| Hotline: 0983.970.780

'Cú ngoạm 500 tỷ' của sông Đà: Dự án cấp bách cũng… chậm tiến độ

Thứ Ba 15/08/2023 , 06:39 (GMT+7)

Mặc dù được bố trí nguồn vốn để triển khai xây dựng kè khắc phục sự cố sạt lở, thế nhưng, dự án cấp bách này vẫn chưa được triển khai như đúng tên gọi.

Dự án cấp bách... chậm tiến độ

Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở khiến 32 hộ dân phải ngay lập tức di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng con người, dự án khắc phục sạt lở khu vực tổ 15 (phường Đồng Tiến), tổ dân phố Ngọc 2 (phường Trung Minh) và đoạn cầu Hoà Bình 3 được tỉnh Hòa Bình phê duyệt thuộc nhóm “dự án cấp bách” với tổng kinh phí 499,817 tỷ đồng, do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư. Trong đó, kinh phí để xây dựng kè chống sạt lở là 316,8 tỷ đồng; chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư của dự án là 131,76 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 4 năm (từ 2020 - 2024), diện tích đất sử dụng 9,94ha.

Dự án cấp bách làm kè chống sạt lở ở cửa ngõ TP Hòa Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Dự án cấp bách làm kè chống sạt lở ở cửa ngõ TP Hòa Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Tháng 10/2021, dự án bắt đầu thi công. Thời điểm hiện tại, giá trị thi công đạt khoảng 110 tỷ đồng; tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đến tháng 6/2022 đã tiến hành kiểm đếm tài sản, hoa màu trên đất và thực hiện hỗ trợ tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng từ dự án…

Thế nhưng, gần 2 năm qua, dự án vẫn còn là công trường ngổn ngang: những ngôi nhà sạt lở vẫn nguyên hiện trạng, chưa được dỡ bỏ. Đơn vị thi công san gạt làm đường nội bộ dưới chân khu vực sạt lở sát mép sông Đà; lát mái kè, thi công cọc khoan nhồi, thả đá hộc tạo mái, thi công thảm đá, đúc cấu kiện…, khối lượng thi công tương đương khoảng 40% giá trị hợp đồng.

Bài liên quan

Tuy nhiên, vướng mắc hiện tại đó là thành phố chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Nhiều hộ dân đã di dời từ cuối năm 2018 vẫn quay trở lại khu vực cũ, yêu cầu được đền bù, hỗ trợ tiền đất chênh lệch (nơi cũ và nơi mới), hỗ trợ công trình, tài sản trên đất… dù đã ổn định ở nơi ở mới.

“Ban Quản lý dự án chỉ là đơn vị thi công. Trách nhiệm giải phóng mặt bằng, công tác đền bù là nhiệm vụ của UBND Thành phố. Sở NN-PTNT đã có nhiều văn bản báo cáo UBND tỉnh, đề nghị TP phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để có mặt bằng thi công. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang chờ đợi”, ông Đinh Công Huynh, Giám đốc Ban Quản lý dự án cho hay.

Cuối tháng 12/2020, TP Hòa Bình đã ra thông báo thu hồi đất đối với 246 hộ dân và đơn vị, trong đó có 158 hộ phải tái định cư, 88 hộ bị ảnh hưởng một phần. Đến tháng 5/2023, dự án buộc phải điều chỉnh thiết kế để giảm diện tích của các hộ bị thu hồi, từ 246 hộ xuống còn 108 hộ. Số hộ phải tái định cư từ 158 xuống còn 54 hộ.

Mặc dù đã được bố trí nguồn kinh phí nhưng dự án kè chống sạt lở mới triển khai được 40% hạng mục do không có mặt bằng thi công. Ảnh: Kiên Trung.

Mặc dù đã được bố trí nguồn kinh phí nhưng dự án kè chống sạt lở mới triển khai được 40% hạng mục do không có mặt bằng thi công. Ảnh: Kiên Trung.

“Khó khăn lớn nhất là chưa xây dựng được khu tái định cư riêng của dự án để di chuyển các hộ dân đến nơi ở mới. Diện tích đất và tài sản trên đất nằm ngoài bìa đỏ được cấp của các hộ rất lớn; nhiều hộ không đồng ý để kiểm kê, kiểm đếm đo đạc vì chưa có khu tái định cư.

