Sáng kiến giúp tăng thu nhập cho nông dân
Sự kiện thu hút hàng trăm đại biểu tham dự gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nông dân... từ các tỉnh lân cận đến tham quan. Đa số nông dân đều khen ngợi ruộng lúa của ông Hùng bởi gần thu hoạch vẫn giữ được màu xanh lá đòng, cây cứng, ít đổ ngã, bông dài, hạt mẩy. Đặc biệt, nhờ Công ty Bayer Việt Nam và đối tác chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến giúp nông dân giảm khoảng 50% lượng phân bón, thuốc trừ sâu so với cách làm truyền thống.
Nông dân Dương Văn Siêu sau khi tham quan mô hình đã quyết định sẽ tham gia mô hình canh tác lúa bền vững vào vụ tới. Ông Siêu nói: "Tôi ưng bụng nhất ở mô hình là giúp nông dân tiết kiệm một cách hiệu quả lượng lúa giống, phân bón và thuốc trừ sâu. Với người trồng lúa như tôi, những yếu tố trên quyết định hơn 70% thành công của mùa vụ".
Bà Đào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng sau khi trực tiếp lội ruộng cùng bà con nông dân tham quan Forward Farm đánh giá: Mô hình này đặc biệt ở chỗ giúp nông dân quản lý dịch hại và kiểm soát lượng thuốc bảo vệ thực vật một cách hiệu quả, đồng thời khi xuất khẩu gạo, người trồng lúa không còn phải lo lắng về dư lượng thuốc như trước đây. Bà Hè cũng chia sẻ về mối quan hệ đối tác với Công ty Bayer Việt Nam và cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ để cùng nhau xây dựng tương lai bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Thông qua việc tham gia chương trình Forward Farming, Công ty Bayer cùng các đối tác như Công ty Phân bón Bình Điền và Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng đã giới thiệu những giải pháp canh tác tiên tiến nhất của từng đơn vị đến người trồng lúa. Mục tiêu cốt lõi là giúp tăng thu nhập và giảm chi phí sản xuất cho nhà nông.
Góp phần tăng trưởng bền vững ĐBSCL
Ông Chu Việt Hà, Giám đốc nhánh Khoa học cây trồng của Công ty Bayer Việt Nam cho biết: Có nhiều yếu tố tạo nên sự thành công của dự án Forward Farming. Đầu tiên là sự chia sẻ tầm nhìn hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững của các bên, cụ thể là Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng như các doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài.
Kế tiếp là sự hợp tác của các đơn vị, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp, cụ thể là sự phối hợp của Bayer, Công ty Bình Điền và Công ty Sài Gòn Kim Hồng.
Yếu tố thứ ba là thông qua hệ thống khuyến nông, với thời gian rất ngắn, Công ty Bayer và đối tác đã tập huấn được trên 2.000 nhà nông học hỏi kinh nghiệm từ mô hình này để áp dụng cho cánh đồng của mình.
Hướng đến lâu dài, việc tham gia của hệ thống khuyến nông cơ sở (hệ thống khuyến nông cộng đồng) sẽ là yếu tố quan trọng để Công ty Bayer Việt Nam nhân rộng mô hình này nhằm đạt được hiệu quả lớn hơn, rộng khắp khu vực ĐBSCL.
Trong lễ ra mắt mô hình, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị đối tác.
"Riêng dự án Forward Farming, chúng tôi đặt mục tiêu tiếp cận hơn 100 nghìn nhà nông để đào tạo cho bà con kiến thức và thực hành nông nghiệp bền vững thông qua mạng lưới khuyến nông trên cả hai nền tảng đào tạo trực tiếp và chia sẻ trực tuyến. Những nỗ lực này sẽ góp phần quan trọng vào chiến lược của Bộ NN-PTNT trong việc phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và thúc đẩy tăng trưởng bền vững khu vực ĐBSCL.