| Hotline: 0983.970.780

Có mã số vùng trồng nhưng chuối mật mốc vẫn xuất khẩu èo uột

Chủ Nhật 10/12/2023 , 11:02 (GMT+7)

Dù đã được cấp 9 mã số vùng trồng nhưng do thiếu cơ sở đóng gói đạt chuẩn, chất lượng sản phẩm thấp, chuối mật mốc Quảng Trị chủ yếu tiêu thụ nội địa.

Huyện Hướng Hóa hiện có trên 3 nghìn ha chuối mật mốc. Ảnh: Võ Dũng.

Huyện Hướng Hóa hiện có trên 3 nghìn ha chuối mật mốc. Ảnh: Võ Dũng.

Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2023, huyện Hướng Hóa có trên 3 nghìn ha chuối mật mốc, tập trung tại các xã vùng Lìa và Tân Long, Tân Thành, Lao Bảo, Thuận, Hướng Lộc. Trong đó có trên 2,9 nghìn ha cho sản phẩm, sản lượng hàng năm khoảng trên 42 nghìn tấn chuối quả.

Bài liên quan

Những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã đầu tư trồng và chế biến chuối. Nhờ đó, địa phương này đã phát triển được 7ha chuối có chứng nhận VietGAP; có 2 sản phẩm chế biến từ quả chuối đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Tuy nhiên, các mặt hàng chế biến từ chuối chủ yếu chỉ phục vụ tiêu dùng nội địa nên thực tế chưa nâng cao được giá trị mặt hàng nông sản này.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa cho biết, diện tích chuối hiện nay trên địa bàn huyện giảm trên 500 ha so với năm 2020. Nguyên nhân chính khiến diện tích chuối đang trên đà giảm là do giá chuối bấp bênh. Xuất khẩu chuối quả sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan thời gian qua không đáng kể. Chuối mật mốc vì thế chủ yếu tiêu thụ trong nước với sản lượng thấp và chỉ có giá vào thời điểm giáp Tết Nguyên Đán, người trồng chuối thường bị ép giá.

Đa phần chuối mật mốc được bán tại các chợ, giá cả bấp bênh. Ảnh: Võ Dũng.

Đa phần chuối mật mốc được bán tại các chợ, giá cả bấp bênh. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hồ Quốc Trung, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa cho hay, địa phương đã được cấp 9 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 2 nghìn ha. Đây là một trong những điều kiện để chuối mật mốc rộng đường xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế, việc được cấp mã số vùng trồng cho cây chuối tại huyện Hướng Hóa hiện nay không có ý nghĩa quá lớn trong việc xuất khẩu chuối bởi tại địa phương vẫn chưa có cơ sở đóng gói đạt chuẩn để trực tiếp xuất khẩu. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu chuối quả, chuối nguyên buồng rất hạn chế.

 “Phương thức canh tác chuối của đại đa số người dân Hướng Hóa hiện nay là ít đầu tư chăm sóc nên năng suất thấp, chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Người dân chủ yếu đem chuối ra bán tại chợ. Các tư thương thu mua chuối đưa đi các tỉnh trong nước tiêu thụ. Cũng có thể có một số đơn vị thu mua chuối tại huyện Hướng Hóa xuất khẩu đi Trung Quốc nhưng số này không nhiều. Đa phần vẫn tiêu thụ trong nước”, ông Trung cho hay.

Cũng theo ông Trung, ngoài chuối xanh được thu mua tại chợ, hiện nay trên địa bàn huyện có 3 đơn vị thu mua chuối để chế biến thành chuối sấy khô, sấy giẻo. Tuy nhiên, sản lượng thu mua của 3 đơn vị này rất khiêm tốn, chỉ khoảng trên 100 tấn chuối quả/năm.

Hiện chưa có cơ sở chế biến, đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Võ Dũng.

Hiện chưa có cơ sở chế biến, đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Võ Dũng.

Trong định hướng phát triển, Hướng Hóa đặt mục tiêu có 4 nghìn ha chuối mật mốc vào năm 2030. Tuy nhiên, với việc giá chuối bấp bênh, việc người dân phá chuối để thay bằng các loại cây trồng khác đang khiến cho mục tiêu trên của huyện Hướng Hóa gặp nhiều khó khăn.

Ông Trung cho rằng, để đạt được mục tiêu trên, không còn cách nào khác là mở rộng đường xuất khẩu để nâng cao giá trị cho cây chuối. Chỉ có như vậy người dân Hướng Hóa mới yên tâm trồng và đầu tư cho cây chuối. Muốn cây chuối rộng đường xuất khẩu, Nhà nước cần có nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ người trồng chuối để từng bước nâng cao chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp về cơ chế thuê mặt bằng, nguồn vốn để nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm chế biến.

Cần những mối liên doanh liên kết

“Nhà nước cần có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ để người dân và doanh nghiệp tiếp tục yên tâm trồng chuối. Người dân phải ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; gắn sản xuất với khai thác, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái. Các mối liên kết trồng chuối cũng phải được kết nối để nông dân, doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung”, Hồ Quốc Trung, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.