| Hotline: 0983.970.780

Chìa khóa nào giúp nông sản Việt thuận đường sang Trung Quốc?

Thứ Năm 19/05/2022 , 09:35 (GMT+7)

'Thương hiệu sản phẩm luôn phải đi đôi với chất lượng và đảm bảo được nguồn cung ổn định cho thị trường', ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ.

Gần 2.000 doanh nghiệp đã được cấp mã số sản phẩm xuất khẩu

Thưa ông, theo thống kê, thị trường Trung Quốc hiện chiếm 50 đến 55% tổng lượng nông sản, rau quả tươi xuất khẩu của Việt Nam, vậy làm thế nào để hoạt động xuất khẩu nông sản của chúng ta không bị ảnh hưởng trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt quản lý an toàn thực phẩm, quản lý rủi ro liên quan đến dịch bệnh lên hàng hóa xuất nhập khẩu?

Trung Quốc là thị trường lớn và truyền thống của Việt Nam. Quốc gia này vừa xuất khẩu nông sản, vừa nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Trung bình mỗi năm Trung Quốc nhập từ 160-170 tỷ USD tất cả các loại nông sản, thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phục vụ sản xuất, chế biến thực phẩm và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc có rất nhiều thay đổi trong chính sách cũng như hệ thống quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu. Các quy định của họ ngày một chặt chẽ hơn. Trung Quốc yêu cầu các quốc gia xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm vào thị trường trong nước phải đăng ký danh sách và cấp mã số.

Tính đến ngày 17/5/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.069 mã số sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật cho 1.993 doanh nghiệp của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, theo qui định của Trung Quốc, đây mới chỉ là giai đoạn đầu cho việc đăng ký xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc. Các doanh nghiệp hiện đã được cấp mã số cần tiếp tục hoàn thiện việc bổ sung hồ sơ của từng doanh nghiệp từ nay đến 30/6/2023 theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại Công hàm 353/2021: giấy phép kinh doanh, các hồ sơ liên quan đến quản lý, giám sát chế biến sản phẩm; hồ sơ liên quan đến các vấn đề kiểm soát các mối mất an toàn thực phẩm, nhất là phòng chống lây nhiễm chéo dịch bệnh lên bao bì, phương tiện vận chuyển nông sản thực phẩm.

Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid”, nên họ rất chú trọng đến vấn đề phòng chống lây nhiễm virus Covid-19. Các bao bì, sản phẩm thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc được phía bạn giám sát rất chặt chẽ. Điều này dẫn đến sự chậm trễ trong vấn đề thông quan hàng hóa thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc không chỉ Việt Nam mà cả các quốc gia khác, gây ra hiện tượng ùn ứ xe chở hàng hóa như trong thời gian cuối năm vừa rồi và những tháng đầu năm 2022.

Vậy trong thời gian qua, Văn phòng SPS Việt Nam đã tiếp nhận thông tin về các vụ việc liên quan đến hiện tượng lây nhiễm chéo virus Covid-19 trên bao bì, sản phẩm như thế nào?

Thực tế trong 2 năm vừa qua, Trung Quốc có rất nhiều thông báo cũng như cảnh báo về việc nhiễm chéo virus Covid-19 trên bao bì sản phẩm, trong đó có trường hợp xảy ra với sản phẩm hoa quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên số lượng chưa phải nhiều và thông thường, khi phát hiện như vậy thì phía bạn dừng thông quan và thông báo cho chúng ta có biện pháp khắc phục. Rất nhiều lô thanh long và gần đây là chuối bị phát hiện hiện có nhiễm Covid trên bao bì.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã phổ biến tất cả các quy định của FAO đến các doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản để đảm bảo làm sao đảm bảo thực hành tốt việc giãn cách và cách ly tránh được việc lây nhiễm chéo Covid trên bao bì sản phẩm cũng như các container chứa hàng hóa xuất khẩu vào Trung Quốc.

Cơ bản hoàn tất đánh giá rủi ro với khoai lang, sầu riêng

Thưa ông, việc phối hợp giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm đánh giá rủi ro và kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được thực hiện như thế nào?

Đối với tất cả hàng hóa là thực phẩm thì việc đánh giá rủi ro sẽ do Cục An toàn Thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) đảm trách. Và chúng ta đã biết, Trung Quốc có rất nhiều đối tác thương mại lớn và rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, trong khi nguồn lực hạn chế. Cho nên việc đánh giá rủi ro của sản phẩm thực phẩm gặp nhiều khó khăn, việc chậm trễ là chuyện không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên cần phải ghi nhận rằng, Trung Quốc có rất nhiều ưu đãi cho các sản phẩm thực phẩm, rau quả của Việt Nam. Thời gian qua, chúng ta có 9 loại quả xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, trong thời gian tới sẽ thêm sầu riêng, khoai lang, chanh leo…, trong đó sầu riêng, khoai lang đã cơ bản hoàn tất đánh giá rủi ro.

