| Hotline: 0983.970.780

Cúm H1N1 tại Mexico và Mỹ là cúm người, chứ không phải cúm lợn

Thứ Tư 29/04/2009 , 23:55 (GMT+7)

Cho đến nay, thế giới chưa tìm ra chứng cứ khẳng định rằng, cúm H1N1 tại Mexico và Mỹ là lây từ lợn sang người và chưa tìm ra virus H1N1 trên lợn.

Trong những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng gọi cúm H1N1 đã làm hàng ngàn người mắc tại Mexico và Mỹ là cúm lợn. Cục Thú y, Tổ chức Thú y thế giới OIE và Tổ chức Y tế thế giới WHO đến thời điểm này đều khẳng định cách gọi trên là không đúng. Vì, cho đến nay, thế giới chưa tìm ra chứng cứ khẳng định rằng, cúm H1N1 tại Mexico và Mỹ là lây từ lợn sang người và chưa tìm ra virus H1N1 trên lợn. Để làm rõ vấn đề này và hướng đối phó của Việt Nam, NNVN đã có cuộc trao đổi với Cục Phó Cục Thú y Hoàng Văn Năm. 

Cúm H1N1 tại Mexico và Mỹ là cúm người, chứ không phải cúm lợn

Cúm người chứ không phải cúm lợn

Ông Hoàng Văn Năm khẳng định: Virus A H1N1 mà các nhà khoa học xác định được trên những người mắc bệnh tại Mexico và Mỹ là một loại virus hoàn toàn mới, từ trước đến nay thế giới chưa từng gặp. Virus A H1N1 có chứa các đoạn gen của cúm người, cúm lợn Bắc Mỹ, cúm gia cầm Bắc Mỹ và cúm lợn Á – Âu.

Như vậy, cho đến nay, thế giới mới chỉ phát hiện ra virus A H1N1 trên người chứ chưa phát hiện loại virus này trên lợn?

Cho đến thời điểm này đã có 16 quốc gia, cả châu Mỹ, Âu, Á có và nghi có người bị nhiễm H1N1. Và khi làm xét nghiệm, hầu hết đều phát hiện thấy virus H1N1. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên toàn thế giới, chưa phát hiện ra virus H1N1 trên lợn. Thế giới đang tích cực nghiên cứu nhưng chưa có nơi nào phát hiện ra.

Cúm trên người, lây từ người sang người, vậy tại sao những ngày vừa qua ta lại gọi là cúm lợn?

Đó là một cách gọi không đúng. Dù con virus H1N1 mới này được sinh ra có những đoạn gen của cúm lợn Bắc Mỹ, nhưng chúng ta chưa hề phát hiện ra loại virus này trên lợn, vả lại, chưa phát hiện ra cúm H1N1 trên người ở Mexico và Mỹ là do lây từ lợn sang, vì vậy không thể khẳng định đây là cúm lợn.

Vậy phải gọi cúm tại Mexico và Mỹ là cúm gì?

Phải gọi cúm tại Mexico và Mỹ là cúm Bắc Mỹ. Vì thông thường, cúm ở trên người xuất hiện tại vùng nào mang chủng mới, không phải chủng cũ thì tên gọi của nó phải gắn với địa danh, như thế giới đã từng gọi cúm Tây Ban Nha, cúm châu Á, cúm Hồng Kông khi cúm người xuất hiện với chủng mới tại các khu vực đó… chứ không thể gọi theo kiểu “đổ bừa” là cúm lợn được. Tổ chức Thú y Thế giới đã chính thức đề nghị gọi cúm H1N1 tại Mexico và Mỹ là cúm Bắc Mỹ chứ không phải là cúm lợn.

Vì sao, ngay từ thời gian đầu, thế giới không gọi cúm tại Mỹ và Mexico là cúm Bắc Mỹ mà lại gọi là cúm lợn?

Tại Việt Nam, Cục Thú y đã rất thận trọng trong cách gọi này và chỉ khẳng định đây là cúm trên người. Còn thế giới chưa gọi là cúm Bắc Mỹ vì đây là virus hoàn toàn mới và cần phải có thời gian để nghiên cứu nó. Vì thế, một số nơi đã tạm gọi là cúm lợn cổ điển.

Thế giới có đồng tình với tên gọi là cúm Bắc Mỹ khi OIE đưa ra không thưa ông?

