| Hotline: 0983.970.780

Công nhân trong đại dịch Covid-19: Lo đủ thứ

Thứ Bảy 28/03/2020 , 15:45 (GMT+7)

Dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nhưng hậu quả nó gây ra đã vô cùng lớn. Một trong số những đối tượng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp là công nhân.

Nhiều công nhân trong khu nhả trọ ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM ở nhà ngay ngày đầu tuần. Ảnh: Phúc Lập.

Nhiều công nhân trong khu nhả trọ ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM ở nhà ngay ngày đầu tuần. Ảnh: Phúc Lập.

Hàng loạt hệ luỵ liên quan đến virus Corona. Trong đó, công nhân là một trong số những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, bởi nguồn sống họ chỉ trông vào đồng lương eo hẹp. Nay công ty thu hẹp sản xuất, hoặc phải đóng cửa, họ gần như không còn nguồn thu nhập nào trước mắt.

Trong khi đó, thực phẩm khan hiếm hơn, giá tăng cao hơn. Lại thêm mối bận tâm về con cái vì chúng đang phải tạm nghỉ học ở nhà…

Đã nghèo lại nghèo thêm

Đến khu nhà trọ trên dường Tây Thạnh, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, nơi ở trọ tập trung của công nhân làm việc trong khu công nghiệp Tân Bình trong ngày đầu tuần, bình thường vắng lặng, không có bóng người, các phòng trọ “cửa đóng then cài”, nhưng hôm nay thấy nhiều cánh cửa vẫn mở hé hoặc không khóa ngoài.

Chị Nguyễn Minh Tâm, 42 tuổi, cho biết: Công nhân khu trọ này nghỉ làm nhiều rồi. Trong khu công nghiệp, công ty ít việc, làm ít thì thu nhập giảm, nên nhiều người nghỉ, về quê. Cũng có nhiều công ty nhỏ tạm đóng cửa.

“Vợ chồng tôi đang rất vất vả vì ảnh hưởng dịch. Nếu cứ kéo dài thế này thì nguy lắm. Riêng cái khoản con nghỉ học, phải có người trông coi đã mệt rồi. Lúc đầu cứ tưởng tụi nhỏ chỉ phải nghỉ 2 tuần, nên hai vợ chồng tôi thay nhau ở nhà trông con.

Đến khi các cháu nghỉ 1 tháng mà không thấy tình hình dịch có chuyển biến tích cực gì, mà ngược lại, thì chúng tôi thấy tình hình không ổn, nên quyết định gửi 2 cháu về quê nhờ ông bà trông. Tôi đang lo những ngày sắp tới, chắc sẽ khó khăn hơn nhiều nếu tình hình dịch không thuyên giảm”, chị Tâm nói.

Dịch Covid-19 khiến trẻ em phải tạm nghỉ học, người lớn phải ở nhà trông. Ảnh: Phúc Lập.

Dịch Covid-19 khiến trẻ em phải tạm nghỉ học, người lớn phải ở nhà trông. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Trần Quang Hùng, ở trọ sát nhà chị Tâm ra góp chuyện, tỏ vẻ lo lắng: “Không đi làm thì không có lương. Công ty tôi liên doanh với nước ngoài, chuyên sản xuất dược phẩm, làm việc trong không gian kín, trong phòng lạnh, người nước ngoài cũng nhiều, nên đến công ty cũng lo lo.

Nhưng công ty nó còn hoạt động là còn mừng, chứ nếu đóng cửa thì không biết làm gì ra tiền lo ngày 2 bữa cho 4 miệng ăn nữa.

Chưa kể, thực phẩm bây giờ cái gì cũng cao hơn trước vài giá. Người kinh tế khá khá thì họ chẳng để ý chứ với công nhân chúng tôi, 1 bó rau chỉ tăng 1-2 ngàn đồng là phải đắn đo rồi”.

Tại tỉnh Đồng Nai, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp lớn khu vực miền Đông, cũng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch.

Chị Lê Thị Thảo, công nhân trong khu Công nghiệp Biên Hòa 2, cho biết, từ 1 tháng nay, công ty bắt đầu cho công nhân nghỉ luân phiên. Thu nhập giảm 1/3 so với thời điểm chưa có dịch. Nên việc chi tiêu trong nhà bắt đầu phải tính toán chi li hơn.

“Vợ chồng tôi đều làm công nhân trong khu công nghiệp này cũng thâm niên hơn chục năm, tổng thu nhập cũng gần 2 chục triệu. Dư dả thì không, nhưng cũng đủ lo cho 2 đứa con đi học, không đến mức thiếu thốn.

Ngay từ đầu năm, khi bắt đầu bùng phát dịch là thấy bị tác động ngay, vì nhiều nguyên liệu sản xuất công ty gia công bên Trung Quốc. Đến bây giờ thì mức độ ảnh hưởng càng lớn hơn. Công ty tôi chưa bị đóng cửa, nhưng ít việc hơn, nên cho nghỉ luân phiên rồi. Thu nhập giảm nên khó khăn hơn.

Giờ mỗi ngày ra chợ là phải suy tính rát lâu, xem hôm nay ăn gì, nếu giá cao quá thì phải cân nhắc lại, đổi món khác. Lo nhất là nếu công ty tạm ngừng hoạt động thì những công nhân như chúng tôi không biết làm gì để kiếm sống.

