tham gia đánh giá mới của các chủ thể: HTX thêu tay Mỹ Đức 5 sản phẩm (Tranh thêu tay quốc hoa đón xuân, Tranh thêu tay Văn Miếu Quốc Tử Giám, Tranh thêu tay Chùa Một cột, Tranh thêu tay Hoa hướng dương, Tranh thêu tay Thiền Sen); Công ty TNHH nông nghiệp Mỹ Đức 3 sản phẩm (Trà xạ đen, Trà cà gai leo, Viên tinh nghệ sữa ong chúa); Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức 2 sản phẩm ( gối vân gỗ, khăn tơ tằm thêu tay); Cơ sở mây tre Nhân Văn 3 sản phẩm (Đèn mây đan xoắn ốc, Gương mây đan Như Ý, Đèn tre đan Vân Nhi).
Phần lớn đều là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay đặc sản của huyện và có truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác khá hợp thị hiếu người tiêu dùng. Thêm vào đó các chủ thể cũng đã thay đổi tư duy sản xuất thân thiện với môi trường và tạo được nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, có định hướng về xây dựng thương hiệu một cách bền vững. Một số chủ thể đã biết cách kể câu chuyện sản phẩm sáng tạo, hấp dẫn người tiêu dùng, kích thích họ mua hàng chứ không chỉ đơn giản là sản xuất rồi đem đi bán tại các đầu mối, cửa hàng như trước.
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Mỹ Đức đánh giá cao những thay đổi về tư duy của các chủ thể như vậy và khuyến nghị họ hoàn thiện các hồ sơ để trình cấp thành phố. Chưa bao giờ chương trình mỗi xã một sản phẩm lại sôi động như lúc này, việc đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm OCOP có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mở hướng đi bền vững cho các chủ thể trong sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa.
Huyện Mỹ Đức từng là “cái nôi” của nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa của tỉnh Hà Tây cũ. Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức tâm sự với tấm lòng của một người con quê hương bà rất buồn khi thấy nghề ươm tơ, dệt lụa sa sút. Bởi thế mà bà ngày đêm nghĩ cách sáng tạo ra các sản phẩm mới để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến thay vì để bàn tay con người phải dệt lụa bà đã nghĩ ra sản phẩm chăn tơ tằm tự dệt, được cấp bằng sáng tạo độc quyền cấp quốc gia hay nghĩ ra cách để thu hoạch tơ sen rồi dệt thành lụa.
Mỗi sản phẩm như vậy của bà bán với giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng, là một trong những sản phẩm tiêu biểu làm quà tặng, quà biếu của huyện Mỹ Đức nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Bà mạnh dạn đem chúng tham gia vào chương trình OCOP và được Ban giám khảo hết sức khen vì tính độc đáo, tính tỷ mỉ, tính nghệ thuật.
Xã Phùng Xá hiện có khoảng 1.700 hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dệt tơ lụa với khoảng 7.000 lao động địa phương và các tỉnh thành tham gia, đóng góp khoảng 70% kinh tế...Nhận thấy vai trò hữu ích của chương trình mỗi xã một sản phẩm nhiều hộ, doanh nghiệp ở Phùng Xá đã chủ động, tích cực đem sản phẩm của mình đi đánh giá, chấm điểm OCOP với mục đích khẳng định thương hiệu, gia tăng chất lượng và tìm đầu mối tiêu thụ.
Thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM huyện Mỹ Đức, cho đến nay địa phương đã có 57 sản phẩm OCOP trong đó có 22 sản phẩm được chấm OCOP 4 sao và 32 sản phẩm OCOP được chấm 3 sao, đặc biệt sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận được chấm OCOP 5 sao đồng thời hai sản phẩm khác của bà gồm khăn lụa tơ sen và khăn lụa tơ tằm cũng đang có tiềm năng được chấm OCOP 5 sao…