Với những ưu điểm cho phẩm chất gạo thơm ngon, hạt nhỏ có gan đục, cơm xốp dẻo,... gạo Tài nguyên Thạnh Trị đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Gạo Tài nguyên Thạnh Trị đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu |
Sau hơn 2 năm thực hiện thành công Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận dùng cho sản phẩm gạo tài nguyên của huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng”, Phòng NN-PTNT huyện Thạnh Trị đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị” vào đầu tháng 3/2017.
Nhãn hiệu “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị” có “xuất thân” từ giống lúa Tài Nguyên đục hay còn gọi Tài Nguyên sữa. Với ưu điểm chất gạo thơm, ngon, cơm xốp dẻo, dễ ăn nên được nhiều người ưa chuộng. Từ lâu giống lúa này đã được mệnh danh là đặc sản lúa mùa của Sóc Trăng. Ngoài ra, lúa Tài nguyên này còn có khả năng chống chịu phèn mặn, rầy nâu và đạo ôn,... nên cho năng suất trung bình từ 7 tấn/ha, cá biệt đạt trên 8 tấn/ha.
Để phát triển thương hiệu “Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị”, trước đây UBND huyện Thạnh Trị đã phê duyệt hoạch khu vực trồng giống lúa Tài Nguyên tại 7 xã và thị trấn. Hiện nay giống vẫn đang được duy trì phát triển trên 6.500 ha/năm theo quy trình cánh đồng lớn, sản lượng lúa hàng hóa cung ứng thị trường trên 45.500 tấn/năm. Thời gian tới nhãn hiệu “Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị” hứa hẹn sẽ giúp nâng cao chuỗi giá trị giống lúa đặc sản này.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Mai Thanh Ngon, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị cho biết: Đây là vinh dự lớn của huyện Thạnh Trị. Tuy nhiên, mới là thành công bước đầu, để đảm bảo dự án thực sự phát huy hiệu quả trong thời gian tới cần tiếp tục sự ủng hộ của các ngành chức năng trong và ngoài tỉnh trong việc hỗ trợ phát triển nhãn hiệu “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị”.
Nhãn hiệu hiệu “Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị” hứa hẹn sẽ giúp nâng cao giá trị cây lúa mùa đặc sản |
“Chúng ta cần phối hợp tốt với các ngành chuyên môn trong quy hoạch vùng sản xuất tập trung, qui mô lớn. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất theo quy trình đã được viện lúa ĐBSCL xây dựng. Từ đó, tạo ra vùng nguyên liệu đủ lớn về số lượng, đảm bảo chất lượng để thu hút doanh nghiệp. Việc kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia trong liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm cũng rất quan trọng”, ông Ngon nói.