| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Thứ Hai 27/09/2021 , 13:36 (GMT+7)

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Tai họa từ trời

Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Quang (SN 1979) và vợ là chị Nguyễn Thị Mai Chi được cả xã Văn Hán biết tên cũng bởi nết ăn nét ở hòa nhã, tần tảo. Ở xóm Phả Lý, cặp vận động viên bắn nỏ Quang Chi có tiếng là khỏe mạnh, chăm chỉ và làm chè rất giỏi. 

Tai họa ập xuống, từ những việc nhỏ nhất, anh Quang đều phải nhờ vào Chị Chi. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Tai họa ập xuống, từ những việc nhỏ nhất, anh Quang đều phải nhờ vào Chị Chi. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ngày định mệnh (21/07/2019) đã giáng tai họa khủng khiếp xuống mái ấm gia đình Quang. Anh còn nhớ rất rõ, vào khoảng 15 giờ 30 phút, anh cho bà con làm đổi công, hái chè chỗ có bóng mát. Một mình anh chọn nương chè nắng, không có bóng cây. Quang mang theo chiếc ô có cán cao, hái hết mỗi vạt, anh lại dịch chuyển chiếc ô. Trong một lần dịch chuyển như vậy, chiếc ô tiếp cận gần nhất với đường dây điện. Đường cao thế phóng điện tạo nên tiếng nổ như sấm. Cả người, cả ô đổ sập xuống bãi chè.

Quang nhanh chóng được đưa về Bệnh viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác để chữa trị. Sau 71 ngày điều trị tích cực, điều thần kỳ đã đến, Quang được xuất viện. Nhưng anh lại trở thành người tàn tật vĩnh viễn. Các phần cơ thể bị bỏng lần lượt hoại tử, bội nhiễm. Hai cánh tay và chân trái bị cắt bỏ.

Không làm thế nào để chết được

Ra viện, Quang phải gánh chịu nỗi đau đớn, tuyệt vọng khôn tả. Những mỏm cụt như rỉ nước, mọc gai xương khiến nhức nhối thấu tận óc. Cơ thể lúc nào cũng như có lửa đốt bên trong. Những cơn ngứa kéo đến mà không thể làm gì. Rồi những vết cháy trên vùng da thịt mình mang đến những đợt bỏng rát cực độ. Những trận đau đầu, mất ngủ kéo dài triền miên cho đến tận bây giờ. Anh trở thành phong vũ biểu bất đắc dĩ khi dự báo thời tiết mưa nắng bất thường khá chính xác.

Chị Chi sắm cho anh một chiếc xe lăn. Cố định một chiếc điện thoại vào một bên để tay của xe. Anh Quang có thể dùng mỏm cụt của tay phải để di vào màn hình mà nghe cuộc gọi đến. Vậy mà cái mỏm cụt giờ giúp anh soạn được cả tin nhắn. Chị lại buộc vào cột nhà mấy cái cọng tre. Lúc anh ngứa thì anh dùng chân phải còn lại, dịch chuyển xe lăn đến cột nhà, quay lưng mà cọ vào mấy que tre ấy.

Chị đưa chén nước trà lên miệng, anh cúi xuống uống. Nước mắt ầng ậc, chị nói: “giờ cứ như bức tượng di động thế này!”. 

Quang cay đắng, khóe mắt đỏ hoe, cố nén cảm xúc cay xè, nói với chúng tôi: “Ai đời mẹ già gần 80 tuổi đi bê bô cho con, anh ạ. Hai năm nay, em chưa được một đêm nào ngủ yên. Sống như người thừa, em muốn chết mà không làm thế nào để chết được”.

Chị Chi kể, đêm đêm anh ngồi bần thần, chất chứa, buồn rười rượi, ủ rũ trên xe lăn. Anh trở thành đồng hồ báo thức cho cả nhà. Các thành viên trong gia đình vẫn phải bảo nhau để ý, động viên vì sợ anh suy nghĩ tiêu cực mà làm liều.