Trung Quốc đã đồng ý cho chúng ta thí điểm xuất khẩu đối với chanh leo qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây.

Trung Quốc đã đồng ý cho chúng ta thí điểm xuất khẩu đối với chanh leo qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây.

Theo thông báo từ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh tại Công điện TCO CĐ 1120 26/11/2021, Trung Quốc đã đồng ý cho chúng ta thí điểm xuất khẩu đối với chanh leo qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây. Do vậy, các doanh nghiệp, địa phương cần quan tâm đến vấn đề này, phối hợp tốt với Cục Bảo vệ thực vật để đáp ứng các yêu cầu của phía Trung Quốc, nhất là các điều kiện như mã số vùng trồng, điều kiện của cơ sở đóng gói, điều kiện để đăng ký doanh nghiệp. Việc này chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tôi được biết hiện tại chưa có doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo nào của Việt Nam đăng ký cũng như triển khai các hoạt động liên quan đến các yêu cầu từ thị trường Trung Quốc.

Theo ông, vì sao các doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo sang thị trường Trung Quốc chưa đăng ký để hoàn thiện hồ sơ thủ tục xuất khẩu chính ngạch theo yêu cầu của nước bạn?

Một phần nguyên nhân là Bộ NN-PTNT mới tiếp nhận được thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nên triển khai chưa mạnh mẽ. Thêm vào đó, những năm vừa qua việc sản xuất chanh leo gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, mất mùa.

Bây giờ, muốn có chất lượng sản phẩm tốt thì chúng ta cần xây dựng vùng trồng cũng như có biện pháp phù hợp để kiểm soát vấn đề dịch bệnh. Đặc biệt phải xây dựng vùng nguyên liệu tốt và sản phẩm tốt. Nếu không, dù chúng ta có xúc tiến thương mại như thế nào, mở cửa thị trường ra sao thì cuối cùng cũng không có hàng đáp ứng tiêu chuẩn để bán.

Chúng ta vẫn nói về việc xây dựng thương hiệu, mà thương hiệu luôn phải đi đôi với chất lượng và đảm bảo được nguồn cung sản phẩm cho thị trường. Còn nếu chúng ta có chất lượng nhưng không đảm bảo nguồn cung ở các thời điểm mà thị trường cần, thì nó sẽ tạo ra sự đứt gãy trong cung – cầu, làm nản lòng người tiêu dùng.

Thêm vào đó, chúng ta cũng phải đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, nhất là với từng mặt hàng chủ lực như thanh long, mít, xoài, dứa, chanh leo hay sầu riêng...

Với vai trò là cơ quan kết nối phát triển thị trường nông sản, khi dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc được kiểm soát, chúng tôi sẽ tăng cường kết nối với các tập đoàn, đầu mối tiêu thụ nông sản lớn của nước bạn để đưa sản phẩm của chúng ta vào thị trường này.

Chìa khóa thành công: Áp dụng các tiêu chuẩn thực hành tốt

Thời gian tới, Văn phòng SPS sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp như thế nào để thực hiện Lệnh 248, 249 của nước bạn?

Chúng ta phải xác định một cách rõ ràng, nông sản có chất lượng mới tạo ra thương hiệu. Cho nên các địa phương tùy vào từng mặt hàng chủ lực của mình phải xây dựng vùng nguyên liệu có chất lượng. Song song với đó là các chương trình thực hành sản xuất tốt đối với từng loại hoa quả như VietGAP, GlobalGAP…

Việc áp dụng các tiêu chuẩn thực hành tốt là chìa khóa để chúng ta có được sản phẩm chất lượng tốt cũng như sự tín nhiệm của thị trường. Nếu chúng ta không đảm bảo được điều này thì các loại rau quả tươi của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Sầu riêng cơ bản hoàn tất đánh giá rủi ro để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Sầu riêng cơ bản hoàn tất đánh giá rủi ro để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Đặc biệt, khi Lệnh 248 và 249 được ban hành, phía bạn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để kiểm tra online. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng vẫn còn một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt dù đã được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn.

Ví dụ, trong các nhà máy chế biến thực phẩm, phải hạn chế không cho các loại côn trùng, chim, động vật vào kho vì có thể mang vi sinh vật. Chim có thể mang mầm bệnh cúm gia cầm, còn phân rác có thể nhiễm vi khuẩn E.coli hay Salmonella. Chó, mèo có thể lây nhiễm mầm bệnh, ký sinh trùng từ phân, nước tiểu... Bên cạnh đó, phải có chương trình phòng trừ côn trùng hại, động vật gây hại trong nhà máy chế biến và khu chế biến.

Sắp tới, Văn phòng SPS sẽ phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam để triển khai các hoạt động tập huấn cho địa phương và doanh nghiệp thực hiện quy định của Lệnh 248 và 249 theo các chủ đề phù hợp với từng ngành hàng, từng nhóm doanh nghiệp và địa phương có điều kiện tương đồng. Qua đó đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất