| Hotline: 0983.970.780

Có hay không cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam?

Thứ Bảy 06/06/2020 , 07:10 (GMT+7)

Bộ TN-MT khẳng định, qua kiểm tra, rà soát thực tế người nước ngoài sở hữu nhà, đất trên địa bàn nhạy cảm, không phát hiện vi phạm việc giao đất cho cá nhân.

Nghi vấn người Trung Quốc sở hữu đất Việt Nam

Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri về tình trạng cá nhân và doanh nghiệp (DN) người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua đất ở Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng cho biết, tính đến ngày 30/11/2019 có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc (92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh) đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành biên giới.

Bộ Quốc phòng cho rằng để sở hữu, sở hữu núp bóng các lô đất, người Trung Quốc đã nghiên cứu, lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư năm 2014 "việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp" và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai.

Theo Bộ Quốc phòng, để sở hữu các lô đất ở TP.Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo 2 hình thức.

Thứ nhất, là thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất), doanh nghiệp sẽ do người Việt Nam điều hành.

Sau một thời gian, bằng nhiều cách, người Trung Quốc tăng vốn, giành quyền điều hành doanh nghiệp. Do tài sản góp vốn là đất, nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc.

Thứ hai, là người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người gốc Hoa) để mua đất. Cơ quan chức năng đã phát hiện một số cá nhân có kinh tế khó khăn, nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất, như ông Lý Phước Cang 12 lô, ông Trác Ngọc Phúc 10 lô...

Liên quan đến những vấn đề trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết đến thời điểm tháng 5/2020, có 4 doanh nghiệp có 100% vốn trong nước và 1 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài thuê đất sản xuất kinh doanh có thời hạn 50 năm. Tức là việc thuê đất đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Còn lại, Đà Nẵng tiếp tục rà soát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài để sớm làm rõ thêm các thông tin phản ảnh của báo chí và dư luận.

Trước đó, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận, việc người dân bày tỏ lo ngại cá nhân và tổ chức Trung Quốc sở hữu đất, nhà ở Việt Nam là đúng. Cơ quan chức năng cần xem xét ý kiến của người dân, cử tri và cần làm tốt ngay từ đầu thì sẽ tránh được những tranh chấp về sau.

Ông Xuyền cho rằng phải ngăn chặn những sai phạm có dấu hiệu người Trung Quốc "núp bóng" mua bán, sở hữu đất, nhà ở Việt Nam, đặc biệt ở các khu vực nhạy cảm.

Chưa có người nước ngoài sở hữu đất Việt Nam

Trước vấn đề này, mới đây, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, cơ quan này đã làm việc với Bộ Quốc phòng liên quan đến vấn đề người nước ngoài sở hữu đất ở Đà Nẵng.

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, pháp luật về đất đai năm 2003 và 2013 đều không quy định đối tượng cá nhân nước ngoài được sử dụng đất tại Việt Nam và không được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, để bảo đảm quốc phòng, an ninh, pháp luật đất đai năm 2013 (Điều 58 Luật Đất đai, Điều 13 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) đã quy định điều kiện đối với các dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT, UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, rà soát các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang thuê đất trước năm 2013, nhất là tại các khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh để xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án có vi phạm.

Về một số thông tin báo chí trong những ngày qua nêu có tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất tại các khu vực trọng yếu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, từ năm 2019, Bộ TN&MT đã kiểm tra, rà soát việc giao đất, cho thuê đất của cá nhân và tổ chức nước ngoài trên địa bàn thành phố này.

Kết quả kiểm tra cho thấy về thủ tục giao đất cho Công ty Thương mại dịch vụ và Du lịch V.N. Holiday còn thiếu dự án đầu tư, quá trình sử dụng Công ty này đã thực hiện việc chuyển nhượng cho DN có vốn đầu nước ngoài là không đúng quy định.

Ngoài ra, một số khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh trong quá trình giao đất, cho thuê đất UBND Tp. Đà Nẵng chưa tranh thủ ý kiến các cơ quan về quốc phòng, an ninh và ngoại giao.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho biết từ năm 2019, Bộ trưởng đã yêu cầu rà soát, kiểm tra trên toàn thành phố. Qua đó đã phát hiện một số khu liên quan đến an ninh, quốc phòng có doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài. Nhưng khi kiểm tra, thấy họ không vi phạm việc giao đất cho cá nhân. Tất cả hình thức giao đất đều là giao đất cho pháp nhân, giao cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Đà Nẵng, toàn bộ các dự án có yếu tố nước ngoài đang hoạt động không đúng quy định đã được khắc phục. Đặc biệt, những khu vực nhạy cảm, họ đã chuyển giao cho người Việt Nam.

“Việc xử lý những vi phạm trên đến nay đã xong và chúng tôi cũng đã có báo cáo lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ TN&MT đến giờ vẫn bảo lưu ý kiến rằng, ông chưa thấy cá nhân nước ngoài nào được cấp giấy phép quyền sử dụng đất bởi Luật đất đai quy định rõ ràng.

“Ai thấy cứ báo cho tôi và tôi sẽ xử lý người cấp giấy phép ngay. Vì như vậy là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Còn cấp giấy phép quyền sử dụng đất cho pháp nhân thì luật cho phép”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Bộ Quốc phòng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ 2 việc:

Thứ nhất, chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập của luật Đầu tư, luật Đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động.

Thứ hai, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với công an rà soát các hoạt động của người Trung Quốc ở địa bàn đơn vị đảm nhiệm; chú ý các hoạt động lợi dụng vỏ bọc đầu tư, liên kết, núp bóng để hoạt động chống phá; kịp thời phát hiện báo cáo Bộ Quốc phòng tham mưu với Chính phủ chỉ đạo xử lý, ngăn chặn.

(Kiến thức gia đình số 23)

    Tags:
Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm