Đã có một thời, thể loại bolero bị xếp vào loại “nhạc vàng” và gần như bị gạt sang bên lề đời sống âm nhạc. Với sự cởi mở hơn trong tâm lý tiếp nhận của công chúng, dòng âm thanh bolero đã được quay trở lại một cách bất ngờ. Vì sao bất ngờ? Vì sau sự e dè là sự hào hứng quá độ dành cho những ca khúc bolero.
Sau khi Đài truyền hình VN cho tổ chức chương trình “Thần tượng bolero” thì dư luận chính thức xác lập giá trị của bolero trong xã hội. Bolero được công khai hóa trên màn ảnh nhỏ quốc gia thực sự đã tạo ra nhiều sự ngộ nhận về thể loại ca khúc bình dân.
Quá trình hội nhập phơi bày không ít non nớt và yếu kém của âm nhạc nước nhà. Các ca khúc sôi động do nhạc sĩ Việt sáng tác hoàn toàn lép vế trước các ca khúc nước ngoài.
Hơn nữa, tình trạng sao chép các bản “hit” của Hàn Quốc và Trung Quốc, khiến khán giả càng ngao ngán hơn. Giữa bối cảnh ấy, bolero được xem là một sự chọn lựa khôn ngoan của giới biểu diễn. Tuy nhiên, không thể vì chiều chuộng thị hiếu mà thổi phồng lên những phẩm chất không có gì đặc biệt của bolero.
Cạnh tranh với “Thần tượng bolero”, có thể kể đến hai chương trình “Solo cùng bolero” và “Tình bolero”. Bỗng dưng, bolero được dán một nhãn hiệu khá hoành tráng. Và những người biết thưởng thức âm nhạc đích thực lại càng thấy rõ một thái độ cực đoan hiện nay, bolero từ vị trí rẻ rúng đột ngột chuyển sang vị trí đỉnh cao.
Hầu hết các ca khúc bolero đều được khai thác tối đa, ca khúc hay được hát lại mà ca khúc không hay cũng hát lại như một cuộc săn tìm báu vật ồn ào. Thậm chí những ca khúc của Trịnh Công Sơn hoặc Vũ Thành An cũng bị gom vào cái giỏ… bolero!
Sòng phẳng mà định lượng, không phải ca khúc bolero nào cũng đảm bảo yếu tố thẩm mỹ của một tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng, trong sự cuồng si của đám đông được tiếp sức bởi những kỹ thuật tương tác truyền hình, thì tất cả các ca khúc bolero đều được tung hô ầm ĩ. Cái cảm giác chân thật nhất có thể cảm nhận qua những sự hò reo kia là chổi cùn và giẻ rách cũng biến thành… kim cương lấp lánh!
Những nhà làm truyền hình, những ca sĩ và những MC thi nhau xưng tụng những ca khúc bolero lên tận mây xanh. Thật khó chấp nhận những kiểu ngoa ngôn như “bolero là quốc hồn, quốc túy của Việt Nam”, “Nơi nào có người Việt Nam thì nơi đó có bolero” hoặc “bolero giàu chất văn học, đầy ý nghĩa nhân ái”…
Phải đàng hoàng mà nhắc nhau, các ca khúc bolero dễ nghe, dễ hát, dễ thuộc. Phần lớn ca khúc bolero đều bình thường cả về giai điệu lẫn ca từ. Bolero nghêu ngao ở vỉa hè hay nỉ non trong phòng trà, không có ca khúc nào đáng được gọi là một tác phẩm âm nhạc xuất sắc!
Cơn hào hứng bolero hôm nay đang trực tiếp nhắc nhở một sự lệch lạc trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cơn hào hứng bolero rồi cũng sẽ trôi qua, nhưng hiệu ứng mà các chương trình truyền hình đang cố tình khuếch trương, không khéo sẽ để lại hiệu ứng bẽ bàng!