| Hotline: 0983.970.780

Nước rút hoàn thành các công trình ngăn mặn, trữ ngọt

Thứ Hai 26/12/2022 , 10:07 (GMT+7)

TIỀN GIANG Tại Tiền Giang, các nhà thầu thi công công trình ngăn mặn đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa công trình phát huy hiệu quả trong mùa khô 2023 đang cận kề.

Khẩn trương chặn dòng ngăn mặn, chống hạn trước Tết Quý Mão 

Tại tỉnh Tiền Giang, hiện đang triển khai xây dựng nhiều công trình điều tiết mặn ngọt ven sông Tiền. Trong những ngày này, đội ngũ công nhân đang bám công trường, lao động với tinh thần khẩn trương để sớm chặn dòng, ngăn ngừa nguy cơ nước mặn xâm nhập khi mùa khô đang cận kề.

Công nhân sẽ không nghỉ tết Dương lịch, khẩn trương thi công công trình cống ngăn mặn Rạch Gầm. Ảnh: Minh Đảm.

Công nhân sẽ không nghỉ Tết Dương lịch, khẩn trương thi công công trình cống ngăn mặn Rạch Gầm. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Dương Thanh Nhã cũng như các công nhân tại công trình thi công cống ngăn mặn tại đầu kênh Rạch Gầm (xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang) đang lao động rất khẩn trương để đẩy nhanh tiến độ công trình. Công việc đang trong giai đoạn nước rút rất vất vả nhưng anh em công nhân nơi đây làm việc rất khí thế để “chạy đua" với thời gian.

“Tôi làm cho Công ty 40 từ đầu công trình cho đến giờ, bên thi công phần bê tông cốt thép. Làm ngày 2 ca. Gần Tết rồi, anh em phải cố gắng mới có thu nhập để ăn Tết chứ”, anh Nhã chia sẻ về công việc tại công trình.

Tại địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 6 công trình xây dựng cống ngăn mặn trữ ngọt tại các đầu kênh ven sông Tiền, thuộc địa bàn huyện Châu Thành và Cai Lậy do tỉnh đầu tư, đã triển khai thi công từ năm ngoái đến nay. Trong đó, 2 cống đầu kênh Rạch Gầm và Phú Phong (huyện Châu Thành) có quy mô lớn nhất. Cả 2 cống này có khẩu độ cống ngang 50m. Riêng 4 cống còn lại khẩu độ mỗi cống 10m.

Đặc biệt, 2 cống lớn, mỗi cống có 3 tháp với độ cao + 20m để vận hành cửa cống. Các công trình này thi công trong điều kiện thủy triều chảy xiết và các phương tiện thủy lưu thông bình thường. Bên cạnh đó, nền đất tại công trình rất cứng nên rất khó khăn. Để đảm bảo ngăn dòng, ngăn mặn vào trước Tết Quý Mão, các nhà thầu phải huy động tối đa nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo an toàn và công trình đạt chất lượng cao.

Nhà thầu tăng cường máy móc thiết bị để sớm hoàn thành hạng mục công trình, đưa cống ngăn mặn trước Tết nguyên đán. Ảnh: Minh Đảm.

Nhà thầu tăng cường máy móc thiết bị để sớm hoàn thành hạng mục công trình, đưa cống ngăn mặn vào vận hành trước Tết Quý Mão. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trịnh Bá Kiên, Chỉ huy trưởng công trình của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 40 – một trong các nhà thầu thi công cống ngăn mặn chia sẻ: "Từ trước đến giờ anh em công nhân làm công trình này là khó nhất vì địa chất tại đây quá cứng. Máy móc thiết bị của Công ty cũng đã được huy động rất lớn nhưng do đất cứng nên tiến độ thi công rất chậm, vì vậy Công ty phải tăng cường thêm máy móc, thiết bị. Trước đây một công trình chỉ có một giàn đóng cọc, bây giờ đóng chậm nên phải thuê lên 3 giàn. Công trình này gần như xong rồi, rất an toàn. Hiện bên tôi làm việc rất khẩn trương để đến Tết Nguyên đán là xong, rút quân”.

Trong những ngày này, các công trình thủy lợi ngăn mặn của tỉnh Tiền Giang có đến hơn 100 công nhân, cán bộ kỹ thuật bám công trường. Đến nay, 4 cống gồm Hai Tân, Mù U, Cái Sơn, Cây Còng do mới thi công nên tiến độ chỉ đạt 20%. 2 cống Phú Phong và Rạch Gầm đạt tiến độ hơn 70% khối lượng công trình. Riêng 2 cống Phú Phong và Rạch Gầm đạt tiến độ hơn 70% khối lượng công trình. Tỉnh Tiền Giang chủ trương phải đóng cửa ngăn dòng trước Tết cổ truyền để kịp thời ngăn mặn khi nước mặn có nguy cơ xâm nhập sâu.

Ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, chủ đầu tư các dự án này cho biết thêm: Hai cống lớn đến thời điểm này cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra. Dự kiến trong tháng 1/2023 sẽ lắp cửa xong hết để đảm bảo công tác ngăn mặn nếu có. Tết Dương lịch tới đây, các công nhân vẫn duy trì làm việc, chỉ nghỉ Tết Âm lịch. Mọi việc đang rất khẩn trương để đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Đến nay, cống Rạch Gầm và Phú Phong đã đạt khoảng 70% khối lượng công trình có thể phục vụ vận hành ngăn mặn mùa khô 2023 sắp tới. Ảnh: Minh Đảm.

Đến nay, cống Rạch Gầm và Phú Phong đã đạt khoảng 70% khối lượng công trình, sẵn sàng đưa vào vận hành, phục vụ ngăn mặn trong mùa khô 2023 sắp tới. Ảnh: Minh Đảm.

Ngoài 6 cống ngăn mặn được tỉnh Tiền Giang đầu tư hơn 860 tỷ đồng nêu trên sẽ hoàn thành vào giữa năm 2023 và đầu năm 2024, tại địa bàn tỉnh Tiền Giang còn đang thi công dự án ngăn mặn có quy mô lớn tại kênh Nguyễn Tấn Thành (xã Bình Đức - Song Thuận, huyện Châu Thành). Đó là cống ngăn mặn do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) đầu tư với nguồn kinh phí gần 500 tỷ đồng. Công trình được khởi công vào tháng 11/2022.

Đây là công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt có quy mô lớn ở khu vực ĐBSCL (sau hệ thống cống Cái Lớn – Cái Bé). Công trình sẽ hoàn thành trong 18 tháng với phần cống có kết cấu bằng bê tông cốt thép, chiều rộng thông nước 40 mét; cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực, cao trình ngưỡng cống - 5,5m.

Đặc biệt, phần âu thuyền có kết cấu bằng bê tông cốt thép rộng thông nước 12 mét; cửa van bằng thép, cao trình ngưỡng âu - 5,5 mét. Ngoài ra, còn có các hạng mục phụ trợ như nhà, đường quản lý, hệ thống quan trắc, giám sát tự động. Hiện các đơn vị thi công công trình này cũng rất khẩn trương để sớm ngăn dòng trước Tết cổ truyền, giúp tỉnh Tiền Giang không phải chi khoảng 20 tỷ đồng để xây đập dã chiến ngăn mặn như các năm trước đây.

Đảm bảo nước sinh hoạt cho trên 1 triệu người

Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, ngày 17/11/2022, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành phương án về phòng chống, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2022 – 2023.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được chia thành 5 vùng dự án để chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn như: Vùng ngọt hóa Gò Công; vùng Phú Thạnh - Phú Đông; vùng Bảo Định mở rộng sang vùng kiểm soát lũ (bao gồm tỉnh Tiền Giang và tỉnh Long An); vùng Đông, Tây Ba Rài; vùng cù lao xã Tân Phong, xã Ngũ Hiệp và cù lao Long Đức, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy. Mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt, cung cấp đủ nước tưới cho khoảng trên 184.000ha sản xuất nông nghiệp của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Trong đó, diện tích tỉnh Tiền Giang là gần 164.000ha.

Các công trình hoàn thành còn bảo đảm nước tưới cho cây ăn trái, hoa màu trên địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang, Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Các công trình ngăn mặn, trữ ngọt tại Tiền Giang hoàn thành còn bảo đảm nước tưới cho cây ăn trái, hoa màu trên địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Cụ thể, diện lúa đông xuân 2022 - 2023 là 58.727ha (trong đó Tiền Giang là 47.395ha); diện tích hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày là 28.743ha (Tiền Giang là 26.196ha); diện tích cây ăn trái và cây công nghiệp dài ngày là 96.573,3ha (Tiền Giang là 90.248,3ha).

Đồng thời, đảm bảo nguồn nước ngọt cho 3 nhà máy nước gồm Đồng Tâm, Bình Đức (Tiền Giang) và Nhà máy Nhị Thành (Long An) để cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu người (trong đó Tiền Giang khoảng 800.000 người).

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang nếu các công trình ngăn mặn trên địa bàn tỉnh hoàn thành, sẽ có chức năng ngăn mặn, trữ ngọt, chống triều cường, phục vụ cho hàng chục nghìn ha vườn cây ăn trái chuyên canh của khu vực phía tây của tỉnh Tiền Giang và cung cấp nước sinh hoạt vào mùa khô cho trên 1 triệu người dân các tỉnh Tiền Giang, Long An.

Đây là những công trình, dự án rất có ý nghĩa giúp tỉnh Tiền Giang và các địa phương lân cận thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay và thời gian tới. Có thể nói, không khí lao động trên các công trình ngăn mặn ở địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện nay rất khí thế, khẩn trương. Các anh em cán bộ kỹ thuật, công nhân đều không nghỉ Tết Dương lịch mà quyết tâm bám trụ trên công trường, hăng say lao động với năng suất cao để công trình sớm được hoàn thành, phục vụ đời sống dân sinh.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2022 - 2023, UBND tỉnh Tiền Giang giao Sở NN-PTNT là cơ quan thường trực, thường xuyên theo dõi, giám sát, chỉ đạo các địa phương, đơn vị về công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm