| Hotline: 0983.970.780

Cục Kiểm dịch Trung Quốc: 'Hoa quả Việt Nam được xếp vị trí đầu'

Thứ Hai 23/05/2022 , 07:35 (GMT+7)

Phó Cục trưởng Cục Kiểm dịch thực vật và động vật Trung Quốc chia sẻ: “Trung Quốc nhập khẩu hoa quả của rất nhiều quốc gia, nhưng Việt Nam vẫn được xếp vị trí đầu”.

Hoa quả Việt Nam được bán ở tất cả các tỉnh, thành của Trung Quốc

Chiều 20/5, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã họp trực tuyến với Cục Kiểm dịch thực vật và động vật (Tổng cục Hải Quan Trung Quốc) về vấn đề phê duyệt, kiểm dịch đối với trái cây sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là sầu riêng và chanh leo. Đồng thời, hai bên cũng trao đổi về quy phạm yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với 8 loại quả truyền thống xuất khẩu sang Trung Quốc (chuối, xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm).

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cùng các phòng, ban chuyên môn họp bàn với Cục Kiểm dịch thực vật và động vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) chiều 20/5. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cùng các phòng, ban chuyên môn họp bàn với Cục Kiểm dịch thực vật và động vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) chiều 20/5. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Vương Ích Ngu - Phó Cục trưởng Cục Kiểm dịch thực vật và động vật Trung Quốc chia sẻ: “Hiện tại Trung Quốc nhập khẩu hoa quả của rất nhiều quốc gia, nhưng Việt Nam vẫn được xếp vị trí đầu. Người dân của chúng tôi rất thích hoa quả nhiệt đới của Việt Nam”.

Các loại trái cây chủ yếu được nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế như Hữu Nghị, Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) hoặc các cảng biển lớn như Thâm Quyến, Thượng Hải. Đặc biệt, sản phẩm hoa quả Việt Nam được bán ở tất cả các tỉnh, thành của Trung Quốc. Do đó, Cục Kiểm dịch thực vật Trung Quốc nhận định rằng, việc tăng cường hợp tác để đảm bảo an toàn trong quá trình nhập khẩu hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc là “vô cùng quan trọng”.

Bởi theo ông Vương, một khi xảy các vấn đề liên quan đến kiểm dịch, nhất là sự hiện diện của các yếu tố dương tính covid-19 trên bao bì sản phẩm, thì hoa quả của Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều và người tiêu dùng sẽ không ưa chuộng như trước nữa.

Hải quan Trung Quốc đã từng phát hiện dấu hiệu tồn tại của covid-19 trên bao bì sản phẩm, xe vận chuyển hoa quả của Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Hải quan Trung Quốc đã từng phát hiện dấu hiệu tồn tại của covid-19 trên bao bì sản phẩm, xe vận chuyển hoa quả của Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Để làm được điều đó, Cục Kiểm dịch thực vật và động vật Trung Quốc đề nghị Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan liên quan cần quản lý chặt chẽ các cơ sở đóng gói, chế biến sản phẩm trước khi thông quan qua cửa khẩu để hạn chế tối đa rủi ro.

Cùng nỗ lực để sớm ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng, chanh leo

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng trong những năm gần đây, sự hợp tác giữa cơ quan kiểm dịch của Việt Nam và Trung Quốc rất hiệu quả và thường xuyên, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá nông sản, nhất là sản phẩm trồng trọt ngày một tăng.

“Đối với sầu riêng, đây là loại quả mà hai bên đã có quá trình đàm phán lâu dài với nhiều phiên thảo luận, thống nhất về các vấn đề kỹ thuật, quản lý rủi ro dịch hại và đã dự thảo nghị định thư. Bởi vậy chúng tôi mong phía Trung Quốc sẽ sớm ký kết chính thức nghị định thư này để có bước tiếp theo xuất khẩu trái sầu riêng sang Trung Quốc”, ông Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật cũng thẳng thắn đặt câu hỏi với ông Vương: “Bao  giờ nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng có thể ký kết được, vì phía Việt Nam đã hoàn thiện các thủ tục?”

Trái sầu riêng của Việt Nam có hương vị thơm ngon và thu hoạch quanh năm, nhưng rộ nhất từ tháng 7 đến tháng 10.

Trái sầu riêng của Việt Nam có hương vị thơm ngon và thu hoạch quanh năm, nhưng rộ nhất từ tháng 7 đến tháng 10.

Hiện nay, Cục đã gửi hồ sơ của 33 vùng trồng, 30 cơ sở đóng gói theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong số này có nhiều đơn vị đã được phía Trung Quốc kiểm tra trực tuyến. Đặc biệt, từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm là thời gian thu hoạch rộ nhất trái sầu riêng, nên rất mong Cục Kiểm dịch thực vật và động vật đôn đốc các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc để hai bên có thể ký kết trước tháng 7 năm nay.

Đối với kiến nghị của phía Việt Nam, ông Vương cho biết, người Trung Quốc rất thích ăn sầu riêng nhưng hiện nay sầu riêng chủ yếu được nhập từ Thái Lan. Hiện nay, hồ sơ liên quan đến cấp phép xuất khẩu trái sầu riêng Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang được Tổng cục Hải Quan thực hiện xin ý kiến các cơ quan nhà nước và các cơ quan pháp luật có liên quan. Sau đó, Cục Kiểm dịch thực vật và động vật sẽ tổng hợp và thông báo cho phía Việt Nam về ngày ký kết nghị định thư. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hai bên tổ chức lễ ký kết sớm nhất có thể, và thời gian này sẽ không lâu”, ông Vương nói.

Cũng theo ông Vương, đối với quả chanh leo, hai bên đã có thoả thuận về việc tạm thời cho phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do đó, phía Trung Quốc rất cần Cục Bảo vệ thực Vật cho ý kiến phản hồi về dự thảo hướng dẫn tạm thời xuất khẩu chanh leo. Và sau khi đã được phép xuất khẩu tạm thời sang thị trường Trung Quốc, Cục Kiểm dịch thực vật và động vật sẽ kiểm tra và kiểm soát chất lượng tại cửa khẩu, nếu các lô hàng đạt yêu cầu thì sẽ tiến hành mở rộng các cửa khẩu được phép thông quan.

Chanh leo được trồng chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Sơn La.

Chanh leo được trồng chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Sơn La.

Về vấn đề này, ông Hoàng Trung cho biết, chúng tôi đã đưa ra phản hồi kỹ thuật với dự thảo ban đầu về hướng dẫn tạm thời xuất khẩu với chanh leo, đồng thời thực hiện lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương theo đúng thủ tục pháp luật. Sau khi hoàn thành sẽ gửi ngay lập tức cho Cục Kiểm dịch thực vật và động vật phía Trung Quốc.

Kiểm soát tốt dịch hại, hoa quả Việt Nam được giảm tần xuất kiểm tra

Tại cuộc họp, ông Vương cho biết, hiện nay hai bên chưa ký nghị định thư về xuất khẩu 8 loại trái cây truyền thống của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, do đó tần suất các lô hàng bị kiểm dịch rất nhiều. Cục Kiểm dịch thực vật và động vật rất hy vọng hai bên có thể ký nghị định thư về 8 loại trái cây này để Cục Bảo vệ thực vật có biện pháp quản lý các cơ sở sản xuất, đóng gói, chế biến, xuất khẩu để chuẩn hoá sản phẩm ngay từ đầu. Như vậy, Cục Kiểm dịch thực vật và động vật sẽ có ý kiến đề xuất với Tổng cục Hải Quan để giảm tần suất kiểm tra xuống.

“Chúng tôi cũng đã gửi dự thảo nghị định thư về việc xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Trung Quốc, rất mong Cục xem xét và cho ý kiến. Vì Cục Kiểm dịch thực vật và động vật kiểm tra sản phẩm của Việt Nam thì thấy rằng chuối có nhiều vấn đề nhất. Đề nghị Cục Bảo vệ thực vật phối hợp và truyền đạt các yêu cầu của nghị định thư, để khi xuất khẩu sang Trung Quốc, tỷ lệ được thông quan sẽ cao hơn”, ông Vương chia sẻ.

Ngoài chuối, Cục kiểm dịch thực vật và động vật cũng muốn nhanh chóng ký kết nghị định thư liên quan đến các loại quả mà họ nhập nhiều như dưa hấu, thanh long.

Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung đặt câu hỏi: “Chúng tôi có nghe các loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc chỉ phải kiểm tra 30% các lô hàng, vậy có đúng hay không?”

Ông Vương trả lời, điều mà Cục Bảo vệ thực vật được nghe “không hoàn toàn đúng”. Thứ nhất, phải dựa theo từng loại hoa quả cụ thể và nguy cơ mang theo dịch hại, ví dụ như đối với quả dừa, tần suất kiểm tra sẽ thấp hơn 30%, vì chúng tôi rất ít khi phát hiện bệnh dịch. Còn đối với các loại quả có nguy cơ dịch hại nhiều, thì tần xuất kiểm tra sẽ cao hơn 30%.

Tóm lại, tỷ lệ kiểm tra các lô hàng sẽ tuỳ thuộc theo tình hình nhiễm bệnh của hoa quả và có thể được điều chỉnh tuỳ tình hình nhiễm dịch tại từng thời điểm. Ví dụ như quả măng cụt, sau khi ký nghị định thư, Cục Kiểm dịch thực vật và động vật phải kiểm tra xem doanh nghiệp có làm tốt hay không, sản phẩm có đáp ứng yêu cầu hay không. Nếu làm tốt thì sẽ giảm tần suất kiểm tra xuống 30%, còn không làm tốt thì vẫn sẽ kiểm tra với tần xuất 80%, thậm chí 100%.

Ông Hoàng Trung cho biết, thời gian qua, căn cứ vào các quy định của Trung Quốc và nội dung nghị định thư được hai nước ký kết để xuất khẩu măng cụt của Việt Nam sang Trung Quốc, các quy định với 8 loại quả còn lại, chúng tôi đã và đang thường xuyên chuyển tải tới các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu để họ tuân thủ đầy đủ quy định nghị định thư, hạn chế tối đa vi phạm về kiểm dịch cũng như an toàn thực phẩm.

“Chúng tôi đồng ý sau chuối thì dưa hấu và thanh long cũng sẽ được ký kết nghị định thư. Và để làm tốt vấn đề này, đề nghị Trung Quốc có dự thảo và gửi cho phía Việt Nam càng sớm càng tốt, từ đó chúng tôi sẽ xem xét các quy định từ phía Việt Nam và phản hồi để làm sao có thể ký kết được các nghị định thư này”, ông Trung nhấn mạnh và cho biết thêm, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã gửi hồ sơ về quả dừa và quả bưởi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, rất mong Tổng cục Hải quan xem xét và phản hồi sớm cho Việt Nam.

Phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng thông báo kế hoạch kiểm tra trực tuyến hàng tuần đối với các vườn trồng và cơ sở đóng gói sản phẩm của Việt Nam. Tổng cục Hải quan sẽ giao cho Cục Kiểm dịch Nam Ninh thực hiện nội dung này. Theo đó, Cục Kiểm dịch Nam Ninh sẽ gửi danh sách các cơ sở phải kiểm tra cho phía Việt Nam hàng tuần để thực hiện kiểm tra trực tuyến.  

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.