| Hotline: 0983.970.780

Cty DSM cung cấp chất cấm: Tại sao lại "giấu"?

Thứ Ba 24/04/2012 , 10:40 (GMT+7)

Cty DSM sản xuất Pig Grower Premix cũng có chất cấm nhưng lại được “giấu”. Liệu có công bằng không?

Trong khi Cty Hồng Triển (KCN Tân Tạo, TPHCM) nhập khẩu và phân phối sản phẩm Gold protein peptide (SSI) chỉ vừa có kết quả kiểm nghiệm có chất cấm thì lập tức các cơ quan thông tin đua nhau “đập” tơi tả, còn Cty DSM sản xuất Pig Grower Premix cũng có chất cấm nhưng lại được “giấu”. Liệu có công bằng không?

Xin được nhắc lại, ngay sau khi có thông tin về Cty Hồng Triển nhập khẩu buôn bán nguyên liệu thức ăn bổ sung Gold protein peptide (SSI) có chất cấm vào ngày 7/4, không chỉ các cơ quan truyền thông “la làng” mà ngay cả cơ quan chức năng ở các địa phương (bao gồm công an, QLTT, thanh tra Sở NN-PTNT) cũng vào cuộc kiểm tra nhằm chặn đứng không cho sản phẩm trên tiêu thụ trên thị trường.

Cụ thể theo hóa đơn xuất hàng, Cty Hồng Triển bán cho Cty TNHH tiêu chuẩn dinh dưỡng gia súc Quốc tế (viết tắt Cty Quốc tế) ở ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An do ông Nguyễn Văn Bương làm giám đốc 4 lần với tổng cộng 225kg nhưng Cty này cũng đã sử dụng pha trộn bán ra thị trường 2 tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang tiêu thụ hết, nên khi đoàn kiểm tra đến thì không thu giữ bất kỳ mẫu thức ăn nào có chứa Gold protein peptide (SSI).

Tuy nhiên, tại đây lại xuất hiện lô hàng nguyên liệu thức ăn bổ sung gồm 31 bao Pig Grower Premix (25 kg/bao) của Cty TNHH sản phẩm dinh dưỡng DSM (còn có tên là Nutritional Products), một công ty 100% vốn nước ngoài (trụ sở tại 26 Đại lộ Độc Lập, Thuận An, tỉnh Bình Dương).


Lô hàng “Premix cho gia súc” có tên Pig Grower Premix của Cty DSM bị phát hiện có chất cấm hiện đang bị niêm phong tại Cty Quốc tế (Tân Lân, Cần Đước, Long An) từ ngày 16/4 đến nay

Theo lời khai nhận của ông Bương, Cty mới mua sản phẩm trên sử dụng hơn 1 tháng nay và cũng để pha trộn vào thức ăn bổ sung. Mặc dù, trước đó chưa hề nhận được thông tin xấu nào về sản phẩm Pig Grower Premix, nhưng đoàn kiểm tra vẫn quyết định lấy mẫu gửi cho Viện KHNN Miền Nam phân tích ngày 10/4, bởi đây cũng là một dạng nguyên liệu cung cấp Premix, vitamin, khoáng... mà dư luận báo chí cho rằng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm chất cấm Salbutamol cao.

Thật bất ngờ, kết quả phân tích định lượng vào ngày 13/4 cho thấy sản phẩm Pig Grower Premix nhiễm chất cấm Salbutamol. Thay vì phải công khai tên tuổi doanh nghiệp cỡ “bự” này như ở TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh đã từng làm thì Cty DSM lại “chạy” xin tỉnh Long An giấu thông tin để tiến hành phúc tra sản phẩm lần nữa tại một đơn vị kiểm nghiệm khác theo yêu cầu của chính công ty này.

Như vậy hóa ra, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp phối ghép sắc ký của Viện KHNN Miền Nam được coi là tiến bộ bậc nhất ở các tỉnh phía Nam vẫn chưa đủ giá trị khoa học để tin cậy?

Nhờ được “che” thông tin nên ngày 18/4, khi chúng tôi liên hệ với Cty DSM ở huyện Thuận An để hỏi thêm về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm có chất cấm này, một cô nhân viên sau khi xin ý kiến lãnh đạo một lúc, sau đó giả vờ nói như không biết: “Công ty chưa nghe thông tin” rồi từ chối tiếp xúc.

