| Hotline: 0983.970.780

Công thần của biển hay phận dã tràng? - [Bài 1] Bình minh mờ xa

Thứ Ba 06/08/2019 , 15:19 (GMT+7)

Vùng bãi triều thuộc phường Đại Yên (TP. Hạ Long, Quảng Ninh), với hệ sinh thái rừng ngập mặn được xem như “lá phổi xanh” của vùng ven biển TP Hạ Long. Thế nhưng, hàng loạt dự án lấp biển trong quá trình đô thị hóa đang băm nát vùng bãi triều này.

Trong khi đó, hàng trăm hộ dân bao đời gắn bó sinh nhai, nuôi trồng thủy sản tại đây đang bị đẩy tới thế chân tường.
 

Quai đê lấn biển

Nắm lịch từng con trăng, từng đợt thủy triều như lòng bàn tay, đời sống của vợ chồng anh Giang và chị Hiên hàng chục năm nay gắn với vùng đầm phá ven vịnh Hạ Long. Mưu sinh từ 2-3h sáng, nên cứ mỗi bình minh lên, cặp vợ chồng này đã nhẩm tính được thu nhập hôm đó.

Nhiều hộ dân ở thôn Cầu Trắng đã nuôi trồng thủy sản hiệu quả ở vùng bãi triều...

2h sáng, anh Giang bắt đầu xuôi thuyền đi kiểm tra từng dây hà, bãi nuôi hàu và những ô nuôi sò huyết. Trời tối đen, nhưng bằng cảm quan và phản xạ của ngư dân bám biển, bám đầm hàng chục năm nay, anh Giang biết, dây hà nào sẽ được thu hoạch trong ngày hôm ấy.

Không chỉ anh Giang, hàng chục ngư dân ở khu 3, thôn Cầu Trắng, phường Đại Yên, TP Hạ Long (Quảng Ninh) cũng vậy. Cả đời họ, thậm chí là đời ông bà, bố mẹ họ, đều bám vịnh, bám đầm đặng làm kế sinh nhai. Vì thế, hơn ai hết, họ quý biển, quý đầm, quý từng luồng lạch và quen thuộc như lòng bàn tay từng gốc sú, gốc vẹt của rừng ngập mặn nơi đây.

Chị Hiên, vợ anh Giang, mắt ầng ậng nước, khi kể cho PV về việc TP Hạ Long định thu hồi những khu đầm này. Chị Hiên bảo, nếu họ (TP Hạ Long - PV) thu đầm, không biết ngư dân ở Đại Yên này sẽ bám víu vào đâu để sống.

Cả dân ở khu 3, thôn Cầu Trắng này hầu hết đều có quê gốc Hà Nam. Năm 1960, theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới, họ rời quê tới đây lập nghiệp. Gia đình ít người thì đi 1 hoặc 2, gia đình đông anh em thì có khi đi 5-7 người. Lúc ấy, cả khu Đầm Lu, Cây Táo… chỉ rặt là rừng sú, vẹt. Thảng lắm mới có một vài ô trống để người dân cắm sào, nuôi hàu, nuôi tôm.

Dòng sông Bạch Đằng uốn mình chảy từ nguồn về, trước khi đổ ra biển qua vịnh. Nhờ nằm giáp ranh với cửa sông, cửa biển nên nước ở đây có độ mặn vừa phải, phù du phát triển mạnh là nơi tập trung sinh sống của loài nhuyễn thể hàu. Thế nhưng, người dân thôn Cầu Trắng lúc đó không ai biết đến nghề nuôi hàu.

Anh Giang bảo, vào mùa hàu (từ tháng 9 âm lịch đến hết tháng Ba âm lịch), ngư dân ở làng vào mùa... lặn sông. Khai thác mãi rồi cũng cạn kiệt, hàu không còn môi trường để sinh sống, cứ theo phù du đổ ra sông, ra bể. Phí lắm! Vậy nên người dân Cầu Trắng vẫn nghèo, vẫn chật vật...

Quãng đến năm 2000, nhiều hộ dân ở Cầu Trắng bắt đầu nuôi hàu thử nghiệm. “Hồi đó, học xong phổ thông, tôi theo chúng bạn vào tận Vũng Tàu kiếm sống. Quen nghề sông nước, bọn tôi làm thuê cho chủ các đầm tôm, nghề đi lồng... Ở trong đó, không chỉ khai thác hàu, người ta còn phát triển nghề nuôi hàu trên sông. Nghề đó “một vốn bốn lời”, nhiều khúc sông làm ra bạc tỷ. Nhìn họ làm ăn mà thèm... Ở nhà mình, có sông, có biển, cũng có lợi thế như họ, sao không làm theo?”. Và rồi, khi đã kiếm được ít vốn, học hỏi được kha khá kinh nghiệm, anh Giang về quê, bắt đầu nghề nuôi hàu.

Nghề nuôi hàu có nhiều thuận lợi là thế, nhưng vẫn gặp một số khó khăn mà người dân nơi đây chưa thể khắc phục được. Chẳng hạn như vào khoảng thời gian từ tháng 7 dương lịch cho tới Tết là thời gian bà con thu hoạch hàu. Nhưng đây là thời điểm mưa nhiều nên nhiệt độ nước thay đổi làm con hàu có khả năng chết, do đó nhiều lúc phải thu hoạch sớm, khiến cho năng suất và chất lượng hàu không được như mong muốn. 
 

Mưu sinh lúc tắt nắng

“Khó có một đêm trọn giấc”, anh Giang bảo vậy.

Nghề này nó thế, phụ thuộc vào con nước thủy triều. Cứ mỗi đêm, khi thủy triều rút là lúc bắt đầu công việc mưu sinh của vợ chồng anh Giang, chị Hiên. Hai vợ chồng, tay đèn pin, tay chèo, lại tất bật đi thu hàu, thu dây hà. Công việc chỉ kết thúc khi trời tang tảng sáng, là lúc nước thủy triều bắt đầu lên…

5 giờ sáng, khi công việc đã hòm hòm, anh Giang bắt đầu kiểm đếm số hàu, hà vừa thu được và bấm điện thoại gọi thương lái. Xong xuôi mọi thứ thì bình minh đã ló dạng.

Năm kia, tức là khoảng đầu năm 2017, gia đình anh Giang, khi ấy còn khoảng 30ha đầm, dự tính vay mượn ngân hàng và anh em bạn bè để đầu tư “tất tay” một mẻ vào nuôi sò huyết. “Năm ấy, Trung Quốc họ mua sò nhiều nên làm ra bao nhiêu cũng bán hết, giá lại cao. Nên tôi quyết chơi lớn”, anh Giang nói.

...Nhưng ngư dân cũng sắp bị TP Hạ Long “buộc trả lại” bãi triều để “siết chặt quản lý”.

Thế là có bao nhiêu vốn liếng, vợ chồng anh dồn cả xuống đầm. Đâu đó khoảng 4 tỷ đồng, nếu thuận chèo mát mái, số tiền thu về sẽ gấp đôi sau hơn 1 năm. Trả nợ, lãi, nhân công, có khi còn “ăn ra” vài tỷ…

Tính là thế, song đùng một cái, dự án đô thị Tuần Châu lấy đầm để đổ đất san nền. 12ha đầm của anh chị nuôi sò, nuôi hàu đang độ lớn, bỗng chốc trở thành cái ao tù, vì dự án đổ đất theo kiểu ngăn biển, tức là làm con đường ngăn đôi khu đầm. Phần diện tích đang nuôi bỗng dưng thành nước chết. Ô nhiễm, độ mặn biến đổi, hàu, sò chết sạch. Anh chị chỉ biết nhìn trời mà than…

Vẫn còn chưa hết choáng váng sau cú “vả” của dự án, chưa kịp gượng dậy, thì đến tháng 5/2019, vợ chồng anh Giang, chị Hiên chính thức suy sụp sau khi nhận được quyết định thu hồi đất của UBND TP Hạ Long. Công lao khai phá bỏ sông bỏ bể, tiền bạc đổ vào cũng mất hoàn toàn vì toàn bộ diện tích đầu tư chẳng có lấy một đồng đền bù. Hạch toán lại, các thành viên trong gia đình anh Giang tá hỏa vì khoản nợ ngân hàng còn vài tỷ đồng.

Ngặt một nỗi, HTX nuôi trông thủy sản Cao Quyền, nơi mà chị Hiên làm giám đốc với 9 thành viên, có nguy cơ tan rã, vì các thành viên lần lượt rút vốn đi làm ăn chỗ khác khiến tình hình càng chồng chất khó khăn. Đất đai sau khi có quyết định thu hồi chẳng ai dám đầu tư vào sản xuất. Bản thân anh Giang, vừa co cổ chạy vạy trả tiền lãi, vừa nghe ngóng xem vụ việc được giải quyết như thế nào. 

Thế là, thay vì ngóng bình minh mỗi ngày để tính ra thu nhập, giờ đây, anh Giang và chị Hiên thấy nó xa vời quá…

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất