Sáng 6/1, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Tiền Giang đã có buổi kiểm tra tình hình thực hiện dự án kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây tỉnh Tiền Giang, Long An.
Tại gói thầu XL01 “Xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị cống âu Nguyễn Tấn Thành”, theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 10 cho biết: Cống được xây dựng trên kênh Nguyễn Tấn Thành, cách cầu Kinh Xáng (tỉnh lộ DT864) về phía sông Tiền khoảng 420m. Đây là cống hở kiểu trụ đỡ, bằng bê tông cốt thép M30 (28), tổng chiều rộng thông nước BC = 52m, gồm 1 khoang Bk = 40m và 1 khoang âu thuyền Bau = 12m; cao trình ngưỡng cống -5,5m, cao trình ngưỡng âu -5,5m. Tổng mức đầu tư (gồm dự phòng) là 518 tỷ đồng.
Công trình đã được khởi công ngày 11/11/2022, thực hiện trong 24 tháng. Thời gian qua, các nhà thầu đã tập trung nhân lực, thiết bị thi công hoàn thành đóng cọc xử lý nền trụ pin 12, dầm van, đoạn âu thuyền số 3 và dạng đóng cọc sắp hoàn thành trụ pin T1, đoạn âu số 4 và số 2. Đồng thời, đang đóng cừ chống thấm và khung vây đợt 1. Đặc biệt, quyết tâm hoàn thành khép kín khung vây đợt I vào cuối tháng 1 năm 2023 để thay thế làm đập thép tạm ngăn mặn ngay từ mùa khô năm 2022-2023 cho tỉnh Tiền Giang và Long An. Tỉnh Tiền Giang không phải đắp đập tạm bằng thép với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Đến nay, các nhà thầu đã thực hiện đạt 18% giá trị hợp đồng. Riêng công tác giải phóng mặt bằng đã được UBND huyện Châu Thành phê duyệt phương án đền bù ngày 30/12/2022.
Trong năm 2023, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 10 sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị tư vấn, xây lắp đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình theo cam kết và hưởng ứng phong trào thi đua "5 nhất” của Bộ NN-PTNT. Đó là: chất lượng nhất, tiến độ nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất, tiết kiệm nhất. Phấn đấu hoàn thành các hạng mục quan trọng, đủ điều kiện báo cáo Bộ NN-PTNT cho phép vận hành tạm thời phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn ngay từ mùa khô năm 2023-2024 (sớm hơn 1 mùa khô), thực hiện đạt từ 75% khối lượng theo hợp đồng.
Cũng theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 10 cho biết, dự án vẫn còn một số tồn tại, khó khăn cần được sự quan tâm của Bộ NN-PTNT, UBND hỗ trợ tháo gỡ. Do đó, Ban kiến nghị: “Hiện nay, các hộ dân bị ảnh hưởng và phần đất quốc phòng do Quân khu 9 quản lý đã đồng thuận và cho phép các nhà thầu triển khai thi công. Tuy nhiên, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn một số vướng mắc thu hồi đất quốc phòng, chi trả tiền cho các hộ dân. Đặc biệt là hồ sơ, thủ tục thu hồi đất quốc phòng mất nhiều thời gian. Ban đề nghị Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Tiền Giang hỗ trợ, giúp đỡ Ban trong việc hoàn thành các hồ sơ thủ tục này”.
Cùng với các công trình hiện có trong vùng dự án, cống âu Nguyễn Tấn Thành đáp ứng nhiệm vụ tăng cường khả năng trữ, tạo nguồn và chủ động kiểm soát triều cường, xâm nhập mặn, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho vùng diện tích khoảng 12.580ha của tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt trong khu vực, phục vụ cho 800.000 người dân tỉnh Tiền Giang.
Tại buổi kiểm tra công trình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác phối hợp giữa các cơ quan của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Tiền Giang, UBND huyện Châu Thành đã triển khai, thực hiện dự án đúng kế hoạch đề ra. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhắc nhở các đơn vị thi công, tư vấn, giám sát cần đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công trình đảm bảo an toàn, chất lượng, hưởng ứng phong trào thi đua “5 nhất” do Bộ NN-PTNT phát động: “Chất lượng nhất, tiến độ nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất, tiết kiệm nhất.
Thứ trưởng đề nghị chủ đầu tư cùng với nhà thầu nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian từ 24 tháng xuống còn 18 tháng. Đến tháng 1/2024 đưa vào vận hành kỹ thuật cống âu Nguyễn Tấn Thành. Công trình đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, hiệu quả nhất. Đây sẽ là công trình trọng điểm của tỉnh Tiền Giang tiêu biểu về chất lượng thể hiện qua các khâu: thiết kế, thi công, giám sát.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng đánh giá đây là công trình trọng điểm của tỉnh, đồng thời thể hiện sự liên kết vùng trong đầu tư. Dự án hoàn thành sẽ có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của tỉnh, nhất là tiết kiệm hàng chục tỷ đồng tiền đắp đập tạm ngăn mặn hàng năm. Ông đã chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền địa phương phối hợp với Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 10 cũng như lắng nghe tâm tư của người dân để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.