| Hotline: 0983.970.780

Quyết liệt ngăn chặn khai thác đánh bắt hải sản bất hợp pháp

Thứ Sáu 19/02/2021 , 13:25 (GMT+7)

Khi một tàu cá của Việt Nam vi phạm, nước bạn không chỉ thông báo cho Việt Nam mà còn công bố rộng rãi thông tin cho quốc tế, nhất là thông tin cho EC...

Đó là chia sẻ của ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) khi chia sẻ về vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp tại Việt Nam.

Ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

“Thẻ vàng” của EC gây tổn thất cả về kinh tế và uy tín của thủy sản Việt Nam

Ông Trần Đình Luân cho biết, kể từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Châu Âu sụt giảm bình quân từ 6 – 10%/năm (tùy từng năm).

Việc này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín, vị thế và quan hệ ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế. Nó cũng gây tổn thất về mặt kinh tế, xã hội đối với cộng đồng ngư dân ven biển và các doanh nghiệp.

Như chúng ta đã biết, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam (chiếm từ 17 – 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản). Khi bị cảnh báo thẻ vàng, các lô hàng của Việt Nam nhập khẩu vào EU bị kiểm tra 100%. Ngoài chi phí kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các lô hải sản, thì doanh nghiệp còn phải chịu nhiều lệ phí khác, chưa kể thời gian kiểm tra kéo dài dẫn đến giao hàng chậm, ảnh hưởng uy tín sản phẩm của chúng ta.

Và, điều không vui đã đến. Sau khi Việt Nam bị EC cảnh báo “thẻ vàng”, EU - thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN).

Do đó, ông Trần Đình Luân cho rằng: Việc ngăn chặn, loại trừ, tiến tới xóa bỏ tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) là nhiệm vụ bắt buộc để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, phát triển nghề cá có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Đây là chủ trương xuyên suốt của Đảng và nhà nước ta, điều này đã được thể chế hóa thông qua Luật Thủy sản.

“Ở đây không chỉ là chuyện gỡ “thẻ vàng” của EC mà ngay trong nội tại ngành thủy sản, chúng ta cũng thấy cần phải cải tiến để có một nghề cá phát triển bền vững”, ông Luân nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu trên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần thống nhất nhận thức và hành động của cả thệ thống chính trị, “phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên cấp bách, tập trung nguồn lực để triển khai”.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ trì, tham mưu cho Bộ NN-PTNT để tham mưu, đề xuất Trung ương chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện các giải pháp.

Nhiều chủ tàu ở huyện đảo Lý Sơn ký cam kết không vi phạm quy định về khai thác cá.

Nhiều chủ tàu ở huyện đảo Lý Sơn ký cam kết không vi phạm quy định về khai thác cá.

Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU đã ban hành hàng loạt các văn bản, Chỉ thị, công điện, quyết định để chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển triển khai quyết liệt về các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp.

Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT ban hành 14 quyết định, 40 văn bản chỉ đạo đôn đốc các địa phương triển khai nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế. Đặc biệt là thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo Bộ tổ chức đoàn kiểm tra các địa phương để chấn chỉnh...

Một số kết quả được EC đánh giá cao

Ông Trần Đình Luân cho biết, sau một thời gian, chúng ta đã có được những kết quả rất tích cực, được EC đánh giá rất cao.

Thứ nhất, đó là quyết tâm nỗ lực chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết các kiến nghị của EC. Chúng ta cũng rất công khai minh bạch trong những lần đi kiểm tra chấn chỉnh, kiểm soát hàng thủy sản xuất sang EU.

Thứ nhất, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý bao gồm Luật Thủy sản năm 2017, 2 Nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 1 thông tư, đây là căn cứ để triển khai các nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp.

Thứ ba, Việt Nam đã gia nhập và triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO và Hiệp định Đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc.

“Đây là những Hiệp định quốc tế, giúp chúng ta quản lý và khai thác, chế biến, xuất khẩu sản phẩm khai thác từ biển”, ông Luân nói.

Bên cạnh đó, EC cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tính đến năm 2020, chúng ta đã có 26.066 tàu/30.900 tàu đã được lắp thiết bị giám sát hành trình. Điều này khiến EC bất ngờ vì bên cạnh nước ta, Thái Lan chỉ có hơn 6.000 tàu được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đây là nỗ lực rất lớn, tốn rất nhiều kinh phí và chúng ta đã làm được trong thời gian ngắn.

