| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh liên kết phát triển bền vững sản phẩm OCOP

Thứ Ba 10/12/2024 , 05:47 (GMT+7)

Hiện An Giang có 165 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao quốc gia và 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang khẳng định, diễn đàn nhằm thúc đẩy liên kết giữa các bên trong chuỗi giá trị nông nghiệp, từ người sản xuất đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang khẳng định, diễn đàn nhằm thúc đẩy liên kết giữa các bên trong chuỗi giá trị nông nghiệp, từ người sản xuất đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong bối cảnh phát triển bền vững, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, bảo tồn văn hóa địa phương và thúc đẩy kinh tế nông thôn. Mới đây, tại Diễn đàn “Giải pháp kết nối sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm tiềm năng OCOP” do Sở NN-PTNT An Giang tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp và nông dân đã cùng nhau tìm kiếm hướng đi mới nhằm mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Theo ông Phạm Thái Bình, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang, tính đến tháng 11/2024, An Giang đã đạt 165 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên. Trong đó, nổi bật có 2 sản phẩm đạt 5 sao quốc gia và 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Các sản phẩm này không chỉ giúp chuẩn hóa hồ sơ, cải tiến bao bì, mẫu mã mà còn gia tăng giá trị thông qua các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại.

“Hiện các chương trình OCOP đã tạo bước ngoặt trong việc thay đổi nhận thức và cách tiếp cận sản xuất, giúp nông dân và doanh nghiệp địa phương xây dựng chuỗi liên kết giá trị, hướng tới phát triển bền vững. Có thể khẳng định, các sản phẩm OCOP tại An Giang đã bước đầu tạo được niềm tin với người tiêu dùng trong và ngoài nước, cũng nhờ sự đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn pháp lý. Điều này không chỉ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của địa phương mà còn gắn kết giá trị sản phẩm với văn hóa, du lịch cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Phạm Thái Bình, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang nói.

Chương trình OCOP tại An Giang đã tạo bước ngoặt trong việc thay đổi nhận thức và cách tiếp cận sản xuất, giúp nông dân và doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết giá trị, hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chương trình OCOP tại An Giang đã tạo bước ngoặt trong việc thay đổi nhận thức và cách tiếp cận sản xuất, giúp nông dân và doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết giá trị, hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều chủ thể sản xuất OCOP tại An Giang đã chia sẻ về những lợi ích mà chương trình mang lại. Bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ sở hữu sản phẩm mắm cá linh 4 sao tại TP Châu Đốc khẳng định: Tham gia chương trình OCOP giúp cơ sở tiếp cận được nhiều thị trường lớn trong và ngoài nước. Sản phẩm không chỉ được cải tiến về mẫu mã, chất lượng mà còn có đầu ra ổn định hơn nhờ sự hỗ trợ kết nối từ chính quyền cấp tỉnh. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ mong muốn ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục hỗ trợ mạnh hơn về xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu để sản phẩm OCOP có thể cạnh tranh trên thị trường.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, chương trình OCOP tại An Giang vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết: Tư tưởng và nhận thức của một bộ phận nông dân và doanh nghiệp về OCOP chưa đồng nhất. Một số chủ thể còn chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã bắt mắt hay sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn. Ngoài ra, sự liên kết giữa các bên trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn.

Một vấn đề đáng chú ý là phần lớn các sản phẩm tham gia OCOP hiện nay chủ yếu là sản phẩm sẵn có, trong khi các ý tưởng mới chưa được chú trọng. Điều này hạn chế tiềm năng đổi mới và sáng tạo trong phát triển sản phẩm OCOP.

Hiện An Giang đạt 165 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện An Giang đạt 165 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để khắc phục những hạn chế và phát triển chương trình OCOP bền vững hơn, ông Trần Thanh Hiệp đề ra nhiều giải pháp cụ thể trong thời gian tới, trong đó tập trung vào 7 định hướng chiến lược.

Trước tiên là nâng cao nhận thức cộng đồng, phải thường xuyên tổ chức truyền thông, đào tạo cho các cán bộ, doanh nghiệp và nông dân về phương pháp tiếp cận và triển khai chương trình OCOP.

Thứ hai, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và xây dựng thương hiệu sản phẩm cho từng địa phương.

Thứ ba, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường và song song đó đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, tổ chức các chuỗi hội chợ, kết nối sản phẩm OCOP với các siêu thị lớn và sàn thương mại điện tử.

Thứ tư, tăng cường sử dụng nông nghiệp 4.0 và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thứ năm, phát triển sản phẩm tiềm năng chủ yếu tập trung vào các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất.

Thứ sáu, hỗ trợ các tổ chức kinh tế OCOP, ưu tiên phát triển HTX và doanh nghiệp vừa và nhỏ để dẫn dắt chuỗi giá trị sản phẩm.

Thứ bảy, tăng cường giám sát và đánh giá thực chất, đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP thông qua quản lý và hỗ trợ thực chất cho các chủ thể tham gia.                                                                        

Chương trình OCOP tại An Giang đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, các sản phẩm OCOP không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn đóng góp vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường và xây dựng nền kinh tế nông thôn bền vững.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.