| Hotline: 0983.970.780

Người tìm lối thoát cho chuối mật mốc của người Pa Kô

Thứ Tư 04/01/2023 , 09:05 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Xót xa trước những vườn chuối trĩu quả phải chặt bỏ vì không ai mua, chị Nhung nung nấu ý tưởng: Tại sao không chế biến chuối thành chuối sấy dẻo để tiêu thụ dần...?

Khi người Pako gãy "cần câu cơm"

Cơ sở chế biến chuối sấy dẻo của vợ chồng chị Trương Thị Nhung, anh Văn Đức Tiến tại khóm Trung Chính, Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) hiện có 30 công nhân đang làm việc. Mặt bằng này do vợ chồng chị Nhung mua lại của một doanh nghiệp từ vài năm nay.

Trước đây, vợ chồng chị Nhung quanh năm qua lại cửa khẩu Lao Bảo buôn bán các mặt hàng nông – lâm sản. Cuộc sống gia đình chị không giàu có nhưng cũng đủ trang trải.

Empty

Sản phẩm Chuối sấy dẻo đặc sản Lao Bảo ra đời từ ý tưởng khởi nghiệp của vợ chồng chị Nhung. Ảnh: Võ Dũng.

Thế nhưng, cuối năm 2020, vợ chồng chị Nhung có một quyết định khiến nhiều người bất ngờ khi đầu tư 3 dây chuyền sấy dẻo chuối mật mốc. Đó là thời điểm chuối mật mốc bị “tắc” đường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan… Hàng nghìn ha chuối mật mốc tại huyện Hướng Hóa và một số huyện lân cận và cả bên nước bạn Lào có nguy cơ bị người dân chặt bỏ.

Ít ai biết rằng, ý tưởng, quyết định đó nảy sinh từ sự đồng cảm đối với cuộc sống của bà con đồng bào thiểu số quanh năm sống dựa vào lúa rẫy và những vườn chuối.

“Tình cờ, trong một lần đi chơi, tôi thấy rất nhiều hộ đồng bào chặt bỏ các vườn chuối. Những buồng chuối chín vàng chỉ dùng để cho trâu bò ăn. Chẳng ai muốn đem ra chợ Tân Long bán vì mỗi kg chuối chỉ bán được 1 - 1,5 nghìn đồng, không bõ công chặt vác. Lúc này, tôi mới chỉ nghĩ đến việc làm sao để tiêu thụ cho bà con. Nhưng gom chuối tươi cho bà con thì không biết bán đi đâu. Nhưng nếu là chuối sấy dẻo thì có thể bảo quản được 6 tháng”, chị Nhung kể về cái duyên của mình với việc mở cơ sở sấy chuối dẻo.

Chuối không chỉ được trồng tại các xã Tân Long, Tân Liên… của huyện Hướng Hóa mà còn được nhiều hộ dân sang tận Lào để trồng đem về nhập cho tư thương. Qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, chuối mật mốc được các tư thương thu mua chuyển vào Nam, ra Bắc và sang tận Trung Quốc, Thái Lan. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch Covid-19, nhiều đầu nậu tại Hướng Hóa ngừng thu mua.

Empty

Cơ sở chuối sấy dẻo của vợ chồng chị Nhung tạo công ăn việc làm cho 30 lao động địa phương. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân sau một thời gian chặt chuối đưa ra chợ Tân Long bán nhưng vẫn ế chỏng chơ đã không còn kiên nhẫn. Những vườn chuối bị bỏ bẵng không chăm sóc, vàng úa, cỏ mọc tận đầu gối. Nhiều ông chủ các vườn chuối trên đất Lào bể nợ, trở về tay không.