Chúng ta cũng đã nghiêm chỉnh thực hiện yêu cầu của EC về việc phân luồng phân tuyến, cỡ tàu nào thì khai thác vùng nào và phương thức khai thác nào phù hợp. Ông Trần Đình Luân cho biết, hiện nay trên 90% tàu cá (trong tổng số hơn 90.600 tàu) đã được đánh dấu 3 loại màu khác nhau để phân biệt phạm vi khai thác gồm: vùng ven bờ, vùng lộng và vùng ngoài khơi. Tránh tình trạng như thời gian qua một số tàu khai thác ngoài khơi không hiệu quả đã đưa tàu to vào khai thác ven bờ, phá hoại môi trường và nguồn lợi lớn.

“EC cũng đánh giá rất cao chúng ta trong việc tăng cường quản lý cường lực khai thác thông qua việc Việt Nam công bố hạn ngạch về số lượng tàu, và bây giờ chỉ có giảm tàu khai thác cá chứ không có chuyện tăng”, ông Luân nhấn mạnh, đây là một trong những nỗ lực của chúng ta trong việc giảm khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi điều tra của chúng ta.

Vẫn còn những tồn tại rất khó khắc phục

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta phải thẳng thắn với nhau rằng, còn rất nhiều tồn tại trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Mặc dù năm 2020, số lượng tàu cá của chúng ta vi phạm các vùng biển nước ngoài đã giảm trên 50% so với năm 2019. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Đây là tồn tại lớn nhất, và cũng là một trong những nhiệm vụ tiên quyết phải làm, vì EC nói rằng “còn 1 tàu cá vi phạm thì không thể gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.

Hiện nay, khi một tàu cá của Việt Nam vi phạm, nước bạn không chỉ thông báo cho Việt Nam mà còn công bố rộng rãi thông tin cho quốc tế, nhất là thông tin cho EC. Bởi vậy, thông tin rất minh bạch chứ không phải là “chuyện riêng” giữa các nước trong khu vực có thể... đóng cửa bảo nhau.

Thứ hai, chúng ta đã có cơ chế xử phạt các trường hợp khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, nhưng mỗi địa phương lại có cách xử lý khác nhau, cơ bản là vẫn mong muốn nhắc nhở, chúng ta chưa xử phạt nghiêm, cho nên vẫn có tình trạng vi phạm. Và thứ ba là nguồn nhân lực của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu. Có thể lấy ví dụ ở Thái Lan, trong vòng 3 năm, quốc gia này đầu tư mấy chục triệu USD và tuyển thêm 450 cán bộ làm công tác giám sát tại cảng và giám sát tàu đi khai thác.

Trong khi đó tại Việt Nam, nhân lực ở các địa phương có xu hướng giảm và không tuyển thêm. Cho nên, đây là một trong những khó khăn khi chúng ta tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra tại các cảng cá. Bên cạnh đó, các cảng cá cũng thiếu trang thiết bị, phòng làm việc để đáp ứng yêu cầu. Đó là những bất cập.

Ông Trần Đình Luân nhấn mạnh: Tinh thần là chúng ta phải quyết liệt để càng sớm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Qua đó, chúng ta tránh không để EC rút “thẻ đỏ” với thủy sản khai thác của Việt Nam. Bởi EC có cơ chế là sau 3 năm, một là gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, hai là phạt “thẻ đỏ”, rất ít khi họ kéo dài. Do đó, chúng ta phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng đầu năm 2021, để làm sao không còn tàu cá vi phạm. Khi đó, việc đàm phán giữa Việt Nam và EC sẽ đạt kết quả cao.

Để làm được điều này, ông Trần Đình Luân cho rằng, cần phải tăng cường tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức chấp hành Luật Thủy sản đến với ngư dân. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT ưu tiên kinh phí cho phát triển hạ tầng sản xuất thủy sản nói chung và kinh phí triển khai các hoạt động chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Các tỉnh, thành ven biển cần tăng cường triển khai các biện pháp thực hiện triệt để các giải pháp chống khai thác theo các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, đặc biệt là phân bổ nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất cho các cơ quan liên quan triển khai hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.