| Hotline: 0983.970.780

Công ty cổ phần Nafoods Miền Nam vững vàng sản xuất '3 tại chỗ'

Thứ Hai 23/08/2021 , 12:05 (GMT+7)

Tại nhà máy Nasoco – Công ty cổ phần Nafoods Miền Nam, thuộc Công ty cổ phần Nafoods Group, gần 200 cán bộ công nhân đã thực hiện '3 tại chỗ' nhiều tuần liền.

Anh Vũ Văn Nhân – Quản đốc sản xuất Nhà máy Nasoco.

Anh Vũ Văn Nhân – Quản đốc sản xuất Nhà máy Nasoco.

Để đảm bảo an toàn sản xuất, ba tháng trở lại đây ngoại trừ các phương tiện vận tải hàng hóa bắt buộc và một số ít nhân sự có nhiệm vụ bắt buộc được phép di chuyển ra vào sau quy trình kiểm soát và khử khuẩn, còn lại tại nhà máy Nasoco “Nội bất xuất – Ngoại bất nhập”.

Tại bàn trực của bảo vệ có sổ khai báo y tế cho người vừa đi từ bên ngoài vào nhà máy. Tất cả các khu vực tại nhà máy từ khu nhà điều hành, canteen, khu giặt ủi, khu vực sản xuất đều được trang bị đầy đủ nước sát khuẩn tay và khẩu trang.

Ngoài các quy định chung về phòng dịch như khai báo y tế, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người, nhà máy có chế tài riêng, được dán ngay khu vực ra vào. Công nhân trong và ngoài nhà xưởng đều phải đeo khẩu trang, ai vi phạm sẽ bị cắt thưởng (1.000.000đ/ người), vi phạm lần hai đình chỉ công việc.

Để đảm bảo kiểm soát dịch bệnh Covid -19, hằng tuần nhà máy đều tiến hành test PCR đối với tất cả CBCNV thực hiện 3 tại chỗ tại nhà máy. Từ ngày 13/7/2021 (ngày đầu tiên thực hiện 3 tại chỗ) đến nay, nhà máy đã thực hiện test 06 lần và đều cho kết quả âm tính 100%.

Thay vì trở về nhà sau mỗi ca làm việc, nhiều cán bộ, công nhân là người địa phương phải “chấp nhận” sinh hoạt chung cùng đồng nghiệp theo quy chế của công ty. Mặc dù với tinh thần tự nguyện làm việc theo phương án “3 tại chỗ” nhưng đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp nét buồn, nỗi nhớ nhà, nhớ con hiện hữu trên khuôn mặt các anh chị công nhân sau giờ làm.

Còn trong câu chuyện của các anh chị là cán bộ, chuyên gia hỗ trợ nhà máy đến từ Nghệ An thì đã ba tháng đến nửa năm anh chị chưa về nhà. Anh Vũ Văn Nhân - Quản đốc sản xuất Nhà máy Nasoco cho hay: “Khi dịch bùng phát việc đi lại là rất khó khăn, đã hơn 5 tháng tôi chưa thể về quê, lúc này gánh nặng gia đình dường như tôi phải nhờ vợ - hậu phương hỗ trợ toàn phần để có thể yên tâm công tác.”

Theo đại diện bộ phận hành chính nhân sự nhà máy Nasoco, sau khi được phê duyệt thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhà máy đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cá nhân, khu vực lưu trú đảm bảo để 100% cán bộ công nhân cảm thấy yên tâm trong thời gian làm việc theo quy chế mới tại nhà máy. Những suất cơm ca, những bữa ăn phụ (cho ca làm việc 22h đêm – 6h00 sáng ngày hôm sau) được bộ phận cấp dưỡng chuẩn bị công phu, hấp dẫn, hợp khẩu vị và đảm bảo sức khỏe.

Với tinh thần chăm lo sức khỏe tốt nhất cho cán bộ, công nhân, Nhà máy còn bố trí bổ sung thêm các bữa tráng miệng hằng ngày từ các sản phẩm của nhà máy như chanh leo cô đặc, thanh long puree, sinh tố mãng cầu, tắc puree…

Ngoài ra chia sẻ với người lao động trong tình hình diễn biến của dịch bệnh phức tạp, người thân và gia đình của CBCNV nhà máy thực hiện “3 tại chỗ” sẽ gặp không ít khó khăn, Nhà máy đã đồng ý để người lao động có thể ứng lương tiền mặt và gửi về người thân. Có lẽ lúc này sự sẻ chia, thấu hiểu là sức mạnh giúp tập thể đồng lòng vượt qua đại dịch.

Nhà máy cố gắng chuẩn bị bữa ăn chất lượng, đảm bảo sức khỏe và hấp dẫn hằng ngày.

Nhà máy cố gắng chuẩn bị bữa ăn chất lượng, đảm bảo sức khỏe và hấp dẫn hằng ngày.

Sáu tháng đầu năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp nhưng Nafoods (Công ty mẹ của công ty CP Nafoods Miền Nam) đã xuất khẩu 129 container (tương đương với 3000 tấn) tổng hợp các dòng sản phẩm của công ty đem lại mức doanh thu tháng cao nhất từ trước đến nay.

Để đạt được kết quả này trong điều kiện dịch Covid-19 lan rộng, gây hậu quả nặng nề, với đặc thù là doanh nghiệp chuyên chế biến xuất khẩu nông sản Nafoods đã gặp không ít khó khăn trong quá trình lưu thông hàng hóa giữa các điểm trong và ngoài vùng dịch dẫn đến tổn thất lớn về khối lượng cũng như chất lượng hàng hóa; bên cạnh đó việc gặp gỡ làm việc trực tiếp với khách hàng, đối tác cũng vì đây mà gián đoạn, nhiều hợp đồng, dự án… phải tạm thời đình trễ.

Mặt khác, hệ thống kho bảo quản đang quá tải so với lượng sản xuất ra do lượng tiêu thụ đang chậm lại. Đi kèm với đó chi phí vận tải, chi phí điện… cũng đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất giai đoạn này – Đại diện nhà máy Nasoco cho hay.

Chia sẻ về mong muốn và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, đại diện nhà máy Nasoco đề xuất với chính phủ có chính sách hỗ trợ chi phí test nhanh, chi phí tiền điện, trợ giá các chi phí kho bãi, cước biển, chi phí vận hành 3 tại chỗ, chính sách hỗ trợ tài chính, cần hỗ trợ trực tiếp những gì ảnh hưởng đến dòng tiền và đặc biệt giải pháp tối ưu mang tính chất quyết định cho ngành sản xuất chính là đẩy nhanh hoạt động tiêm vacxin đủ 2 mũi cho 100% công nhân, lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất.

100% cán bộ, công nhân lao động tại Nhà máy Nasoco đã được tiêm phòng vacxin ngừa Covid-19 mũi 1.

100% cán bộ, công nhân lao động tại Nhà máy Nasoco đã được tiêm phòng vacxin ngừa Covid-19 mũi 1.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà máy Nasoco – Công ty cổ phần Nafoods Miền Nam ghi nhận thực hiện tốt phương án “3 tại chỗ” 100% cán bộ, nhân viên, lao động tại nhà máy đảm bảo sức khỏe, không bị nhiễm Covid-19 và đồng lòng, quyết tâm: “Tích cực lao động, sản xuất, góp phần nhỏ giúp nhà máy ổn định vận hành sản xuất, chung tay đẩy lùi Covid-19, chiến thắng dịch bệnh”.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.