Bữa chị đi làm cỏ chè về thấy xe lăn chỏng chơ, anh nằm bệt dưới đất không dậy được. Anh định lao xe xuống cổng để mà chết. Chị mắng anh nhiều lắm. Rồi chị lại động viên: “Tiếc nhất là hai vợ chồng mình không được cùng nhau đi thi bắn nỏ nữa chứ khó khăn mấy em cũng lo được. Anh cứ yên tâm để các con còn có bố đấy”.

Nỗi đau khó nguôi

Bỗng chốc trở thành người tàn tật,   ngoài nỗi đau thể xác,  anh Nguyễn Hồng Quang   còn chịu đựng sự đau đớn   về tinh thần rất lớn.   Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Bỗng chốc trở thành người tàn tật,
ngoài nỗi đau thể xác,
anh Nguyễn Hồng Quang
còn chịu đựng sự đau đớn
về tinh thần rất lớn.
Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Giấy chứng nhận thương tích từ Bệnh viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho anh Nguyễn Hồng Quang xác định: Bỏng điện cao thế và tia lửa điện 38%, độ 3,4,5 tứ chi và sinh dục. Điều trị: Phẫu thuật cắt hoại tử, ghép da tự thân, cắt cụt 1/3 dưới cánh tay 2 bên, cắt cụt 1/3 giữa cẳng chân trái. Thông báo kết luận giám định từ Công an huyện Đồng Hỷ cũng xác định thêm, toàn thân anh Quang có 13 vết bỏng và sẹo vá da. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 92%.

Trao đổi với chúng tôi, vợ chồng anh Quang, chị Chi cho biết, đường dây cao thế phóng điện do Điện lực Đồng Hỷ quản lý. Khi anh Quang điều trị tại bệnh viện, đại diện Điện lực Đồng Hỷ đã đến hỗ trợ 85 triệu đồng. Giáp Tết Nguyên đán năm 2020, Điện lực Đồng Hỷ tiếp tục hỗ trợ 500 triệu đồng cho gia đình.

Anh Quang cho biết, tổng số tiền 585 triệu đồng do Điện lực Đồng Hỷ hỗ trợ chỉ đủ tiền viện phí và một phần phục vụ sinh hoạt trong quá trình anh điều trị. Còn các khoản khác theo quy định của pháp luật chưa được xem xét như tổn thất về tinh thần, mất khả năng lao động, người chăm sóc, lắp chân tay giả...

Trong khi đó, cuộc sống trước đây có 2 vợ chồng mà làm cả ngày còn không hết việc. Bây giờ một mình vợ anh phải bươn ra cả 8 sào chè, lo cho 2 con đang tuổi ăn, tuổi học, một mẹ già xấp xỉ 80 tuổi.

Chính vì vậy, gia đình cũng đã làm đơn đề nghị với Điện lực Đồng Hỷ hỗ trợ dứt điểm, có lý có tình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Tiến Châu (Giám đốc Điện lực Đồng Hỷ) xác nhận toàn bộ sự việc nói trên. Ông Châu cho biết, số tiền hỗ trợ cho gia đình anh Quang là nguồn vận động của tập thể cán bộ, nhân viên Điện lực Đồng Hỷ. Dù rất cảm thông với hoàn cảnh của gia đình anh Quang song đơn vị không có nguồn nào để có thể tiếp tục thực hiện hỗ trợ được.

Từ câu trả lời của Điện lực Đồng Hỷ như vậy, phía gia đình anh Nguyễn Hồng Quang quyết định khởi kiện vụ việc.

Xoa dịu nỗi đau

Câu chuyện pháp lý xin trả về pháp lý. Trong khả năng của mình, PV NNVN đã liên hệ với lãnh đạo bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Hà Nội. Đề nghị hỗ trợ của chúng tôi được chấp thuận.

Viện sẽ thăm khám, thực hiện các thủ tục nhập viện để khắc phục những chấn thương, xử lý mỏm cụt với mong muốn lắp chi giả cho Quang.

Chị Chi cho biết, chị mới trồng thêm 3 sào chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng diện tích chè của gia đình lên 8 sào. Quý độc giả hỗ trợ, mua chè cho gia đình anh chị có thể liên hệ trực tiếp với anh Quang theo số điện thoại 0971638613.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.