| Hotline: 0983.970.780

Ngập lụt liên miên:

Còn đâu 'Muốn yên lên Thái Nguyên mà ở'!

Thứ Hai 07/09/2020 , 13:12 (GMT+7)

Năm giờ sáng hôm nay (7/9/2020), sau tiếng sấm kinh động, trời trút mưa sầm sập. Chưa đầy một tiếng, nước ngập mênh mang.

Nhiều tuyến phố chính của thành phố Thái Nguyên ngập thủm trong nước. Ảnh: CTV.

Nhiều tuyến phố chính của thành phố Thái Nguyên ngập thủm trong nước. Ảnh: CTV.

“Quê em mùa nước lũ”

Tôi từ xuôi lên Thái Nguyên định cư đã 20 năm. Được chứng kiến trận lũ lịch sử ngày 04/07/2001. Năm ấy, xe lội nước quân đội được trưng dụng để đưa thí sinh đi thi Đại học. Người Thái Nguyên thường tự hào bởi sơn thủy hữu tình, thơ mộng, thời tiết, khí hậu bằng lặng nên có câu “Muốn yên lên Thái Nguyên mà ở”. Ít ai có thể ngờ được mảnh đất bán sơn địa ATK nằm ngay bên dòng sông Cầu thơ mộng bây giờ mỗi lần có mưa lớn là thất thủ, phố biến thành sông. Nhớ lại trận lụt tồi tệ 1 năm trước (ngày 10/09/2019) khiến hàng trăm nhà ngập chìm, hàng ngàn phương tiện bị hỏng. “Trời xanh quen thói, nhớ dòng”, hôm nay là ngày học đầu tiên của năm học mới, tôi vội vàng gọi 2 đứa con của mình dậy để đến trường. Nhưng đã muộn, phố biến thành sông, nhiều xe thành thuyền, nước ngập vào nhiều nhà dân. Mẹ tôi ở quê, cận kề 80 tuổi gọi điện “nghe nói trên đó mưa to, nhà có bị sao không con?”. Lúc tôi còn nhỏ, cứ mỗi trận mưa lớn, sấm to, lại thấy mẹ cắn thóc cầu trời, mong ông trời đánh thì tránh miếng ăn.

Trở lại trận mưa sáng nay tại Thái Nguyên, theo báo cáo của cơ quan chức năng, lượng mưa đo được tại Minh Lập (Đồng Hỷ) 38,5mm; Vũ Chấn (Võ Nhai) 57,6 mm; Quy Kỳ (Định Hóa) 40,9 mm, Phấn Mễ (Phú Lương) 41,4mm... Tại thành phố Thái Nguyên, do mưa lớn nên các tuyến đường chính như: Minh Cầu, Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến, Phủ Liễn, Quang Trung… đều bị ngập sâu trong nước từ 0,5 - 0,6m. Đỉnh điểm trên tuyến đường Minh Cầu có đoạn ngập sâu trên 1 mét, gây ách tắc giao thông.

Nhiều hộ dân có công trình, nhiều phương tiện tham gia giao thông bị ngập nước. Nhiều người đi làm muộn hoặc nghỉ làm, nhiều học sinh đã phải nghỉ học hoặc đến lớp muộn do mưa ngập.

Đường phố, cây xanh bị nước bủa vây. Ảnh: CTV.

Đường phố, cây xanh bị nước bủa vây. Ảnh: CTV.

Trong khi đó, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Thái Nguyên, trong ngày, các khu vực tiếp tục có mưa to, lượng mưa đạt từ 20-50 mm, có nơi cao hơn. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đã được đưa ra.

Hôm nay, ngập lụt lan tràn trên mạng xã hội của người Thái Nguyên.

Tội nghiệp “ông trời”!

Rõ là mưa to mới gây ngập úng. Nhưng lịch sử chỉ ghi nhận những trận lũ lụt tồi tệ với lượng mưa rất lớn, kéo dài và diễn ra trên một khu vực rộng lớn. Người dân thành phố thép bây giờ đã trang bị được cho mình kinh nghiệm khi thấy mưa to từ 1 giờ đồng hồ trở lên. Những hộ ở khu vực trũng, hay bị ngập thì sẵn sàng di chuyển đồ đạc lên cao, người tham gia giao thông nhanh chóng di tản về những ngả lối không bị ngập.

Một trong những nguyên nhân được mặc định dùng để bao biện là biến đổi khí hậu và hệ lụy của vấn nạn tàn phá môi trường tự nhiên. Nhưng có một vấn nạn đã được soi ra, tìm thấy nhưng bấy lâu nay vẫn loay hoay tìm giải pháp. Ngay từ năm 2016, báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Thái Nguyên đa xác định: “Tốc độ đô thị hóa trong nội thị nhanh, trong khi hệ thống thoát nước chung trục chính chưa đáp ứng phù hợp. Hệ thống thoát nước mưa hiện tại cơ bản quá cũ, không đáp ứng được nhu cầu thoát nước khi có mưa lớn”. Ngay từ đầu thế kỷ 21, thành phố Thái Nguyên đã sốt sắng thực hiện đại Dự án thoát nước và xử lý nước thải với nguồn vốn đầu tư lên gần 1.000 tỷ đồng. Trải qua 2 thập kỷ, hầu hết những tuyến phố chính đã được đào lên để xây dựng hệ thống thoát nước, những con đường lớn bị cắt mặt, đào sâu. Đau xót thay, chính những con đường đó, những tuyến phố trung tâm nhất của thành phố lại bị nước ngập biến thành sông.

Thành phố Thái Nguyên kẹt cứng sau trận mưa lớn rạng sáng ngày 07/09. Ảnh: CTV.

Thành phố Thái Nguyên kẹt cứng sau trận mưa lớn rạng sáng ngày 07/09. Ảnh: CTV.

Trong khi bài toán ngập úng vẫn loay hoay chưa tìm được lời giải, nhiều dự án liên quan đến hạ tầng giao thông, đặc biệt là hành lang đê thoát lũ liên tục bị chậm tiến độ thì số lượng các dự án được phê duyệt, triển khai vẫn không ngừng được tăng lên nhanh chóng. Đề án lớn có nội hàm thoát lũ là xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 12/2016, đã 4 năm trôi qua, người dân chỉ thấy một đoạn bê tông nham nhở, những cọc thép hoen gỉ chĩa lên trời xanh, dự án nằm im lìm, hoang vắng bên bến sông, không hẹn ngày tái khởi động chứ đừng nói đến việc hoàn thành. Đô thị hai bên bờ sông Cầu chưa thấy đâu nhưng sông Cầu như được “mở rộng” tấn công về 2 bờ thì đang hiện hữu.

Quy hoạch đô thị đâu phải là ghép những khu đô thị vào với nhau?

Thái Nguyên cũng được coi là thị trường bất động sản dễ đào. Cuộc chơi của thị trường bất động sản đã diễn ra với tốc độ quá nhanh và nguy hiểm. Bao giờ cũng vậy, đằng sau cơn lốc bất động sản và cân đối ngân sách sẽ là một diện mạo đô thị xộc xệch, quỹ đất cạn kiệt, quy hoạch bị băm nát, hạ tầng ngổn ngang.

Tại Thái Nguyên, ngành chức năng đã xác nhận, các dự án khu dân cư, khu đô thị triển khai thiếu đồng bộ không đáp ứng tiến độ, dự án bên cạnh thi công trước có cao độ nền cao hơn dẫn đến tình trạng khu dân cư liền kề hoặc dự án liền kề triển khai chậm bị ngập úng. Trong khi đó, diện tích hồ ao, đất cây xanh, đất canh tác, đất công cộng bị thu hẹp, lấp đầy; bên cạnh đó lòng các khe, suối, mương bị lấn chiếm, có trường hợp xây nhà 2 tầng trên mặt suối hoặc xây kè đá, trồng cây… làm thu hẹp, chuyển hướng dòng chảy.

