| Hotline: 0983.970.780

“Con chim vành khuyên”: Từ bài thi tốt nghiệp ...

Thứ Năm 23/10/2014 , 08:15 (GMT+7)

Trong lịch sử điện ảnh Việt, bộ phim “Con chim vành khuyên” chiếm một vị trí đặc biệt. 

Không chỉ vì dấu mốc lịch sử khi đây là bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng quốc tế mà còn là những câu chuyện xung quanh nó.

Số phận bất ngờ

Người hiếm hoi còn lại của thế hệ làm phim “Con chim vành khuyên” là NSƯT Tố Uyên, vào vai nhân vật chính bé Nga năm 1961. Vai diễn biến Tố Uyên từ cô học trò lớp 7 thành một “con chim vành khuyên” của điện ảnh Việt.

Bé Nga giờ đây đã ở gần cái tuổi thất thập và “ông trời đã lấy đi phần nhiều kí ức” như lời bà tâm sự, nhưng ký ức, kỷ niệm hơn 50 năm về trước vẫn hằn sâu, không thể nào quên.

NSƯT Tố Uyên bắt đầu câu chuyện bằng một thông tin khá thú vị, “Con chim vành khuyên” vốn dĩ chỉ là bài thi tốt nghiệp của đạo diễn, NSND Nguyễn Văn Thông, một người thầy, người bạn của bà, dù tuổi tác hai người là chú cháu.

Tố Uyên kể: Ngày đó, Nguyễn Văn Thông là học viên của khóa học điện ảnh đầu tiên của Khoa đạo diễn, Trường Điện ảnh Việt Nam. Đến kỳ thi tốt nghiệp, mỗi học viên phải nộp một kịch bản cho ông thầy, đạo diễn người Liên Xô Aziđa (phụ trách khoá học) chấm và trình lên Bộ Văn hoá Thông tin để làm phim.

Nghe kể lại, rất nhiều chuyện lạ xảy ra trong suốt thời gian chuẩn bị tốt nghiệp khóa học đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Có những người trước đó viết rất cừ, từng có truyện ngắn in thành sách hẳn hoi, giờ viết mãi cũng không được một kịch bản điện ảnh. Còn có những anh không thấy viết lách bao giờ, đùng một cái ra ngay kịch bản phim, được duyệt ngay.

Nguyễn Văn Thông thuộc loại thứ nhất. Mê mải suốt ngày đêm, viết đến kịch bản thứ 6 rồi mà ông thầy Aziđa vẫn lắc đầu. Tình cảnh mà mãi đến sau này, Nguyễn Văn Thông vẫn nói đùa với Tố Uyên là: Có người lâu không thấy đẻ, thì giờ đẻ toàn trứng vàng, còn chú chắc đẻ nhiều quá, giờ hết trứng.

Một đêm đầu tháng 5/1961, vẫn trong tình cảnh bế tắc, Nguyễn Văn Thông đọc lại truyện ngắn “Câu chuyện một bài ca” của mình đã được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội  năm 1960. Đọc đi đọc lại, chàng sinh viên chợt nảy ra một tình huống trong truyện và bắt tay viết ngay kịch bản “Bé Nga”.

Kịch bản lập tức nhận được cái gật của ông thầy người Liên Xô nhưng “suất” làm phim cuối cùng đã thuộc về “Đôi bạn” của Trần Việt.

Và có lẽ “Con chim vành khuyên” sẽ mãi là tập kịch bản viết muộn nếu không có một hôm Bộ Văn hoá Thông tin đề nghị xem xét lại kịch bản “Đôi bạn” vì “có vấn đề”. “Bé Nga” được chọn thay thế và đổi tên “Con chim vành khuyên” để dựng thành phim.

Tố Uyên kể thêm rằng, từ lúc làm phim cho đến mãi sau này Nguyễn Văn Thông vẫn luôn day dứt vì cơ hội trời cho ấy: “Chú Thông nhắc đi nhắc lại: “Chú biết Trần Việt rất buồn! Nếu không có vụ xét lại kia, chắc chắn điện ảnh Việt có thêm bộ phim “Đôi bạn” rất hay”.

Có thể là như vậy, bởi sau khi được chọn, “Con chim vành khuyên” tiến hành quay và làm hậu kì rất lặng lẽ. Dường như Nguyễn Văn Thông không muốn người bạn của mình buồn lòng. Cũng vì lẽ ấy mà ông dồn hết công sức, tâm huyết cho bộ phim như một sự tri ân với cơ hội nửa buồn nửa vui.

