| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang: Chủ động các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn mùa khô 2023

Thứ Sáu 18/11/2022 , 07:28 (GMT+7)

Tiền Giang Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai kế hoạch chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống hạn mặn mùa khô 2022-2023.

Hạn mặn tương đương mùa khô 2021-2022

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô năm 2022 - 2023 từ thượng nguồn sông Mê Kông về hạ lưu và ĐBSCL có khả năng ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn từ 5-15% so với trung bình nhiều năm nhưng lớn hơn mùa khô 2021-2022.

Dự báo xâm nhập mặn mùa khô 2022 - 2023 tương đương mùa khô 2021 - 2022. Ảnh: Minh Đảm.

Dự báo xâm nhập mặn mùa khô 2022 - 2023 tương đương mùa khô 2021 - 2022. Ảnh: Minh Đảm.

Mùa mưa năm 2022 được dự báo kết thúc muộn. Lượng mưa trong các tháng đầu mùa khô tại vùng ĐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm và có thể xuất hiện các đợt mưa trái mùa nên tình hình hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL khả năng ở mức tương đương và thuận lợi hơn mùa khô năm 2021 - 2022.

Đài Khí tượng thuỷ văn Tiền Giang dự báo tháng 12/2022, ranh mặn 4g/lít có khả năng xâm nhập ở mức 10 - 20km. Tháng 1 và 2/2023, ranh mặn 4g/lít có khả năng xâm nhập ở mức 25 - 35km, tương đương năm 2021 – 2022. Tháng 3/2023, tùy thuộc vào lượng nước điều tiết từ các hồ chứa thượng nguồn sông Mê Kông mà xâm nhập mặn có thể giảm hoặc duy trì như tháng 2/2023.

Đề phòng xâm nhập mặn trên sông Hàm Luông lấn qua sông Tiền khu vực cù lao Ngũ Hiệp. Dự báo độ mặn cao nhất ở khu vực phía Nam cù lao Ngũ Hiệp ở mức nhỏ hơn 0,5g/l xuất hiện vào nửa cuối tháng 3/2023, tương đương năm 2021 – 2022.

Chỉ thị của Chủ tịch tỉnh

Mới đây, ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký quyết định ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và cháy rừng năm 2023 trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ và tuyên truyền. Phổ biến sâu rộng đến nhân dân về diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết để chủ động ứng phó. Tinh thần tích cực, khẩn trương, cảnh giác cao, nhất là diễn biến của tình hình hạn, xâm nhập mặn và cháy rừng trong mùa khô năm 2023.

UBND huyện Gò Công Đông khuyến cáo người dân địa phương xuống giống dứt điểm lúa đông xuân trong tháng 11. Ảnh: Minh Đảm.

UBND huyện Gò Công Đông khuyến cáo người dân địa phương xuống giống dứt điểm lúa đông xuân trong tháng 11. Ảnh: Minh Đảm.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch, đề án, chiến lược phòng, chống thiên tai đã được phê duyệt. Tăng cường kiểm tra và lập kế hoạch duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình ngăn mặn, dẫn và trữ nước ngọt để chủ động đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn.

Đặc biệt, các địa phương phía đông của tỉnh phải chủ động lập kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, cháy rừng vào mùa khô 2022 - 2023. Cụ thể cho từng vùng, từng khu vực dự án, từng địa phương, đơn vị để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xấu xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ.

Gò Công Đông chủ động các giải pháp

Tại vùng ngọt hóa Gò Công Tiền Giang, diện tích xuống giống lúa đông xuân hàng năm khoảng 28.000ha. Vụ đông xuân tới đây, huyện Gò Công Đông có kế hoạch xuống giống khoảng 8.720 ha lúa. Để chủ động phòng chống hạn mặn mùa khô 2022-2023, UBND huyện Gò Công Đông đã ban hành kế hoạch nhằm bảo vệ sản xuất cũng như đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.

Theo bà Lưu Thị Hồng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, toàn huyện có 12.380 ha cây trồng cần được bảo vệ tránh bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, gồm 8.720 ha lúa đông xuân, 2.700 ha hoa màu, 960 ha vườn cây ăn trái. Bên cạnh đó, trên 38.600 hộ (khoảng trên 140.000 người) cần được đảm bảo nguồn nước sinh hoạt mùa khô. Sau khi thu hoạch dứt điểm vụ đông xuân sẽ tiếp tục trữ nước trên kênh, rạch để tiếp tục phục vụ tưới cho rau, màu, cây ăn trái và nước sinh hoạt dân sinh.

Thi công cống ngăn mặn kênh Nguyễn Tấn Thành. Ảnh: Trọng Linh.

Thi công cống ngăn mặn kênh Nguyễn Tấn Thành. Ảnh: Trọng Linh.

Giải pháp đối với sản xuất, lúa vụ đông xuân cần được xuống giống đảm bảo dứt điểm trong tháng 11/2022 để né hạn mặn trong mùa khô. Đối với diện tích lúa thu đông 2022 trễ vụ không thể xuống giống kịp lịch thời vụ đông xuân thì khuyến cáo người dân chuyển sang canh tác cây trồng cạn ngắn ngày nhằm đảm bảo vụ đông xuân thu hoạch trước ngày 29/2/2023. UBND huyện tiếp tục khuyến cáo thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra nhất là đối với các khu vực cuối nguồn không thuận lợi về nguồn nước.

UBND huyện phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi rà soát gia cố, sửa chữa kịp thời những cống qua đê không đảm bảo ngăn mặn. Theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước, thường xuyên tổ chức trục vớt lục bình, rong cỏ, duy trì thông thoáng lòng kênh, rạch. Tổ chức đo đạc, kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước trên các tuyến kênh nội đồng nhất là khu vực ven đê biển, đê cửa sông. Thường xuyên thông báo lịch vận hành công trình và diễn biến tình hình mực nước, xâm nhập mặn để người dân biết chủ động nguồn nước.

Đối với nước sinh hoạt, UBND huyện tổ chức mở 35 vòi nước công cộng từ các trạm cấp nước để cho nhân dân thuộc các xã vùng sâu, ngoài đê, các hộ sống phân tán chưa được sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung đến lấy nước miễn phí. Thời gian dự kiến từ giữa tháng 1 đến tháng giữa tháng 5/2023, với nguồn kinh phí 90 triệu đồng. Đồng thời, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước, giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước, nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô.

Dừng lưu thông kênh Nguyễn Tấn Thành

Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III (Cục đường thủy nội địa Việt Nam) vừa có văn bản thông báo “Tạm dừng lưu thông kênh Nguyễn Tấn Thành từ km 01+ 200 (địa bàn xã Song Thuận, Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang) để phục vụ công trình xây dựng cống ngăn mặn, trữ ngọt tại đầu kênh này.

Theo đó, kể từ ngày 17/11 cấm các phương tiện qua lại đoạn kênh này đến khi có thông báo mới. Trong thời gian này, các phương tiện thủy có thể lưu thông từ sông Tiền, sông Vàm Cỏ Tây rẽ vào kênh Nguyễn Tấn Thành  thông qua các tuyến khác như: kênh Nguyễn Văn Tiếp,  kênh 28, Rạch Chanh.

Mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 10 đầu tư khoảng 460 tỷ đồng triển khai thi công dự án cống ngăn mặn, trữ ngọt tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành. Công trình này đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành đưa vào vận hành.

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.