| Hotline: 0983.970.780

Cục Trồng trọt lý giải bước đột phá về sản xuất lúa gạo tại Việt Nam

Thứ Sáu 26/07/2024 , 14:49 (GMT+7)

Tìm giống lúa thích hợp cho từng vùng sinh thái, khuyến cáo người dân bám sát đồng ruộng, thực hành các biện pháp nông nghiệp tốt… là những yếu tố giúp Việt Nam tăng trưởng.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hoạt động sản xuất lúa gạo tại Việt Nam không chỉ tập trung vào mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực mà còn đưa sản xuất lúa gạo vào nhiều chương trình chiến lược quốc gia. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hoạt động sản xuất lúa gạo tại Việt Nam không chỉ tập trung vào mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực mà còn đưa sản xuất lúa gạo vào nhiều chương trình chiến lược quốc gia. Ảnh: Quỳnh Chi.

Từ một nước thiếu lương thực, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nằm trong tốp 3 thế giới, cùng với Ấn Độ và Thái Lan.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 8,13 triệu tấn với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022. So với năm 2021, tăng 30% về lượng và tăng 42% về kim ngạch.

Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất lúa gạo, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, từ nhiều năm qua, hoạt động sản xuất lúa gạo tại Việt Nam không đơn thuần là đảm bảo an ninh lương thực.

“Chúng tôi đã lồng ghép việc sản xuất lúa gạo trong nhiều chương trình chiến lược quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Chính phủ VIệt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến ngành hàng lúa gạo, gần nhất là ban hành đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải”, ông Tùng nói.

Để có sản lượng gạo liên tục qua các năm, bất chấp diện tích đất trồng lúa có xu hướng giảm, ngành nông nghiệp đã cùng địa phương và người nông dân phối hợp chặt chẽ từ những cấp thấp nhất như thôn, bản. Từ đó, ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân các bước xây dựng kế hoạch sản xuất lúa gạo.

Một trong những kinh nghiệm của Việt Nam là xác định rủi ro khí hậu tại vùng trồng, đồng thời xác định rõ phạm vi ranh giới các mức độ rủi ro và đề xuất các phương án thích ứng như thay đổi cơ cấu, chuyển dịch mùa vụ.

Lý giải cho việc này, ông Tùng thông tin rằng nguyên nhân bởi Việt Nam có rất nhiều vùng sinh thái. Chẳng hạn miền Bắc có 1 mùa đông lạnh, khu vực Tây Bắc thường chịu nguy cơ lũ lụt và khó đảm bảo về nguồn nước tưới. Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thâm canh cao, một số nơi thậm chí trồng 7 vụ trong 2 năm.

Kết hợp việc hiệu chỉnh bản đồ nguy cơ thiên tai và kế hoạch cho từng tiểu vùng, Việt Nam đề ra một loạt biện pháp thực hành tốt như “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”. Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như IRRI, các vùng sản xuất lúa tại Việt Nam xác định rõ nhu cầu tại từng vùng.

“Đây là nền tảng để chúng tôi tổng hợp dữ liệu, đề ra khung mùa vụ, diễn giải các thông tin thời tiết. Qua đó, phổ biến và sử dụng các kiến thức này cho người nông dân, thông qua HTX, hội quán, tổ hợp tác, hoặc các tổ chức như hội nông dân, hội phụ nữ…”, ông Tùng bày tỏ.

Chuyên gia nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật tại châu Phi.

Chuyên gia nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật tại châu Phi.

Mục tiêu tổng quát của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong giai đoạn 2025-2030 là tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững .

Lãnh đạo Cục Trồng trọt đề ra 7 mục tiêu cụ thể. Đó là: Đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; Nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo.

Cùng với đó, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; Sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái; Nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng; Xuất khẩu gạo theo chất lượng cao và giá trị cao.

Đặc biệt, ông Tùng khuyến cáo, để có thể phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững, kinh nghiệm Việt Nam cho thấy cần xây dựng và hình thành chuỗi giá trị lúa gạo,

Ở đó, dịch vụ sản xuất, bao gồm nhà cung cấp vật tư đầu vào, nông dân trồng lúa kết hợp với dịch vụ logistics và hệ thống thương mại, gồm HTX, thương lái, nhà máy xay xát, người bán sẽ cùng phối hợp để nâng tầm giá trị hạt gạo, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, cũng như chất lượng cho thị trường trong nước.

Nguyên nhân cuối được ông Tùng chỉ ra từ thành công về sản xuất lúa gạo của Việt Nam, là vấn đề giống.

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, lúa gạo là một trong những ngành hàng thực hiện tái cơ cấu rất thành công. Nếu như nhiều năm trước, Việt Nam chỉ có khoảng 35 - 40% các giống lúa chất lượng thì hiện nay con số này đã đạt 75 - 80%, thậm chí tại nhiều địa phương, việc sử dụng giống lúa chất lượng lên đến hơn 90%.

Đây là một trong những nguyên nhân chính nâng cao chất lượng gạo. Việc tái cơ cấu lúa gạo giai đoạn mới còn mang lại hiệu quả nâng cao thu nhập cho nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu gạo theo hướng chất lượng cao và giá trị cao.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất