| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa phát triển sản phẩm OCOP thế mạnh, đặc trưng

Thứ Hai 16/12/2024 , 10:30 (GMT+7)

Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa phát triển sản phẩm OCOP theo thế mạnh, đặc trưng như nước mắm, yến sào, rong nho và gạo chất lượng cao...

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa (áo xanh) nghe trình bày sản phẩm trầm hương. Ảnh: NH.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa (áo xanh) nghe trình bày sản phẩm trầm hương. Ảnh: NH.

Đa dạng sản phẩm OCOP

Ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Khánh Hòa đã xác định đây là giải pháp quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Vì vậy, thời gian qua các cấp, ngành và địa phương đã tích cực hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các địa phương và các chủ thể lựa chọn sản phẩm đặc trưng, triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn, đăng ký tham gia chương trình OCOP.

Đến nay, toàn tỉnh có 233 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên còn thời hạn công nhận, trong đó 1 sản phẩm có số điểm đạt 5 sao, 17 sản phẩm đạt 4 sao (chiếm 7,3%) và 215 sản phẩm đạt 3 sao (chiếm trên 92%).  Phân theo nhóm sản phẩm thì có 160 sản phẩm thực phẩm, 41 sản phẩm đồ uống, 1 sản phẩm mỹ phẩm, 29 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 1 sản phẩm sinh vật cảnh, 1 sản phẩm dịch vụ du lịch; với 124 chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó 52 doanh nghiệp (chiếm trên 41%), 22 hợp tác xã (chiếm hơn 17%), 14 tổ hợp tác (chiếm trên 11%), 36 hộ kinh doanh (chiếm 29%).

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, các sản phẩm OCOP của tỉnh đa dạng về chủng loại và hầu hết là những sản phẩm chủ lực, đặc trưng của các địa phương như nước mắm, yến sào, trầm hương, rong nho, xoài, sầu riêng, bưởi da xanh, gạo chất lượng cao…

Việc triển khai chương trình OCOP đã góp phần tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn từ vùng miền núi đến đồng bằng. Cũng như thông qua chương trình này đã góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, nhất là các giá trị văn hóa để xây dựng, hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh. Tạo động lực, giúp các cá nhân, hộ sản xuất, hợp tác xã thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp, làm bệ đỡ cho các sản phẩm vươn xa hơn thị trường truyền thống lâu nay.

“Bởi khi tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm đều phải được sản xuất quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, nên cho ra sản phẩm với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, an toàn thực phẩm để đáp ứng được thị trường tiêu thụ”, ông Quang chia sẻ.

Rong nho tách nước Okinawa của Công ty D&T đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: KS.

Rong nho tách nước Okinawa của Công ty D&T đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: KS.

Do đó, sau khi được công nhận và gắn sao OCOP, các sản phẩm thuận lợi tiêu thụ trong và ngoài nước, đồng thời có cơ hội xuất khẩu như sản phẩm rong nho tách nước Okinawa đạt 4 sao của DT Group hay sản phẩm rong nho tách nước Trí Tín đạt 5 sao của Công ty TNHH Trí Tín và các sản phẩm yến sào, trầm hương…

Hơn nữa, việc sản xuất sản phẩm OCOP cũng làm thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang quy mô lớn, theo hướng hàng hóa, có kế hoạch, xây dựng được liên kết chuỗi giá trị khép kín để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, có chất lượng, sản xuất theo yêu cầu của thị trường.

Trên thực tế đã có nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã hình thành như chuỗi sản xuất như bưởi da xanh, sầu riêng, lúa, rong nho, chăn nuôi heo, gà...Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người dân, tạo sức bật cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.

Sản phẩm chế biến từ xoài đạt OCOP trên địa bàn huyện Cam Lâm. Ảnh: KS.

Sản phẩm chế biến từ xoài đạt OCOP trên địa bàn huyện Cam Lâm. Ảnh: KS.

Ngoài ra, mỗi sản phẩm OCOP còn đóng vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện của từng vùng, địa phương như sản phẩm đặc sản xoài sấy muối ớt; gạo Vạn Dân ở Ninh Hưng, tôm hùm Cam Ranh, rượu nếp quạ Ninh Đông, yến sào Khánh Hòa, nhang trầm, dừa xiêm Ninh Đa, rong nho Ninh Hải... Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh của các địa phương, thu hút người dân, du khách đến tìm hiểu, khám phá.

Tiếp sức cho sản phẩm OCOP

Nhằm quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được công nhận và xếp hạng đạt từ 3 sao trở lên, thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã thúc đẩy xây dựng các sự kiện giới thiệu, kết nối và phân phối sản phẩm nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số.

Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, Sở đã có văn bản phối hợp Sở Công Thương hỗ trợ quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại các điểm giới thiệu. Cũng như hỗ trợ các chủ thể tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử Khánh Hòa và các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm nước mắm truyền thống đạt OCOP 3 sao. Ảnh: NH.

Sản phẩm nước mắm truyền thống đạt OCOP 3 sao. Ảnh: NH.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bưu điện tỉnh Khánh Hòa và Chi nhánh Bưu chính Viettel Khánh Hòa thực hiện quảng bá các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Cũng như đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh hoạt động đưa các sản phẩm OCOP có mặt trên các sàn thương mại điện tử theo kế hoạch số 867 ngày 22/1/2024 của UBND tỉnh để đảm bảo thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 có 80% tỷ lệ sản phẩm OCOP có mặt trên các sàn thương mại điện tử.

Về định hướng thời gian tới, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, sẽ tiếp tục phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhất là các sản phẩm đã được chứng nhận.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện đạt ít nhất 200 sản phẩm đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh, có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia. Đồng thời phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, cũng như phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP. Từ đó, không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của từng địa phương.

Hiện nay Khánh Hòa đa dạng sản phẩm OCOP có thế mạnh, đặc trưng. Ảnh: KS.

Hiện nay Khánh Hòa đa dạng sản phẩm OCOP có thế mạnh, đặc trưng. Ảnh: KS.

Để làm được điều đó, tỉnh sẽ phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...) gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng.

Đồng thời, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.

Sở NN-PTNT cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử và kết nối cung cầu…

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.