Một lượng lớn lao động từ Lào trở về quê không có việc làm, nhiều diện tích chuối phải chặt bỏ. Nhưng ở vùng đất Hướng Hóa, đối với đồng bào các dân tộc Pako Vân Kiều, không cây gì dễ trồng và hiệu quả hơn cây chuối. Cây chuối đã từng là nguồn thu chính của đồng bào các dân tộc Pako Vân Kiều. Nay nghĩ đến chuyện chuyển đổi sang cây trồng khác, nhiều hộ đã lắc đầu ngán ngẩm.

Đầu năm 2021, hai dây chuyền hơi và 1 dây chuyền nhiệt sấy dẻo chuối đã được vợ chồng chị Nhung lắp đặt hoàn chỉnh và đi vào hoạt động. Nhưng con đường phía trước cũng đầy thử thách khi chỉ có sản phẩm duy nhất là chuối sấy dẻo, đem đi bỏ mối, phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ trong dân.

"Bỏ thì thương, vương thì tội", đầu tư tiền tỷ vào 3 dây chuyền sấy dẻo chuối, vợ chồng chị Nhung không thể ném tiền qua cửa sổ...

Empty

Chị Nhung cho biết, sản phẩm Chuối sấy dẻo đặc sản Lao Bảo đã được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Võ Dũng.

“Sấy bằng dây chuyền hơi phức tạp hơn sấy bằng nhiệt (lạnh), nhưng chúng tôi buộc phải sấy bằng cả hai phương pháp trên để phục vụ nhu cầu và giữ chân khách hàng. Đối với một cơ sở chưa bao giờ chế biến nông sản, chúng tôi phải vừa làm vừa học hỏi thử nghiệm. May mắn là sản phẩm và đầu ra hiện nay đã ổn định. Sản phầm gần như không còn tồn kho. Khi tìm được các mối hàng lớn hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng công suất vì ở đây nguyên liệu rất dồi dào và nhân công sẵn có”, chị Nhung chia sẻ.

Hiện thực ý tưởng "không bỏ đi thứ gì" từ cây chuối

Mỗi ngày, cơ sở chế biến chuối sấy dẻo của gia đình chị Nhung sử dụng 4 - 5 tấn nguyên liệu của người dân trong vùng và cho ra gần 1 tấn sản phẩm thương hiệu Chuối sấy dẻo đặc sản Lao Bảo. Sản phẩm được chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm từ nguồn nguyên liệu đạt chứng nhận VietGAP, không có phụ gia và sắp tới là sản phẩm OCOP 4 sao. Gần như toàn bộ sản phẩm chuối sấy dẻo của vợ chồng chị Nhung chế biến đến đâu bán hết đến đó nhưng ít ai biết, những ngày đầu, việc tiêu thụ hết sức khó khăn.

Empty

Cơ sở chuối sấy dẻo của gia đình chị Nhung giải quyết đầu ra ổn định cho hàng trăm hộ dân trồng chuối mật mốc tại huyện Hướng Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

“Chúng tôi suy nghĩ rất đơn thuần, sấy dẻo để bảo quản được lâu hơn và bán ra từ từ. Nhưng áp lực mỗi ngày mỗi lớn buộc chúng tôi phải bán quan mạng internet. Người dùng chưa quen với chuối sấy dẻo trong khi chúng tôi chưa có kinh nghiệm về bán hàng qua mạng nên gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng rất may, đến thời điểm này sản phẩm đã có đầu ra ổn định. Chúng tôi đang xúc tiến vào thị trường miền Nam, ra miền Bắc để từng bước nâng công suất chế biến, giải quyết vấn đề nông sản cho nông dân”, chị Nhung chia sẻ.

Cũng theo chị Nhung, Chuối sấy dẻo đặc sản Lao Bảo không sử dụng bất kỳ một loại phụ gia và chất bảo quản nào mà đơn thuần chỉ là sấy khô bằng nhiệt, hơi, khi được đóng gói chân không sẽ bảo quản được 6 tháng trong điều kiện nhiệt độ bình thường. Vì vậy, sản phẩm rất an toàn và tốt cho người ăn kiêng, người bị bệnh tiểu đường.