Nhiều nước trên thế giới phản đối tên gọi là cúm lợn, vì thế, ngay sau khi OIE đề nghị gọi cúm tại Mexico và Mỹ là cúm Bắc Mỹ, đã có  15 nước đồng tình, trong đó có Việt Nam. Vì, nếu gọi là cúm lợn, dư luận và người dân chỉ quan tâm đến cúm trên lợn, mà không quam tâm đến cúm trên người, trong khi trên thế giới, cúm lại đang xảy ra trên người, làm hàng trăm người chết chứ không phải trên lợn. Như vậy là rất nguy hiểm, làm cho người chăn nuôi lợn, tiêu dùng sản phẩm từ lợn bị ảnh hưởng, sản xuất đình trệ. Trong khi đó, người dân lại mất cảnh giác với khả năng phòng tránh cho mình.

Như vậy, người dân phải được hiểu đây là cúm người, hay là cúm Bắc Mỹ, chứ không phải là cúm lợn?

Trong ngày hôm nay, Bộ NN-PTNT sẽ có công văn chính thức đề nghị các cơ quan truyền thông và địa phương gọi cúm tại Mexico và Mỹ là cúm Bắc Mỹ, chứ không phải cúm lợn. 

Vẫn phải cảnh giác cao độ với đàn lợn

Rõ ràng cúm tại Mexico và Mỹ là cúm người, nhưng chúng ta vẫn không mất cảnh giác với đàn lợn?

Chúng ta hoàn toàn không mất cảnh giác. Bộ NN-PTNT nhận định nguy cơ cúm lợn xuất hiện tại Việt Nam là vẫn rất cao. Vì vậy, Cục Thú y vẫn đang chỉ đạo ráo riết thực hiện các biệp pháp phòng tránh đối với đàn lợn. Cách phòng tránh này được thực hiện bằng những kiến thức phòng tránh đối với cúm lợn cổ điển đã từng xảy ra trên thế giới trong lịch sử. Chúng tôi yêu cầu các địa phương, hệ thống thú y và người chăn nuôi cứ thực hiện phòng tránh bằng những kiến thức trên đã. Nếu xuất hiện những tình huống mới, như phát hiện cúm H1N1 trên lợn thì sẽ có những hướng dẫn phòng tránh phù hợp sau.

Nguy cơ xuất hiện cúm trên lợn ở nước ta đến từ nhiều phía, nhưng lo ngại nhất vẫn là từ nhập khẩu thịt lợn từ châu Mỹ thưa ông?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ khẳng định tại công văn mới nhất gửi các nước nhập khẩu lợn và sản phẩm lợn của Mỹ: Đến thời điểm này Mỹ vẫn chưa phân lập, hay chưa phát hiện được trên lợn của họ có virus H1N1. Lợn sản xuất tại Mỹ vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức Thú y thế giới OIE và Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng khẳng định như vậy.

Ở nước ta, những vùng nào là vùng nguy cơ cao cần cảnh giác cao độ nhất?

Nguy cơ cao nhất đến từ việc nhập khẩu lợn và sản phẩm thịt lợn. Tuy nhiên, chúng ta không lo ngại từ việc nhập khẩu chính ngạch, vì nhập khẩu chính ngạch của chúng ta chỉ có từ Mỹ và Canada, Mexico không có. Từ tháng 12/2008 đến nay chúng ta cũng nhập không nhiều và việc nhập này được kiểm soát rất khắt khe. Vấn đề lo ngại nhất là từ nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn từ tiêu ngạch, vì hầu như chúng ta không kiểm soát được. Đây chính là vùng có nguy cơ cao nhất.

Chúng ta đã có những biện pháp nào đối với nguy cơ này?

Hiện, chúng tôi đã báo động hệ thống thú y tại những khu vực này ở cấp độ cao nhất. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào tình hình dịch tại các nước láng giềng. Hiện, chúng tôi đang theo dõi chặt diễn biến dịch tại các nước làng giềng. Nếu dịch xảy ra tại các nước láng giềng, dứt khoát người dân sẽ bán chạy lợn và khi đó, lợn nhập khẩu qua con đường tiểu ngạch sẽ tăng lên và nguy cơ dịch vào nước ta là rất cao. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch cho tình huống xấu nhất này.

Hệ thống thú y cả nước và người chăn nuôi cần phải làm gì lúc này?

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để nhân dân, người chăn nuôi hiểu đúng về cúm H1N1 ở Mexico và Mỹ, rằng đây là cúm người, chỉ lây từ người sang người chứ không phải cúm lợn. Thứ hai là hướng dẫn người dân sử dụng thịt lợn và chăn nuôi an toàn, tránh bị lây nhiễm từ động vật, từ người.  

