Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao trở thành tâm điểm dư luận những ngày giáp tết Nhâm Dần 2022, khi 4 cán bộ của đơn vị này bị khởi tố và tạm giam vì tội danh “nhận hối lộ” được quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.
4 cán bộ Cục Lãnh sự vừa vướng vòng lao lý, gồm Nguyễn Thị Hương Lan (sinh năm 1974, Cục trưởng), Đỗ Hoàng Tùng (sinh năm 1980, Phó Cục trưởng), Lê Tuấn Anh (sinh năm 1982, Chánh văn phòng) và Lưu Tuấn Dũng (sinh năm 1987, Phó phòng bảo hộ công dân). 4 cán bộ Cục Lãnh sự đã tranh thủ chức phận được giao phó để “nhận hối lộ” khi xét duyệt cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam đang học tập và công tác ở nước ngoài, về quê hương trú tránh tai ương Covid-19.
Trong hai năm đại dịch toàn cầu hoành hành, hàng vạn người Việt Nam khắp thế giới đều mong được quay lại trú ngụ bình yên nơi mảnh đất tổ tiên ngàn đời. Đó là một nhu cầu chính đáng, vì vậy Chính phủ có chủ trương tổ chức những chuyến bay mang tính chất nhân đạo để “giải cứu” công dân đang mắc kẹt ở một số quốc gia khác.
Thế nhưng, lợi dụng việc sắp xếp những chuyến bay giữa bối cảnh cam go ấy, Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan và 3 thuộc cấp đã lợi dụng để kiếm chác. Sự phản ứng kịp thời của cơ quan điều tra Bộ Công an đối với sai phạm ở Cục Lãnh sự, đã khiến cộng đồng lấy lại được niềm tin vào quyết tâm đẩy lùi virus corona của Việt Nam trong quá trình thích ứng bình thường mới.
Khuất tất phía sau những chuyến bay nhân đạo do những cán bộ Cục Lãnh sự thao túng đã gây áp lực lên kiều bào. Không có gì ê chề hơn, khi nhiều kiều bào đã chọn cách bay từ Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Nhật, Hàn... về Campuchia, rồi đi đường bộ về Việt Nam cho đỡ gánh nặng chi phí.
Ngoại giao là một lĩnh vực đặc biệt. Bởi lẽ, ngoại giao không chỉ gắn kết công dân Việt Nam với quốc tế, mà còn thể hiện diện mạo của chính đất nước Việt Nam. Những người làm công tác ngoại giao không được phép đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích Tổ quốc. Vì vậy, 4 cán bộ Cục Lãnh sự trực tiếp hoặc gián tiếp “nhận hối lộ”, là một vết nhơ cần phải thanh tẩy một cách cương quyết.
Sau vụ án Công ty Việt Á, thì vụ án “nhận hối lộ” ở Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao lại tiếp tục gióng lên hồi chuông về sự tha hóa của một bộ phận cán bộ. Cái câu cảm thán “ăn của dân không chừa thứ gì” xảy ra trong lúc cả xã hội căng thẳng đương đầu Covid-19, càng nhức nhối tâm can.
4 cán bộ Cục Lãnh sự phải trả giá thích đáng cho việc làm trái pháp lý và phản đạo lý của họ. Câu chuyện tồn đọng để mọi người cùng suy nghĩ trước những ngày tết cổ truyền của dân tộc, là làm sao tăng cường giám sát quy trình tuyển dụng cán bộ, cũng như thường xuyên rèn luyện đội ngũ cán bộ đang có dấu hiệu tha hóa nghiêm trọng.