Gian hàng triển lãm của Công ty TNHH Bayer Việt Nam tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 diễn ra từ ngày 11 - 14/12 tại thành phố Vị Thanh, Hậu Giang nổi bật với dòng chữ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Bayer Forward Farming.
Đây là điều đặc biệt bởi mới đây Bayer Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng một số đơn vị đã ra mắt Mô hình “Nông nghiệp bền vững - Hướng tới tương lai” hay còn gọi là Bayer Forward Farming.
Ông Nguyễn Trường Vương, Giám đốc phát triển quan hệ đối tác của Công ty TNHH Bayer Việt Nam giới thiệu, ở Mô hình “Nông nghiệp bền vững - Hướng tới tương lai”, Bayer Việt Nam không đi một mình mà áp dụng giải pháp Much More Rice - Bội thu cây lúa trên đồng ruộng.
Đồng thời, kết hợp với các đối tác, gồm: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức và giải pháp canh tác cây lúa bền vững, thông minh cho bà con nông dân; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn - Kim Hồng sử dụng máy móc, thiết bị gieo sạ (sạ theo hàng, sạ theo cụm) để tiết giảm hạt giống sử dụng, từ 150 - 180kg/ha xuống chỉ còn 60 kg/ha và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cung cấp giải pháp bón phân tối ưu cho cây lúa nhưng vẫn đảm bảo năng suất cao nhất.
“Trong chương trình hợp tác này, vụ đầu tiên triển khai là vụ xuân hè năm 2023 đã cho thấy năng suất tăng tới 13%, lợi nhuận đạt 46% và tiết kiệm một cách hiệu quả lượng lúa giống, phân bón và thuốc trừ sâu. Mục tiêu cốt lõi là giúp tăng thu nhập và giảm chi phí sản xuất cho người nông dân”, ông Vương nhấn mạnh.
Được biết, Mô hình “Nông nghiệp bền vững - Hướng tới tương lai” hiện đã triển khai được 15 mô hình hợp tác tại 3 tỉnh là Kiên Giang, An Giang và Sóc Trăng. Kế hoạch vụ đông xuân 2024 Bayer tiếp tục triển khai cùng 3 đối tác chính này với mục tiêu tập huấn cho hơn 3.000 nông dân, 200 cán bộ khuyến nông, vẫn sẽ triển khai tại An Giang, Kiên Giang và mở rộng tại Hậu Giang, Cần Thơ.
Khó khăn lớn nhất mà Bayer phải đối mặt khi thực hiện Mô hình “Nông nghiệp bền vững - Hướng tới tương lai” chính là một số thói quen chưa thay đổi của bà con nông dân như: Sử dụng lượng giống rất nhiều; chưa áp dụng mô hình tưới ướt khô xen kẽ.
Mô hình này không chỉ tiết kiệm được lượng nước, mà còn giúp nông dân giảm được nhiều chi phí khác, từ đó tăng thêm thu nhập… Ngoài ra, còn là vấn đề áp dụng cơ giới hóa máy móc chưa được như kỳ vọng.
Tuy nhiên, ông Vương vẫn tự tin rằng, Mô hình “Nông nghiệp bền vững - Hướng tới tương lai” của Bayer đang đi rất đúng hướng về nông nghiệp bền vững của Việt Nam và thế giới.
Mô hình này lại đúng thời điểm Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Hơn nữa, mô hình còn nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài.
"Đây là những yếu tố thuận lợi và vô cùng quan trọng để Bayer Việt Nam nhân rộng mô hình trong thời gian tới, nhằm đạt được hiệu quả lớn hơn, rộng khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và góp phần thực hiện mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải mà Chính phủ đã đặt ra", ông Vương nói thêm.