WTO khẳng định: Dịch cúm lợn A (H1N1) ở người đã xuất hiện tại 7 tỉnh, thành phố của Mexico, đã ghi nhận có 26 bệnh nhân dương tính với cúm lợn A (H1N1), trong đó có 7 bệnh nhân tử vong. Dịch cũng đã xuất hiện tại 5 bang nước Mỹ, có 40 trường hợp dương tính với cúm lợn A (H1N1), chưa có bệnh nhân tử vong. Đây là dịch bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng, cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo dịch cúm lợn A (H1N1) tại Mexico và Mỹ có nguy cơ lan rộng toàn cầu.

Các địa phương phải quan tâm chỉ đạo thú y cơ sở, hướng dẫn người chăn nuôi cách phòng tránh, mà quan trọng nhất là phải giám sát dịch bệnh chặt chẽ. Khi có dấu hiệu bất thường trên đàn lợn phải cho lấy mẫu đi xét nghiệm ngay. Trong trường hợp hệ thống xét nghiệm trong nước không phân tích được, chúng tôi sẽ ngay lập tức gửi ra nước ngoài. Thú y cơ sở phải cảnh giác cao độ, và là nòng cốt trong việc phát hiện sớm dịch. Chúng tôi đang trang bị cho hệ thống thú y các thiết bị tối thiểu đã phòng dịch, đồng thời đề nghị cấp cho thú y một cơ số thuốc Taminflu.

Nếu tình huóng xấu nhất xảy ra, là xuất hiện cúm H1N1 trên lợn, chúng ta sẽ phải làm gì?

Nếu xảy ra dịch H1N1 trên lợn, chúng ta sẽ phải đối đầu với một loại dịch cực kỳ nguy hiểm và khả năng chống đỡ là rất khó khăn do chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu trong khu dân cư, người thường xuyên tiếp xúc với lợn nên khả năng lây sang người là rất cao. Vì vậy, để tranh phải đối đầu trực tiếp với dịch, quan trọng nhất là chúng ta thực hiện thật tốt việc giám sát dịch, cảnh giác tối đa bằng các biện pháp phòng tránh.

Chúng tôi đã tính đến tình huống xấu nhất này, vì thế, các đội cơ động phòng chống dịch CGC, LMLM đã được hoạt động trở lại sẵn sàng đối phó khi dịch xảy ra. Chúng ta có kinh nghiệm trong việc phòng chống các loại dịch trước đây, cơ số thiết bị, thuốc khử trùng cũng tốt, vì vậy chỉ cần phát hiện nhanh khả năng khoanh vùng, tiêu diệt gọn sẽ cao hơn. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát:

Có văn bản chỉ đạo chính quyền, cấp ủy đảng các cấp và các ngành chức năng của địa phương về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Chỉ đạo cơ quan thú y tổ chức giám sát, đề phòng xảy ra bệnh cúm A H1N1 trên đàn lợn, phát hiện kịp thời những ca gây nhiễm đầu tiên; xử lý theo hướng dẫn của Cục Thú y. Tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, chú trọng tới chiến dịch tiêm phòng vắc xin nhằm đạt được sự ủng hộ của người dân trong việc tự giác áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; đồng thời phổ biến để nhân dân biết, đề phòng đối với bệnh A H1N1 không gây hoang mang. Đề nghị các Bộ, ngành thành viên BCĐ quốc gia có văn bản chỉ đạo hệ thống cơ quan chức năng từ TƯ tới địa phương triển khai các hoạt động phòng chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.  

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Chủ động phòng ngừa dịch cúm A H1N1 

Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch cúm lợn A H1N1 tại nhiều nước trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa .

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế - Trưởng BCĐ quốc gia phòng, chống dịch cúm ở người tiếp tục chỉ đạo việc giám sát tình hình diễn biến của dịch, kịp thời đề ra các phương án xử lý thích hợp để ứng phó hiệu quả với các cấp độ phát triển của dịch. Tăng cường hoạt động của BCĐ quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người ở TƯ và địa phương. 

