| Hotline: 0983.970.780

Công nghiệp chế biến trước thách thức mới

Thứ Tư 10/12/2014 , 10:09 (GMT+7)

Năm 2014, kim ngạch XK nông lâm thủy sản của Việt Nam dự kiến đạt 30 tỷ USD, song phần lớn sản phẩm XK dưới dạng thô. 

Qua đó cho thấy ngành công nghiệp chế biến của ta đứng trước rất nhiều thách thức khi hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

GIÁ TRỊ THẤP HƠN THẾ GIỚI 15-50%

Phát biểu tại Hội nghị Toàn thể Chương trình Hỗ trợ Quốc tế (ISG) năm 2014 "Thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản: Cơ hội và thách thức" được tổ chức tại Hà Nội sáng qua (9/12), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam giành được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong chuỗi SX nông nghiệp hiện khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch đang là mắt xích yếu nhất.

16-26-31_nh1
Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại Hội nghị

Đây chính là nguyên nhân khiến giá trị nông sản Việt Nam theo đánh giá thường thấp hơn từ 15-50% so với sản phẩm cùng loại ở quốc gia khác.

Do đó, trong đề án tái cơ cấu ngành, Bộ NN-PTNT đã ban hành đề án cùng kế hoạch hành động “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch” với một loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, nhân lực, đào tạo để thu hút các DN tham gia vào công đoạn chế biến nhiều hơn (thống kê nguồn vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 0,5% tổng vốn FDI tại Việt Nam).

Mục tiêu đến 2020, cùng các DN tăng bình quân 20% giá trị và giảm 50% tổn thất sau thu hoạch so với thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, với sự giúp đỡ của Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) và Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO), Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị này mong nhận được những ý kiến đóng góp từ phía các tổ chức, cá nhân, DN nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến.

Theo số liệu Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cung cấp, tính đến năm 2013 Việt Nam có khoảng trên 6.600 DN chế biến nông sản, trong đó, trên 50% là các DN hoạt động trong ngành chế biến gỗ.

Tiếp đến là các DN chế biến thủy sản (864 DN), lúa gạo (582), TĂCN (338), điều (328), cà phê (239), chè (257), cao su (147), rau quả (145), mía đường (38), thịt (51) và hồ tiêu (17 DN).

Theo khảo sát của IFAD, do các DN của Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên những thách thức với ngành công nghiệp chế biến rất lớn. Đó là sự không đảm bảo về chất lượng, số lượng nguyên liệu; các sản phẩm chế biến đơn giản dưới dạng thô, chất lượng thấp, nguy cơ mất ATVSTP cao. Bên cạnh đó, giá thành SX và giá bán còn đang ở mức khá cao.

16-26-31_nh2
Hội nghị “Thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản: Cơ hội và thách thức"

Yếu kém thứ ba là khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ chậm. Và cuối cùng, định hướng thị trường bất cập, hạ tầng thương mại yếu kém nên hầu hết các DN chế biến nông sản của Việt Nam chưa đủ tầm để chủ động giao dịch trên thị trường khu vực và thế giới.

"STRESS VỚI DN QUỐC DOANH"

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho rằng, để phát triển công nghiệp chế biến Nhà nước nên dựa vào DN bởi DN mới đủ khả năng, tiềm lực để trở thành đầu mối tập hợp được nông dân SX.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN (VASEP) đề nghị, phải coi nguyên liệu thủy sản là một tài nguyên Quốc gia để từ đó có những công nghệ chế biến phù hợp, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, phải mở rộng thêm mặt hàng chế biến XK, nếu như năm 2000 chúng ta XK cá tra thì đến 2005-2007 XK tôm chân trắng, vậy những năm tới nên tìm thêm sản phẩm có thế mạnh để XK, ví dụ như con cá rô phi chẳng hạn.

Nhưng ông Lịch lưu ý DN ở đây phải là DN tư nhân chứ không phải DN quốc doanh. Ông Lịch rất bất ngờ khi thời ông làm ở Cục Khuyến nông- Khuyến lâm cũ, ngành hồ tiêu của Việt Nam chưa có thương hiệu gì, nay sau 10 năm đã XK được trên 1 tỷ USD, tất cả đều do DN tư nhân.

Hay ngay như Hiệp hội TĂCN Việt Nam, chiếm tới 80% tổng sản lượng TĂCN của cả nước cũng chiếm tới 99,9% là DN ngoài quốc doanh.

Theo ông Lê Bá Lịch, các nhà quản lí cần đổi mới cơ chế, chính sách mạnh dạn hơn, thậm chí phải thay đổi cả tư duy đầu tư cho nông nghiệp. Nhà nước và đặc biệt là ngân hàng nên làm quen dần với khái niệm ưu đãi cho DN tư nhân.

Phải có cuộc cách mạng mang tính đột phá về ưu đãi vốn vay cho DN chế biến, ví dụ như vay 3-5 năm không thu lãi chẳng hạn. Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ thông qua việc đào tạo nhân lực, đừng phân biệt DN quốc doanh hay tư nhân, nếu DN tư nhân họ tự cử người đi đào tạo, tiếp thu những công nghệ chế biến tiên tiến trên thế giới, Nhà nước có thể hỗ trợ thông qua miễn giảm thuế cho DN...

“Tôi bây giờ chỉ tin tưởng, trông chờ vào DN tư nhân thôi chứ DN quốc doanh tôi bị stress, mất hết lòng tin rồi. Bên cạnh đó, rất mong ngành nông nghiệp quan tâm hơn nữa tới các hiệp hội và DN tư nhân trong công tác đào tạo, tập huấn, bởi đây mới là những đơn vị có kiến thức, tư duy về thị trường để theo và hỗ trợ cho nông dân từ khâu SX, chế biến đến thị trường tiêu thụ”, ông Lê Bá Lịch mạnh dạn góp ý.

Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) thì có một đề nghị nhỏ nhưng nhiều năm rồi chưa được đáp ứng là giới thiệu cho TSC một chuyên gia về công nghệ chế biến và bảo quản lúa gạo sau thu hoạch.

che-bien184452390
Chế biến gạo xuất khẩu. Ảnh: Đình Huệ

Ông Báo chia sẻ, TSC tuyển 2 kỹ sư tốt nghiệp đại học về ngành chế biến và bảo quản, nhưng hơn 2 năm rồi họ chưa làm được gì. Ông Báo cam kết, TSC sẽ trả lương rất cao và hậu hĩnh nếu người đó có công nghệ bảo quản lúa gạo mà 6 tháng sau chất lượng vẫn tốt, bởi việc lưu giữ theo cách truyền thống trong kho như hiện nay chỉ dăm bữa nửa tháng là chất lượng gạo suy giảm.

Về việc đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp chế biến và bảo quản sau thu hoạch, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Phạm Văn Cường thừa nhận là còn có những bất cập.

Theo ông Cường, tại các quốc gia phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… họ đầu tư rất nhiều cơ sở vật chất cho các học viện và trường đại học trong công tác nghiên cứu cơ bản, còn tại Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là “học chay” nên mới có thực trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không bắt kịp đòi hỏi của xã hội.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất