| Hotline: 0983.970.780

Bão Rai sẽ đi vào biển Đông với cường độ mạnh

Thứ Tư 15/12/2021 , 11:26 (GMT+7)

Bão Rai sẽ đi vào biển Đông vào khoảng đêm 17/12 đến sáng 18/12, trở thành cơn bão số 9 trên biển Đông trong mùa mưa bão năm 2021.

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai họp trực tuyến ứng phó cơn bão Rai ngoài biển Đông. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai họp trực tuyến ứng phó cơn bão Rai ngoài biển Đông. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cơn bão Rai có cường độ rất mạnh

Ngày 15/12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố Trung bộ và Nam bộ để ứng phó cơn bão Rai ngoài biển Đông.

Thông tin tại cuộc họp, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, sáng 15/12, bão Rai đang cách Philippines khoảng 800-900km, với cường độ cấp 11. Trong hôm nay, bão Rai có khả năng mạnh thêm và cường độ cực đại của bão có thể đạt cấp 13-14, giật cấp 16 trước khi đổ bộ vào Philippines.

Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra dự báo, cơn bão Rai sẽ đi vào biển Đông vào khoảng đêm 17/12 đến sáng 18/12, trở thành cơn bão số 9 trên biển Đông trong mùa mưa bão năm 2021. Trước khi vào biển Đông, bão Rai có suy yếu, sau đó vào biển Đông bão sẽ mạnh lên.

Ngoài ra, khu vực phía Bắc đang đón một đợt không khí lạnh vào đêm 16/12 và được tăng cường trong ngày 17/12. Chính vì vậy,  bão vào gần bờ sẽ chịu tác động bởi 2 yếu tố là không khí lạnh và nhiệt độ nước biển gần bờ lạnh hơn vùng biển khu vực Philippines, nên cường độ của bão sẽ suy giảm.

Tuy nhiên, dự báo của Việt Nam và các đài dự báo quốc tế cho thấy, mức độ suy yếu của bão Rai không nhiều khi vào gần bờ và khi vào gần bờ bão có xu hướng dịch chuyển lên phía Bắc.

Ông Hoàng Phúc Lâm nhận định trước khi vào biển Đông, bão Rai có suy yếu, sau đó vào biển Đông bão sẽ mạnh lên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Hoàng Phúc Lâm nhận định trước khi vào biển Đông, bão Rai có suy yếu, sau đó vào biển Đông bão sẽ mạnh lên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trong 3 ngày từ 11/12 đến 14/12, các tỉnh khu vực Trung bộ đã rải rác có mưa, mưa vừa, lượng mưa phổ biến từ 40-70mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Tà Long (Quảng Trị) 105mm; Thủy điện Rào Trăng 4 (T.T.Huế) 137mm; Hồ chứa nước Thủy Yên (Thừa Thiên - Huế) 138mm; Trường Sa (Khánh Hòa) 122mm.

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, ngày 14/12 có 11.030 tàu đang hoạt động trên biển Đông, cụ thể: Vịnh Bắc Bộ: 2.150 tàu; Hoàng Sa và Trường Sa: 4.130 tàu; Nam Biển Đông: 4.750 tàu.

Thống kê trên Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam (VNDMS) cho thấy, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển Đông đến 6 giờ ngày 15/12 là 10.974 tàu. Hiện nay, cả nước có 71 khu neo đậu tàu thuyền với tổng sức chứa là 46.212 tàu, chỉ đáp ứng 49% yêu cầu.

Tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam tránh trú tại vùng biển nước ngoài

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài lưu ý, bão Rai vào biển Đông là cơn bão cuối vụ trong năm 2021. Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và các đài dự báo quốc tế, bão Rai là cơn bão có cường độ rất mạnh.

Ông Trần Quang Hoài đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi sát diễn biến của cơn bão. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Trần Quang Hoài đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi sát diễn biến của cơn bão. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngoài ra, bão Rai còn chịu tác động của nhiều hình thái thời tiết khác nhau và gió mùa Đông Bắc ở phía Bắc nên cường độ, đường đi, đối tượng chịu tác động của cơn bão này còn thay đổi. Chính vì vậy, ông Trần Quang Hoài đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi sát diễn biến của cơn bão, thường xuyên cập nhật thông tin gửi về Ban Chỉ đạo và các địa phương.

"Đây là cơn bão dự báo có cường độ mạnh, chính vì vậy, Tổng cục Thủy sản và các đơn vị chức năng liên quan, cần thông tin, kêu gọi các tàu thuyền hoạt động trên biển biết được diễn biến cơn bão và khẩn trương có phương án di chuyển vào nơi tránh trú an toàn", ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Bộ Ngoại giao cần có công hàm gửi các nước để tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam được vào tránh trú nhờ khi gặp bão trên biển.

Ông Trần Quang Hoài cũng lưu ý các tỉnh ven biển cần kiên quyết không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trên biển. Tại các khu neo đậu tàu thuyền, sơ tán dân, chính quyền địa phương cũng cần có phương án chằng chống tàu thuyền an toàn, tuyệt đối không để ngư dân ở lại trên thuyền để trông giữ tài sản. Đối với khu vực sơ tán dân, cần tuân thủ các qui định về phòng, chống dịch Covid-19.

Về tuyến đất liền, các đơn vị vận hành hồ chứa thủy điện, thủy điện cần bám sát thông tin dự báo để vận hành hợp lý, an toàn.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương, đối với tuyến biển cần theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các tỉnh chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch ra khơi đánh bắt vụ Cá Bắc để đảm bảo an toàn; đồng thời kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho hoạt động trên biển, nhà dàn, khu neo đậu tàu thuyền, hoạt động nuôi trồng thủy sản và phương án cung ứng vật tư đối với khu vực đảo.

Đối với khu vực đất liền, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ dự báo mưa; kiểm tra, sẵn sàng phương án vận hành đảm bảo an toàn hồ, an toàn hạ du; tăng cường thông tin, phối hợp khi vận hành giữa các địa phương; phòng chống sạt lở nhất là khu vực cửa sông đang bị sạt lở khi bão đổ bộ; sẵn sàng tiêu nước đệm bảo vệ sản xuất, nhất là đối với vụ lúa đông xuân vừa xuống giống.

Kiểm tra, rà soát khu vực nhà yếu không đảm bảo an toàn; phương án quản lý, nắm bắt số liệu tàu thuyền neo đậu tránh bão tại các khu vực cửa sông; phương án đảm bảo an toàn cho những tuyến đê biển xung yếu.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.