“Con chim vành khuyên” dựng xong lập tức gây chấn động giới điện ảnh. Và chỉ một tháng sau, tháng 7/1962, phim nhận được Giải Đặc biệt của Ban Giám khảo Phim ngắn của Liên hoan Phim quốc tế Carlovy Vary (Tiệp Khắc).

“Con chim vành khuyên” kể về hai cha con bé Nga làm nhiệm vụ bí mật đưa đò chở cán bộ cách mạng qua sông.
Trong một lần làm nhiệm vụ, cha con bé Nga đã bị giặc bắt. Nhưng với mưu trí và sự dũng cảm, Nga đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ các chiến sĩ cách mạng. Trước khi hi sinh, Nga đã mở túi, thả con chim vành khuyên - người bạn thân thiết của mình về với bầu trời tự do.
Phim đạt giải Bông sen Vàng, đồng thời với Giải thưởng nhân kỉ niệm 20 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam (1953 - 1973) công bố tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ II (1973).

Đây là giải thưởng quốc tế đầu tiên trong lĩnh vực phim truyện của điện ảnh Việt Nam.

Tiếng gọi cha lay động lòng người

Trở lại chuyện Tố Uyên vào vai nhân vật chính bé Nga trong “Con chim vành khuyên”.

Ngày ấy, Tố Uyên là cô học sinh lớp 7 xinh xắn và là thành viên của CLB thiếu niên Hà Nội. Một hôm, đang tiết học Toán, cô học trò thấy giáo viên và mấy người lạ gọi ra ngoài sân trường yêu cầu... nhảy dây.

“Lúc đó mình hơi hoảng vì cứ nghĩ bị phạt. Một lúc sau mới biết nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy đến tuyển người vào vai bé Nga”, Tố Uyên nhớ lại.

Đoàn làm phim chọn bối cảnh vùng Thọ Xuân (Thanh Hóa) để bấm máy. Đó thực sự là thử thách rất lớn với cô học trò lớp 7. Để “khắc phục” được nỗi nhớ nhà khi lần đầu xa bố mẹ, những người trong đoàn làm phim thường dạy cô bé bơi bằng cách cho chuồn chuồn… cắn rốn.

“Bây giờ họ thành người thiên cổ hết rồi”, Tố Uyên lau nước mắt khi nhớ về những kỷ niệm.

Năng khiếu và sự thông minh đã giúp Tố Uyên thành công trong vai diễn đầu đời của mình. Không chỉ diễn xuất tự nhiên, cô học trò còn mạnh dạn tham gia ý kiến với đạo diễn.

10-15-49_nh-1
NSƯT Tố Uyên hiện nay

Một trong những ý kiến ấy đã trở thành nỗi ám ảnh với người xem. Hai tiếng gào thét “cha, cha” cuối cùng của bé Nga đã tạo nên cơn chấn động mãnh liệt trong hàng triệu con tim yêu hòa bình trên thế giới.

“Khi chuẩn bị quay cảnh bé Nga bị bắn chết, tôi lấy hết can đảm đề xuất chú Thông xin được gọi hai tiếng “cha” trước khi ngã xuống. Sống trong thân phận bé Nga suốt mấy tháng trời khiến tôi “hiểu” nhân vật hơn chính bản thân mình.

Tiếng gào thét gọi “cha” này tôi chỉ thốt ra đúng một lần, và cũng là lần quay duy nhất. Tiếng thét ấy vọng theo tôi mãi đến bây giờ. Tôi nghĩ, nếu cảnh này phải quay lại, chắc chắn sẽ thất bại.

Bởi lúc đấy, tôi thét gọi cha, nhưng không hiểu là tôi hay là nhân vật Nga thét nữa. Không có ranh giới giữa hai con người đó trong tôi. Và cũng không thể có tiếng thét thứ hai như vậy”, NSƯT Tố Uyên bùi ngùi kể.

“Con chim vành khuyên” cũng gắn liền với chuyện tình của Tố Uyên và nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ. Trong mỗi bức thư gửi người yêu, Lưu Quang Vũ thường gọi Tố Uyên là "bé Nga của anh" một cách âu yếm, thương yêu. 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm