| Hotline: 0983.970.780

‘Cú ngoạm 500 tỷ’ của sông Đà, Hòa Bình mất 5 năm chưa khắc phục xong

Thứ Hai 14/08/2023 , 06:15 (GMT+7)

HÒA BÌNH Vụ sạt lở ở cửa ngõ TP Hòa Bình đầu mùa mưa năm 2018 khiến hàng chục ngôi nhà bị sụt lún, tỉnh mất gần 500 tỷ nhưng 5 năm vẫn chưa khắc phục xong.

“Miệng tử thần” bên sông Đà

Buổi chiều kinh hoàng xảy ra vào khoảng tháng 7/2018, hàng chục ngôi nhà của các hộ dân sinh sống tại tổ dân phố số 15 (phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình) bắt đầu tách đôi thành 2 mảng, rồi cứ thế bị kéo tụt xuống mép sông. Có những ngôi nhà xây tường gạch, trụ bê tông nứt đôi thành hai mảng rồi cứ thế lăn xuống sông, tựa như trẻ con bày đồ hàng, ông D.T.B, một trong số các hộ dân có nhà bị sụt, lún thời điểm 5 năm trước nhớ lại.

Những công trình sụt lún ngay cửa ngõ thành phố Hòa Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Những công trình sụt lún ngay cửa ngõ thành phố Hòa Bình. Ảnh: Kiên Trung.

 

Nghiêm trọng nhất là hộ gia đình bà N., bán phở. Gia đình bà N. xây dựng nhà cửa rất kiên cố, vững chãi, thành một khối sàn bê tông rộng vài trăm m2 để kinh doanh, buôn bán. Thế mà cả khu nhà tường gạch, cột bê tông kiên cố bị tách làm 2 phần, như người ta bửa đôi quả bưởi, rồi cứ thế lả dần, lả dần, sụt lún tại chỗ như người cầm chân kéo xuống.

33 hộ dân bị mất nhà cửa trong vụ sạt lở bờ sông Đà thời điểm đó. Nguyên nhân được tỉnh Hòa Bình chỉ ra, đó là do ảnh hưởng của mưa lũ trong hai năm 2017 - 2018 và xả lũ của đập thủy điện Hòa Bình. Nước sông dâng cao, đất ngấm no nước và bị ngâm trong nước dài ngày. Khi nước rút, đất bị sạt lở kéo theo nhà cửa, cây cối…

Ngôi nhà kiên cố của hộ gia đình bà N., trước đó kinh doanh hàng ăn...

Ngôi nhà kiên cố của hộ gia đình bà N., trước đó kinh doanh hàng ăn...

Gia đình bà đã di dời sang nơi tái định cư mới từ năm 2018 nhưng công trình sụt lún vẫn chưa tháo dỡ từ đó đến nay. Ảnh: Kiên Trung.

Gia đình bà đã di dời sang nơi tái định cư mới từ năm 2018 nhưng công trình sụt lún vẫn chưa tháo dỡ từ đó đến nay. Ảnh: Kiên Trung.

Vụ sạt lở không phải diễn ra bất ngờ. Ban đầu xuất hiện các vết rạn nứt, đất lở ở những chỗ liên kết không bền chặt, báo hiệu nguy cơ sụt lún. Chính quyền yêu cầu các hộ dân sơ tán, di dời tài sản, đồ dùng ra khỏi vùng nguy hiểm. Do đó, chỉ có thiệt hại về tài sản, nhà cửa chứ không có thiệt hại về người.

Sau 5 năm, hiện trạng sạt lở bên bờ sông Đà ngay cửa ngõ thành phố nay vẫn là một mớ ngổn ngang, hàng chục ngôi nhà sụt lún (hộ dân đã di dời sang chỗ tái định cư mới) vẫn đứng nguyên trạng, có những hộ vẫn giữ nguyên cửa, khóa néo cẩn thận như thể chủ nhà đang đi vắng. Phần đã sạt lở, đứng từ xa nhìn lại, những khối bê tông ngổn ngang như được xếp hình, lơ lửng bên miệng vực.

Ngôi nhà sạt lở còn mỗi bức tường đứng chênh vênh bên bờ sông Đà nhưng vẫn tồn tại...

Ngôi nhà sạt lở còn mỗi bức tường đứng chênh vênh bên bờ sông Đà nhưng vẫn tồn tại...

Công trình này bị tách đôi do phần phía sau xây dựng trên đất mượn, không bền vững. Ảnh: Lâm Hùng.

Công trình này bị tách đôi do phần phía sau xây dựng trên đất mượn, không bền vững. Ảnh: Lâm Hùng.

Tại vị trí ngôi nhà của gia đình bà N. - công trình kiên cố nhất trong số 32 công trình bị sạt lở, 2/3 ngôi nhà đang lơ lửng dưới mép sông. Phần còn lại của nó tiếp giáp với quốc lộ 6 còn duy nhất… bức tường trống hoác nhìn ra sông Đà. Những cây dại, dây leo mọc lên ôm kín những cột bê tông nghiêng đổ, đứng phía trên vẫn nhìn thấy khu vực trước kia là bếp núc của hàng ăn tấp nập.

Có khoảng chục căn nhà bị sụt lún gần như toàn bộ, còn lại một phần gắn trên nền đất có liên kết chặt, bền vững. Nhiều người dù đã di dời sang nơi tái định cư mới nhưng ban ngày vẫn quanh quẩn về đất cũ.

Một hộ dân phân tích, phần sạt lở, sụt lún của công trình là do nguyên nhân xây dựng trên đất mượn, đất cơi nới khu vực sau nhà, tiếp giáp với mép sông. Trong quá trình ăn ở, sinh sống, theo thời gian, nhiều hộ dân đổ vật liệu để cơi nới, sau đó xây dựng, mở rộng nhà cửa, công trình. Những công trình bị xé toác làm 2 phần, phần phía sau bị kéo tụt xuống mép sông chính là phần cơi nới xây trên đất mượn.

Khụ vực sạt lở tại tổ 15 phường Đồng Tiến. Ảnh: Lâm Hùng.

Khụ vực sạt lở tại tổ 15 phường Đồng Tiến. Ảnh: Lâm Hùng.

Theo lịch sử, các hộ dân sinh sống dọc trục quốc lộ 6 ngay sát cửa ngõ thành phố Hòa Bình đều định cư ổn định từ đầu những năm 1990, được địa phương cấp bìa đỏ đất ở. Trong địa giới hành chính, khu dân cư kéo dài gần 2km chiều dài này thuộc tổ dân phố 15 (phường Đồng Tiến) và tổ dân phố Ngọc 2 (phường Trung Minh), cùng thuộc TP Hòa Bình.

Ngay sau khi ổn định tái định cư cho 32 hộ dân nơi ở mới, thành phố Hòa Bình từ cuối năm 2018 đã chỉ đạo phường Đồng Tiến tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tháo dỡ tài sản nhà ở, vật kiến trúc hư hỏng tại nơi ở cũ. UBND tỉnh cũng lập đề án xây dựng tuyến kè khắc phục cấp bách sạt lở, giao Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng.

Thế nhưng sau 5 năm, hiện trường vẫn còn nguyên vẹn gây mất mỹ quan đô thị khi ngay cửa ngõ vào thành phố tồn tại một đống ngổn ngang. Điều đáng lo ngại hơn, là khu vực sạt lở tiếp tục có nguy cơ lan rộng do ảnh hưởng của những mùa mưa bão tiếp theo.

Chưa khắc phục xong sạt lở cũ, thêm các hộ mong được di dời

Mới đây, nhiều hộ dân thuộc tổ dân phố 15 (liền kề với khu vực sạt lở 5 năm trước) đã đề xuất nguyện vọng mong muốn chính quyền TP Hòa Bình sớm có phương án bố trí tái định cư cho người dân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định cuộc sống bởi khu vực này cũng đang đối mặt nguy cơ sạt lở.

 
Những hộ dân tiếp tục sống trong nỗi thấp thỏm vì nguy cơ sạt lở vẫn rình rập, đe dọa. Ảnh: Lâm Hùng.

Những hộ dân tiếp tục sống trong nỗi thấp thỏm vì nguy cơ sạt lở vẫn rình rập, đe dọa. Ảnh: Lâm Hùng.

Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến, ông Lê Văn Thành xác nhận, việc các hộ dân khu vực tổ 15 lo lắng nguy cơ sạt lở vào mùa mưa bão và trong quá trình thi công dự án kè chống sạt lở khu vực này là có căn cứ. Từ năm 2018, ảnh hưởng mưa bão và thủy điện Hòa Bình xả lũ, sau khi nước rút, nhiều đoạn đã bị sạt lở trôi xuống lòng sông.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sảng, bà Phan Thị Mai là một trong những hộ nằm sát khu vực bị sạt lở nghiêm trọng vào năm 2018. Công trình của gia đình ông Sảng xây dựng hơn 30 năm qua, nay nằm cheo leo bên bờ ta luy khu vực đang thi công kè chống sạt lở sông Đà. Hiện tại, trong nhà ông xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên tường và nền nhà. Ông Sảng mong thành phố sớm có phương án di dời các hộ trong khu vực nguy cơ sạt lở và thi công dự án để người dân ổn định cuộc sống.

Mùa mưa bão năm 2022, tổ dân phố 15 đã phải vận động 1 hộ sơ tán tạm thời đề phòng nguy cơ sạt lở. Nhiều hộ dân khác sống trong nơm nớp lo sợ bởi nhiều hộ nhà đã xuống cấp, nứt nhưng không dám sửa chữa vì trước đó, thành phố đã tiến hành kiểm đếm để triển khai dự án kè chống sạt lở bờ sông Đà.

Mấy năm qua, vào các đợt mưa to kéo dài, phường đã phải sơ tán khẩn cấp một số hộ trong khu vực này. Quá trình thi công, đơn vị thi công vét sâu phía dưới taluy sát nhà ở của các hộ dân và thực hiện đóng cột gia cố đã làm một số hộ bị rung lắc, nứt tường…

Nhiều sinh hoạt vẫn diễn ra bên cạnh những khu vực rình rập nguy hiểm như thế này.

Nhiều sinh hoạt vẫn diễn ra bên cạnh những khu vực rình rập nguy hiểm như thế này.

Những hộ dân thuộc khu vực sạt lở tổ dân phố số 15, phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Những hộ dân thuộc khu vực sạt lở tổ dân phố số 15, phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Cuối năm 2022, 11 hộ dân thuộc tổ dân phố 15 có đơn đề nghị UBND phường và TP Hòa Bình sớm được tái định cư tại khu vực thuộc tổ 13, phường Đồng Tiến, sớm được ổn định cuộc sống. Đối với khu vực sạt lở tại tổ 15 từ năm 2018, tháng 5/2020, HĐND tỉnh phê duyệt dự án khắc phục cấp bách sạt lở và tuyến đê khu vực tổ 26 (nay là tổ 15), phường Đồng Tiến và đoạn cầu Hòa Bình 3, TP Hòa Bình có chiều dài khoảng 2km, tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng.

Ngày 16/5 mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ông Đinh Công Sứ đã đi kiểm tra tiến độ các dự án cấp bách trên địa bàn TP, trong đó có dự án kè cấp bách chống sạt lở nói trên để thúc đẩy nhanh tiến độ. Theo đó, dự án khắc phục cấp bách sạt lở khu vực tổ 15, phường Đồng Tiến; tổ dân phố Ngọc 2, phường Trung Minh và đoạn cầu Hòa Bình 3 do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 499,817 tỷ đồng, bắt đầu thi công từ tháng 10/2021.

Đến nay, giá trị thi công đạt khoảng 110/316,8 tỷ đồng. Về tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đến tháng 6/2022 đã tiến hành kiểm đếm tài sản, hoa màu trên đất và thực hiện hỗ trợ tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng từ dự án.

Tuy nhiên khó khăn hiện tại là không có mặt bằng thi công, và dự án đang đề xuất điều chỉnh, nâng kinh phí đầu tư.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.