10 người Việt về từ Mexico

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho hay, trước khi có thông báo của WHO về tình hình cúm tại Mexico và Mỹ, khi chúng ta chưa thực hiện tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu, đã có vài trăm người Việt từ Mỹ và 10 người từ Mexico về nước mà không được kiểm tra thân nhiệt trước khi nhập cảnh. Đây là vấn đề đáng lo ngại  vì trong  số người này không biết có người bị nhiễm virus H1N1 hay không. Bộ Công an sẽ phải vào cuộc tìm hiểu để ngành y tế có cơ sở giám sát, theo dõi chặt chẽ số người này.

Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo:

  • Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khẩu trang, khăn tay hoặc tay áo
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân. Rửa tay thường xuyên với xà phòng và tránh chạm tay vào mặt.
  • Tránh xa những người bị bệnh.
  • Ở trong nhà nếu bạn không khỏe.
  • Đi khám nếu bạn sốt, ho, đau họng, đau người, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi
  • Dùng Thịt lợn an toàn bằng cách chế biến đúng cách và nấu kỹ.

Nếu ai đã tới vùng dịch (Mexico, Mỹ) trong vòng 7 ngày vừa qua: cần theo dõi sức khỏe bản thân. Nếu bạn có triệu chứng, cần phải đi khám. Thông báo cho cơ sở y tế biết gần đây bạn đã tới khu vực được báo cáo có cúm lợn.

WHO chưa khuyến cáo tầm soát biên giới (ví dụ kiểm soát ra/vào) tại thời điểm này. Hạn chế đi lại tới các quốc gia hiện đang xảy ra cúm lợn ở người (Mexico và Mỹ) tại thời điểm này.

Tăng cường kiểm soát dịch ngay tại các cửa khẩu

Thủ tướng yêu cầu cần áp dụng các biện pháp cần thiết để kiểm soát người và hàng hóa đến từ các nước đã có dịch để phát hiện dịch ngay tại các cửa khẩu (bao gồm cả việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khai báo bắt buộc về y tế). Phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, kịp thời cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan. Chuẩn bị phương án sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân khi phát hiện trường hợp lây nhiễm.

Đồng tời, phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới WHO để kịp thời cập nhật thông tin chính xác về tình hình dịch để thường xuyên cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và toàn thể nhân dân biết rõ về dịch bệnh, về biểu hiện bệnh, về các đường lây truyền và cách phòng tránh để người dân hiểu đúng và làm theo. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo tình hình dịch lên Thủ tướng Chính phủ theo quy định. 

Không làm người dân hoang mang, ảnh hưởng tới chăn nuôi

Thủ tướng chỉ thị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các thành viên BQG gia phòng, chống đại dịch cúm ở người để chỉ đạo các cấp, các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện nghiêm các hướng dẫn chuyên môn của BCĐ quốc gia và Bộ Y tế về phòng, chống dịch cúm lợn. Đồng thời, chỉ đạo trực tiếp việc tuyên truyền, phổ biến đến từng người dân về sự nguy hiểm của dịch để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh; không làm người dân hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng tới sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nhu cầu sử dụng thực phẩm thường xuyên của xã hội. Phân công lãnh đạo và đơn vị thường trực phòng, chống dịch trực 24/24 giờ, nhất là trong những ngày nghỉ Lễ sắp tới để kịp thời thu thập, tiếp nhận thông tin và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch theo yêu cầu. 

Gấp rút triển khai biện pháp phòng chống dịch

Thủ tướng chỉ thị, trước mắt, Bộ Y tế đã chuẩn bị 1.000 máy thở cấp cứu, 34 bộ xét nghiệm nhanh, hàng trăm nghìn gói thuốc khử trùng tiêu độc môi trường, chỉ đạo các Trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh, thành phố kiểm tra thường xuyên, đề xuất biện pháp ngăn chặn không để dịch cúm lợn A H1N1 lây lan vào nước ta.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị đặc biệt coi trọng công tác rà soát cơ sở vật chất, khu vực cách ly, bảo đảm đầy đủ vật tư, hoá chất, thuốc, trang thiết bị y tế, nhân lực bảo đảm sẵn sàng phòng chống dịch, tiếp nhận, cách ly điều trị bệnh nhân và sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới, xử lý kịp thời các trường hợp, không để bùng phát dịch.

Xem thêm
5 nguyên nhân phổ biến gây ung thư vú

Nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh ung thư vú là sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng gia tăng xác suất mắc ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Top các loại trà hoa thảo dược có lợi cho sắc đẹp và sức khỏe

Trà hoa thảo dược ngày càng được ưa chuộng nhờ hương vị độc đáo và những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Vậy loại trà thảo mộc nào giúp làm đẹp da?

Bình luận mới nhất