Ngoài việc hợp đồng với các đầu mối để thu mua, hiện nay vợ chồng chị Nhung đang liên kết với người dân trồng 5ha chuối mật mốc và đã được chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP. Trước mắt, diện tích này giải quyết một phần nguyên liệu cho chế biến. Những hộ dân tham gia liên kết với vợ chồng chị Nhung sẽ được hỗ trợ theo hình thức cho vay trả chậm phân bón và thu mua toàn bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

“Diện tích liên kết cho sản phẩm hoàn toàn khác so với chuối người dân tự trồng, quả to, mẩy và buồng dài hơn. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục tăng diện tích liên kết để người dân cùng hưởng lợi, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Đây là việc làm để chuẩn bị cho kế hoạch nâng công suất chuối sấy dẻo, hướng tới những thị trường lớn hơn với nhiều hơn các mặt hàng từ quả chuối”, chị Nhung chia sẻ về dự định trong tương lai.

Empty

Những lô phân hữu cơ đầu tiên sản xuất từ phụ phẩm của hoạt động sấy chuối đã ra đời. Ảnh: Võ Dũng.

Thời gian đầu, các phụ phẩm từ buồng chuối như vỏ, thân buồng chuối gia đình chị Nhung vứt bỏ. Tuy nhiên, áp lực từ vấn đề môi trường từ vỏ chuối phân hủy khiến vợ chồng chị Nhung vắt đầu suy nghĩ: “Sao mình không tận dụng những phụ phẩm này để trả lại cho đất. Chúng không độc hại mà ngược lại còn tăng độ phì nhiêu cho đất”.

Cứ như thế, ý tưởng nối tiếp ý tưởng ra đời. Vợ chồng chị Nhung lại lắp ráp dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ. Phụ phẩm trong quá trình sản xuất được thu gom, chất thành đống để phục vụ sản xuất phân bón. Chị Nhung có ý tưởng sẽ đầu tư phân bón trả chậm cho các hộ dân với giá bán thấp, trừ dần vào tiền thu mua chuối.

“Hiện nay, lượng phân bón chúng tôi sản xuất ra đang thử nghiệm trên diện tích 5ha liên kết với người dân. Khi phân bón đã đủ các điều kiện bán ra thị trường, chúng tôi sẽ nâng công suất để không những có lãi từ hoạt động sấy chuối mà hiệu quả từ khâu sản xuất phân bón cũng sẽ đem lại lợi nhuận. Đây là một trong những điều kiện để chúng tôi nghĩ tới những mục tiêu cao hơn trong tương lai”, chị Nhung chia sẻ về mục tiêu sắp tới.

“Cơ sở của vợ chồng chị Nhung giúp địa phương giải quyết vấn đề lao động tại địa phương. Điều quan trọng, việc sấy dẻo chuối giải quyết được vấn đề tiêu thụ nông sản cho bà con, tăng hiệu quả kinh tế một cách bền vững và bảo vệ môi trường. Mô hình này cần khuyến khích và có chính sách hỗ trợ để đa dạng hóa mặt hàng, hướng tới những thị trường lớn hơn để phát triển”, ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND Thị trấn Lao Bảo đánh giá.

Xem thêm
Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, khốn khó đủ đường

Nếu không triệt để việc ngăn chặn lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi thì chúng ta đang tự đẩy mình đến với đại họa mới mang tên kháng kháng sinh.

Nghệ An tăng cường kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An chủ động tham mưu, tổ chức ứng phó dịch bệnh quyết liệt nên tình hình cơ bản được kiểm soát ngay trong diện hẹp.

Quanh năm rủng rỉnh tiền nhờ trồng rau trên đất cát

QUẢNG BÌNH Diện tích trồng rau không lớn nhưng canh tác luân canh nên bà con vùng cát có thu nhập ổn định.