Sáng 12/4, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Tân Uyên, trên cơ sở nguyên trạng 191,76 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 466.053 người, 10 phường và 2 xã của thị xã Tân Uyên. Đây là địa bàn có cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90%; thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng/năm.
Tân Uyên cũng là địa bàn đi đầu trong phát triển công nghiệp của tỉnh với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký 32.560 tỷ đồng và 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị lãnh đạo thành phố Tân Uyên tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị, đặt mục tiêu đưa Tân Uyên trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, đầu mối giao thông vùng.
“Tôi tin từ dấu mốc phát triển mới hôm nay, cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bình Dương, thành phố Tân Uyên sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành thành phố hiện đại, đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc văn hóa”, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nói.
Cũng tại buổi lễ công bố, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi kỳ vọng việc Tân Uyên được nâng lên thành thành phố sẽ tạo điều kiện phát triển cho người dân, đóng góp chung cho tỉnh và vùng. “Tỉnh đang xây mới, nâng cấp nhiều dự án quan trọng, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn, phấn đấu đến 2030 đưa Bình Dương trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp công nghệ cao và thành đô thị thông minh, văn minh, đáng sống”, ông Lợi nói.
Được biết, Đề án nâng cấp Tân Uyên lên thành phố được tỉnh Bình Dương chuẩn bị trong nhiều năm. Từ khi lên thị xã năm 2013, Tân Uyên phát triển nhanh và tích cực, bình quân tốc độ phát triển gần 13%/năm. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng trên địa bàn ước đạt 32.996 tỷ đồng, tăng 12,08% so với cùng kỳ năm 2021.