Nguyên nhân bắt nguồn từ bình luận trước đó của H&M bày tỏ quan ngại về tình trạng lao động cưỡng bức và nạn phân biệt đối xử đối với các sắc tộc thiểu số tôn giáo ở Tân Cương- khu vực sản xuất bông ở khu tự trị phía tây bắc Trung Quốc.
Hiện làn sóng các cuộc tẩy chay vẫn đang lan rộng khắp Trung Quốc và người tiêu dùng không thể nào tìm kiếm được các sản phẩm của H&M trên các nền tảng trực tuyến do đã bị khóa. Thậm chí một số xưởng sản xuất từng làm ăn với H&M trong nước cũng bị sức ép ngừng hợp tác với thương hiệu này.
Tính đến thời này, tất cả các kết quả tìm kiếm trên nền tảng phổ biến ở Trung Quốc như taobao.com hoặc JD.com liên quan đến cụm từ khóa "H&M" và "HM" đều không cho kết quả.
Các ứng dụng trên mạng điện thoại di động của Xiaomi, Huawei và Vivo cũng đã bị xóa hết trắngứng dụng của H&M, trong khi bản đồ Baidu và Dianping.com cũng bị chặn kết quả tìm kiếm sản phẩm của nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển.
Huang Xuan và Song Qian, hai đại sứ thương hiệu Trung Quốc của hãng H&M với hàng triệu người theo dõi trên Weibo cũng thông báo đã cắt hợp tác với công ty từ hôm qua (24/3).
Mặc dù bình luận được cho là “tự sát” được đăng trên trang web chính thức của H&M từ cách nay hơn một năm, nhưng gần đây nó đã gây ra sự chú ý mới sau khi EU đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với vấn đề Tân Cương, động thái được Bắc Kinh coi là “can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
Cư dân mạng Trung Quốc đã thể hiện sự phẫn nộ và vào hùa tẩy chay bằng các bình luận “ăn miếng trả miếng”. Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc (CYLC) trong một bài đăng trên tài khoản Weibo chỉ trích H&M” “Vừa phát tán tin đồn tẩy chay bông Tân Cương trong khi lại muốn kiếm tiền ở Trung Quốc? Thật là một suy nghĩ viển vông!"
“Mặc dù thị trường Trung Quốc rộng lớn, nhưng bất kỳ lời vu khống ác ý nào cũng không được hoan nghênh ở đây” tờ Nhân dân nhật báo viết, đồng thời tuyên bố “lợi ích quốc gia là trên hết và hành vi như vậy của H&M chắc chắn là điều mơ tưởng”.
Hôm đầu tuần này, Liên minh châu Âu đã thông báo rằng họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 công dân Trung Quốc và một thực thể do bị cáo buộc đối xử ngược đãi đối với cộng đồng thiểu số người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trong đó có cả một số quan chức cấp cao của quân đội và nhà nước Trung Quốc.
Bắc Kinh sau đó đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt 10 cá nhân và 4 thực thể từ EU đã tung tin đồn và dối trá về vấn đề Tân Cương, đồng thời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bác bỏ cáo buộc "cưỡng bức lao động" trong hoạt động sản xuất bông của Khu tự trị Tân Cương.
Đại diện H&M tại Trung Quốc cho biết trong một thông báo vào tối thứ Tư rằng, tập đoàn luôn duy trì các nguyên tắc cởi mở và minh bạch trong quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu và không đại diện cho bất kỳ quan điểm chính trị nào.