Một số Dự án đã được “chỉ mặt” như Dự án khu đô thị Hồ Xương Rồng, Dự án Khu dân cư số 5 phường Phan Đình Phùng, Dự án Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng; Dự án Bãi đỗ xe đường gom nút giao cầu vượt Đán, Dự án khu dân cư số 3, 4 phường Đồng Quang… 4 năm qua, các dự án này đều chưa hoàn thiện. Thậm chí, dự án Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng vẫn còn nằm trên giấy.

Nước ngập úng khiến nhiều tuyến đường bị ách tắc. Ảnh: CTV.

Nước ngập úng khiến nhiều tuyến đường bị ách tắc. Ảnh: CTV.

Các yếu huyệt được gọi tên là cửa xả cuối hồ Xương Rồng thi công không đúng vị trí, diện tích cống hiện tại bằng 2/3 diện tích của hồ sơ thiết kế cơ sở được duyệt; hệ thống thoát nước thành phố Thái Nguyên đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, thì từ tháng 8/2019 đã phải ngưng hoạt động do sự cố cháy nổ tủ điện; việc đấu nối các cống mới thi công với tuyến cống cũ chưa phù hợp về cao độ đáy cống dẫn đến việc tiêu thoát không kịp như ở cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cổng trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cổng Công an thành phố Thái Nguyên…

Trong khi đó, tại nhiều nơi, hệ thống thoát nước bị lấn chiếm mặt cống như trên đường Minh Cầu, suối Đồng Danh, suối Làng Đanh, suối Xương Rồng, suối Mỏ Bạch...

Đặc biệt, người dân còn nganh nhiên lấn chiếm, xây dựng trên hệ thống cống ngầm, cống hộp và mương hở vị trí cạnh Công ty TNHH Lương Trang đường Bắc Kạn; cạnh Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên đường Lương Ngọc Quyến hệ thống cống hộp ngầm bị thu hẹp dòng chảy; cống ngầm vuông tổ 11 phường Đồng Quang, tổ 11 phường Phan Đình Phùng… bị xây lấn chiếm hoàn toàn; đoạn suối Xương Rồng phía gần Công ty Cổ phần Hóa chất Mỏ Việt Bắc và đoạn gần đường Phan Đình Phùng có tình trạng Hợp tác xã thủy tinh Dân Chủ xây dãy nhà 2 tầng trên mặt suối có chiều dài khoảng trên 100m…

Rất lạ là những sai phạm nói trên đã được chỉ rõ nhưng chẳng những không bị xử lý mà mức độ vi phạm lại tiếp tục gia tăng. Thế là, những rốn chứa nước như khu hồ xương rồng, cánh đồng rau Túc Duyên, cánh đồng rau Đồng Bẩm, Quang Vinh... bị san lấp; những họng nước, suối nước bị bít bưng kín; yết hầu, mó nước bị chặn ngang. Thay vào những vị trí trọng yếu là nhà, là bê tông, là cổng chào hoành tráng của những khu dân cư, khu đô thị, những dự án dở dang với lơ thơ nhà ở và ngổn ngang đất cát, chung quanh cỏ mọc lút đầu người. Nước chẳng những không thoát mà lại tràn vào, dềnh lên.

Sau 10 năm trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra một mục tiêu quan trọng là xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững để hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tăng trưởng nhanh liệu có đồng nghĩa với nóng? Tầm nhìn nhiệm kỳ liệu có cho phép phát triển bền vững? Mục tiêu sẽ đẹp và được thực hiện toàn vẹn nếu sự phát triển tuân thủ những giá trị minh bạch và tránh được sự trả giá bởi Trời xanh.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.