Ngoài ra, khu vực xây dựng dự án nằm sát Quốc lộ 6, các hộ bị ảnh hưởng phải di dời đa số là các hộ sản xuất kinh doanh nên người dân kiến nghị khu tái định cư nếu không được hơn thì cũng phải bằng nơi ở cũ. Điều này rất khó đáp ứng vì quỹ đất của thành phố rất khó bố trí”, ông Huynh cho biết.

Với các lý do nêu trên dẫn tới việc chưa bàn giao mặt bằng thi công cho nhà thầu. Nhà thầu mới triển khai được hạng mục chân kè, các vị trí không vướng mặt bằng. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện dự án.

Không đền bù, hỗ trợ tài sản, đất đai của các hộ phải di dời cấp bách

Xác nhận thông tin 30 hộ dân bị sạt lở từ năm 2017 - 2018 đã di chuyển đến nơi ở mới nhưng vẫn chưa trả mặt bằng cho dự án kè chống sạt lở, ông Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Bà con so sánh các hộ dân bị thu hồi đất để phục vụ dự án kè chống sạt lở được nhận tiền đền bù, hỗ trợ tài sản hoa màu trên đất… khi đến nơi tái định cư mới nên yêu cầu cùng được đền bụ về đất ở, tài sản trên đất...

Công trường thi công kè chống sát lở 'án binh bất động' ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Kiên Trung.

Công trường thi công kè chống sát lở "án binh bất động" ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Kiên Trung.

“Chúng tôi đã giải thích, tuyên truyền, đây là các trường hợp không bị sạt lở, việc nhà nước thu hồi đất nhằm triển khai dự án kè chống sạt lở nên được bồi thường, đền bù. Các trường hợp nhà cửa bị sạt lở do thiên tai, nhà nước bố trí tái định cư đến nơi ở mới thì không được hỗ trợ về tài sản, công trình trên đất. Việc bà con so sánh giá trị chênh lệch đất ở nơi mới và nơi cũ để kiến nghị được hỗ trợ giá chênh lệch, điều này là rất khó. Chính sách của nhà nước là đảm bảo an toàn tính mạng con người là quan trọng nhất, do đó người dân cũng nên chia sẻ với nhà nước, chính quyền”, ông Điệp thông tin.

Đến nay, TP Hòa Bình cũng chưa phê duyệt đơn giá đất cụ thể tại các phường Đồng Tiến, Trung Minh theo thông báo thu hồi đợt II. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT cũng đang đợi đơn giá đất này để có cơ sở lập phương án, dự toán công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng dự án.

Thượng nguồn sông Đà đoạn cửa ngõ TP Hòa Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Thượng nguồn sông Đà đoạn cửa ngõ TP Hòa Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Thời điểm hiện tại, Hòa Bình đang triển khai cùng lúc 4 dự án cấp bách về thiên tai gậy sạt lở, bao gồm: dự án kè chống sạt lở tổ 15 phường Đồng Tiến; dự án xử lý cấp bách về thiên tai gây sạt lở kè bảo vệ đê Đà Giang (khu vực K2+538 và thượng lưu cầu Đen); Dự án xử lý khối sạt trượt các khu vực phía Đông đồi Ông Tượng, tổ 4, 5, 6 phường Chăm Mát (nay là tổ 2 phường Thống Nhất), tổ 4 phường Thái Bình (nay là tổ 5 phường Thái Bình); hạng mục cầu Ngòi Mại và đường dẫn hai đầu cầu, Dự án cấp bách đê ngăn lũ chống ngập úng Pheo - Chẹ hạ du sông Đà, huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình). Cả bốn dự án này đều do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT (Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình) thực hiện. Cả 4 dự án đều đang gặp phải nhiều khó khăn, vước mắc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ yêu cầu Sở NN-PTNT, Sở KH-ĐT, UBND TP Hòa Bình tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đẩy nhanh đền bù giải phóng mặt bằng; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân di chuyển khỏi những khu vực nguy cơ sạt lở. Giao chủ đầu tư rà soát lại thủ tục hồ sơ để thực hiện phần còn lại của các dự án, tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng các khu tái định cư để ổn định cuộc sống cho người dân.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.