Thế nên, liệu có thật sự công bằng khi một DN trong nước là Cty CP thực phẩm Dinh dưỡng vàng (Trảng Bom, Đồng Nai) vừa có kết quả hôm trước sử dụng chất cấm trong sản phẩm Super tạo nạc thì ngay chiều hôm sau ngày 23/3, Chi cục QLTT Đồng Nai đã công bố rộng rãi ngay cho báo chí; tương tự, Cty Hồng Triển vừa mới có kết quả ngày 5/4 nhưng chỉ qua test (kiểm nghiệm) nhanh (còn gọi là test bán định lượng -Elisa) của Trạm chẩn đoán xét nghiệm và điều trị (thuộc Chi cục Thú y TP.HCM) xác định Gold Protein Peptide (SSI) có chứa chất cấm thì hai ngày hôm sau (6-7/4) thông tin về DN Hồng Triển nhập khẩu buôn bán chất cấm “lan” cực nhanh trên các báo giấy cả báo mạng, thậm chí trên một tờ báo nọ còn giật luôn cả tít: “Bộ NN-PTNT cho nhập chất cấm !?”.


Cty Quốc tế là nhà riêng không hề có bảng hiệu, công nhân cũng không có

Trong khi đó, theo ông Lê Bá Lịch (Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN), kết quả từ phương pháp xét nghiệm Elisa chưa đủ kết luận sản phẩm có thực sự chứa chất cấm hay không (do phương pháp này thường có 20% kết quả giả - PV) mà muốn biết kết quả chính xác hay không thì phải làm sắc ký phối phổ.

Tuy nhiên, chờ kết quả sắc ký phối phổ có bao lâu nữa như ông Lịch nói, thì bản thân DN Hồng Triển cũng đã mang tiếng rất xấu với dư luận khó mà “rửa” sạch trong ngày một, ngày hai.

Hôm qua (19/4), chúng tôi đến Cty TNHH tiêu chuẩn dinh dưỡng gia súc Quốc tế để tìm hiểu DN này có tầm cỡ thế nào mới tiêu thụ được nguyên liệu thức ăn bổ sung Pig Grower Premix của Cty DSM, một DN được quảng cáo là đi đầu trong việc cung cấp Premix, vitamin, khoáng chất, Enzyme... cho các nhà máy, công ty chế biến thức ăn bổ sung. Té ra, đó là một căn nhà của vợ chồng ông Thái, bà Cúc cho ông Bương thuê làm mặt bằng gia công SX từ mấy năm nay. Sau khi mua nguyên liệu của Cty Hồng Triển và Cty DSM, Cty này về pha trộn thành các sản phẩm như Amino Stater, Amino Grower, Amino Finisher và Amino Prosow rồi tung ra thị trường bán cho người chăn nuôi heo. Tuy nhiên, một Cty tên nghe rất oách nhưng không hề có bảng hiệu cho đàng hoàng, công nhân cũng chẳng có, nên ông Nguyễn Văn Điệp (Trưởng ấp Ao Gòn) nắm thông thuộc từng ngõ ngách, từng hộ gia đình cũng phải giật thót mình khi nghe chúng tôi nói căn nhà đó là: “Công ty quốc tế”.

+ “Các nguyên liệu thức ăn bổ sung như Premix, vitamine - khoáng, men tiêu hóa, Probiotic, Choline chloride, Chromium picolinate... đều có nguy cơ chứa chất cấm, vì vậy khi mua nguyên liệu thì các DN, cơ sở chế biến TĂCN bổ sung nên làm bảng cam kết với các nhà cung cấp đảm bảo không có Beta-Agronist và các chất cấm khác, nếu có thì nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” (PGS-TS Lã Văn Kính - Viện phó Viện KHNN Miền Nam).

+ “Giống như Cty Dinh dưỡng vàng, Cty Hồng Triển, các DN trong nước khác như Cty Napha (Tây Ninh), Cty Ô Ni, Cty O.T.A.H (TP.HCM), Cty CP Dinh dưỡng thú y ANOVET (Long An) sau khi phân tích các sản phẩm TĂCN bổ sung có kết quả chất cấm đều được công bố ngay cho cơ quan truyền thông và các cơ quan chức năng liên quan mà không chờ các DN này “xin” phúc kiểm, thì không lẽ công ty DSM lại có “cơ chế” riêng?

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm