3 kịch bản
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự báo cơn bão Rai, bão số 9, sẽ tác động đến nước ta theo 3 kịch bản.
Theo đó, kịch bản tác động 1, có xác xuất 80%, là bão di chuyển theo dự báo hiện tại, sau khi tiến sát đất liền miền Trung sẽ đổi hướng đi lên phía Bắc.
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía Bắc của Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 10; ở vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc của quần đảo Trường Sa) có gió mạnh dần lên cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao nhất từ 8,0-10,0m; biển động dữ dội.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây của bão số 9 từ tối và đêm mai (18/12) sẽ chịu ảnh hưởng của rìa phía Tây của hoàn lưu bão số 9 cộng với tác động của không khí lạnh, nên gió ở khu vực biển từ Quảng Bình đến Bình Định, Phú Yên bắt đầu mạnh lên cấp 8, ngày 19-20/12 dự báo sức gió gió trên các vùng biển này có khả năng lên tới cấp 10 - 11, trong số các khu vực có điểm đo như đảo Lý Sơn được dự báo là nơi sẽ có gió mạnh nhất do ảnh hưởng của cơn bão này.
Trong thời gian từ ngày 19/12 đến rạng sáng ngày 20/12, tại đảo Lý Sơn dự báo có thể đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Ngoài ra, Phú Quý dự báo có thể có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 trong ngày 18/12; Cồn Cỏ cấp 7, cấp 8, giật cấp 9-10 trong ngày 19 - 20/12. Vùng ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có gió cấp 6 - 7, giật cấp 9.
Từ đêm 18/12 đến hết ngày 19/12, do ảnh hưởng của bão, khu vực Trung và Nam sẽ có mưa to, dự báo tổng lượng mưa dự báo khoảng 150 - 250mm. Bão đi nhanh nên mưa cũng sẽ kết thúc nhanh.
Kịch bản thứ 2 với xác xuất 20% được dự báo sẽ gây rủi ro lớn nhất là bão vượt qua kinh tuyến 110 và đi thẳng vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi.
Đối với kịch bản này khu vực từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi sẽ có gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 12 - 13, kèm theo sóng lớn 5 - 7m, nước dâng do bão từ 1m; lượng mưa phổ biến từ 200 - 250mm, gió trên biển không khác so với kịch bản 1.
Kịch bản thứ 3 là bão Rai sẽ di chuyển xuống khu vực Đông Nam Bộ nước ta. Tuy nhiên, sau ngày mai (18/12), dựa vào hướng đi của bão, đơn vị dự báo khí tượng thủy văn sẽ có thể đưa ra dự báo loại bỏ kịch bản này hay không.
Phát biểu tại cuộc họp ứng phó với cơn bão Rai của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai chiều 17/12, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, hiện tại bão Rai chưa vào Biển Đông nên khả năng đi sát kinh tuyến 110 và đi lên phía Bắc cũng chỉ là một khả năng, thậm chí khả năng bão đổ bộ trực tiếp đến đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi rồi sau đó mới đi lên phía Bắc cũng là một khả năng.
“Vì vậy các địa phương miền Trung, ngoài phương án ứng phó với gió mạnh trên biển, còn cần xây dựng kịch bản ứng phó với khả năng cơn bão mạnh này ảnh hưởng đến đất liền”, Thứ trưởng Lê Công Thành lưu ý.
Gần 52.000 người chịu ảnh hưởng của bão Rai
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tổng số dân trong khu vực nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão là 51.990 người trên 4 đảo lớn gần bờ gồm Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý.
Hiện nay các địa phương đã sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền cũng như người dân trên các đảo; dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm; cấm đi lại giữa đất liền và các đảo từ chiều 17/12.
Để ứng phó bão, các địa phương trong khu vực dự kiến kế hoạch sơ tán đảm bảo an toàn cho 51.032 hộ với 238.345 người tại các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, khu vực ven biển và đã có phương án đảm bảo an toàn. Hiện các địa phương tiếp tục rà soát cập nhật và sẽ sơ tán theo diễn biến thực tế của bão.
Theo Thiếu tướng Doãn Thiếu Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), tính đến 12h ngày 17/12, gần 45.000 tàu và hơn 242.000 lao động của các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã được thông báo, kiểm đếm.
Hiện còn 273 tàu và 2.031 người hoạt động ở khu vực giữa biển Đông và quần đảo Trường Sa. Các phương tiện đã nắm được thông tin di chuyển về nơi tránh trú trên các đảo hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trong khu vực có 28 khu neo đậu với sức chứa 20.919 phương tiện (cả nước có 71 khu neo đậu với tổng sức chứa là 46.212 tàu). Hiện quần đảo Trường Sa có 83 tàu đang neo đậu cần đảm bảo an toàn.
5 địa phương đã có lệnh cấm biển là Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Các tỉnh còn lại dự kiến cấm biển trong ngày 17 - 18/12.
3 phương án ứng phó bão Rai
Bão Rai là cơn bão muộn bất thường vào cuối năm với diễn biến phức tạp và khó lường do phụ thuộc nhiều vào các hình thái thời tiết. Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã chủ động triển khai xây dựng 3 phương án ứng phó với các kịch bản, diễn biến của cơn bão.
Thứ nhất, thời điểm cuối năm thường là mùa an toàn cho việc đánh bắt cá nên nhiều ngư dân vẫn sẵn sàng ra khơi mặc dù đã có cảnh báo trước. Ban Chỉ đạo đã tăng cường chỉ đạo ứng phó trên biển và chỉ đạo quyết liệt tới các địa phương về vấn đề này.
Thứ hai, các phương án tính toán kiểm đếm đến từng tàu thuyền đã được chỉ đạo triển khai từ tàu đánh bắt hải sản đến tàu hàng, khu neo đậu.
Thứ ba, các phương án điều hành hồ chứa trước tình huống các hồ chứa đã tích đủ nước cũng đã được điều hành và chỉ đạo quyết liệt. Các phương án, kịch bản đều đã được Ban Chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng, tránh tình trạng xả lũ bị động dẫn đến ngập lụt khu vực hạ du như bài học kinh nghiệm của đợt mưa lũ vừa qua.