Nhiều công ty cũng có cho công nhân nghỉ để phòng dịch, nhưng nếu nghỉ mà không có lương thì chúng tôi chọn đi làm”, chị Thảo nói.

Khó khăn nhiều hơn, đa số công nhân chỉ dám chọn món ăn sáng là sắn, khoai, xôi. Ảnh: Phúc Lập.

Khó khăn nhiều hơn, đa số công nhân chỉ dám chọn món ăn sáng là sắn, khoai, xôi. Ảnh: Phúc Lập.

Bằng nét mặt thiểu não, chị Nguyễn Thị Hồng, đồng nghiệp của chị Thảo nói: “Hôm này tôi đi chợ chỉ dám mua chục trứng, mấy bó rau muống và mấy con cá nục về kho mặn, tổng cộng hết hơn trăm ngàn, dự tính 2 vợ chồng và đứa con ăn trong mấy ngày.

Chỗ tôi làm đang cắt giảm lao động, không tăng ca, sản xuất cầm chừng. Chồng tôi cũng phải nghỉ luân phiên, ổng lấy xe ra chạy xe ôm, hoặc ai thuê chở đồ gì chở nấy. Tôi cũng thế, có bất cú việc gì làm thêm là làm, không nề hà”.

Nhưng theo chị Hồng, dù là việc làm thêm, việc chân tay nặng nhọc, cũng không phải dễ kiếm trong thời điểm này.

Khó khăn còn ở phía trước

Trong số hàng ngàn ngành nghề, Dệt may là một trong những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động nhất, phần lớn là lao động phổ thông, khó chuyển đổi công việc. Do đó, việc duy trì việc làm và thu nhập cho công nhân không chỉ là bài toán sống còn của doanh nghiệp mà còn tác động rất lớn đến đời sống xã hội.

Dệt may là một trong những ngành gặp khó khăn lớn nhất trong đại dịch covid-19. Công nhân ngành này cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Ảnh: Phúc Lập.

Dệt may là một trong những ngành gặp khó khăn lớn nhất trong đại dịch covid-19. Công nhân ngành này cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Ảnh: Phúc Lập.

Mới đây, nhiều doanh nghiệp lại nhận được thông báo các đối tác tại thị trường Mỹ và EU sẽ tạm ngưng nhận hàng trong khoảng thời gian từ 3 tuần đến 1 tháng. Thông tin này khiến các doanh nghiệp may mặc vừa phải xoay sở ổn định sản xuất vừa tìm giải pháp giữ chân người lao động.

Để giải quyết tình thế, một số doanh nghiệp có nguyên liệu phù hợp sẽ chuyển sang sản xuất khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Một số khác thực hiện phương án giãn giờ, giãn ca hoặc giảm số ngày làm trong tuần để kéo dài thời gian duy trì hoạt động sản xuất nhất có thể, ổn định tâm lý cho công nhân, người lao động. Tuy nhiên, phương án này chỉ mang tính tạm thời.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM trăn trở: Nếu bây giờ doanh nghiệp tạm đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc thì hàng trăm ngàn con người sẽ đi đâu, làm gì để vượt qua khó khăn? Còn với doanh nghiệp, nếu cho công nhân nghỉ, đến khi phục hồi sản xuất thì làm sao có nguồn nhân lực hàng ngàn người ngay tức thì?

Cuộc sống của hàng ngàn công nhân sẽ còn gặp khó khăn nhiều hơn trong thời gian tới. Ảnh: Phúc Lập.

Cuộc sống của hàng ngàn công nhân sẽ còn gặp khó khăn nhiều hơn trong thời gian tới. Ảnh: Phúc Lập.

“Hiện nay, mặc dù việc sản xuất bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp phải giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ luân phiên, nhưng vẫn trả lương cơ bản với mức trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, ước tính một doanh nghiệp quy mô khoảng 1.000 lao động thì mỗi tháng phải chi trả hơn 6 tỷ đồng tiền lương nhân công.

Còn doanh nghiệp lớn, có từ 5.000 – 10.000 lao động thì số tiền trả lương hàng tháng lên tới hàng chục tỷ đồng. Đây là khó khăn rất lớn mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt”, ông Hồng nói.

Theo Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, do ảnh hưởng dịch Covid – 19, từ hơn 2 tháng nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh, kim ngạch xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp tỉnh bị giảm sút.

Tính đến 19/2, có 186 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cho 8.400 công nhân tạm thời nghỉ việc hoặc nghỉ luân phiên.

Trong đó, 182 doanh nghiệp cho hơn 7.200 công nhân nghỉ do người lao động thỏa thuận với chủ doanh nghiệp. Phần lớn xin nghỉ phép năm hoặc nghỉ không lương để ở nhà chăm sóc con nhỏ.

Có 4 doanh nghiệp cho công nhân nghỉ hưởng lương tối thiểu vùng do thiếu nguyên vật liệu sản xuất, nhưng đến cuối tháng 2, đa số công nhân của các doanh nghiệp đã trở lại làm việc.

Hiện vẫn còn 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa hoạt động trở lại do doanh nghiệp không có đơn hàng.

(Kiến thức gia đình số 13)

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.