| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên

Củng cố đê kè, sẵn sàng vật tư phòng chống lụt bão

Thứ Ba 04/06/2024 , 06:15 (GMT+7)

Nhiều loại hình thiên tai với diễn biến bất thường, xảy ra không theo quy luật và ngày càng cực đoan đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản cho người dân Thái Nguyên.

Người dân xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ khắc phục hậu quả do mưa dông. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người dân xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ khắc phục hậu quả do mưa dông. Ảnh: Phạm Hiếu.

nh hưởng lớn từ hoàn lưu bão

Những năm gần đây, các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Điền hình như năm 2018, mưa lớn, gió lốc làm 1 người thiệt mạng, 3 người bị thương. Năm 2022, mưa lớn gây ngập úng, sạt lở, ước tính thiệt hại trên 16 tỷ đồng. Gần đây nhất, năm 2023, mưa lốc đã gây tốc mái hơn 600 nhà dân và ngập úng, sạt lở, thiệt hại ước tính khoảng 9,5 tỷ đồng.

Nhiều khu vực trọng điểm có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai khác nhau được huyện Đại Từ xác định gồm lũ ống, lũ quét thường xảy ra ven chân dãy núi Tam Đảo, dưới chân núi Hồng, núi Chúa thuộc địa bàn thị trấn Quân Chu và các xã Cát Nê, Văn Yên, Mỹ Yên, Hoàng Nông, La Bằng, Ký Phú.

Tình trạng sạt lở đất thường xảy ra ở các xã Na Mao, Tân Thái, Hà Thượng, Phục Linh, Tân Linh. Tình trạng ngập úng do nước hồ Núi Cốc dâng cao ở các xã Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, thị trấn Hùng Sơn. Một số vùng trọng điểm thường xảy ra sụt lún đất tại các xã Yên Lãng, Lục Ba, Ký Phú, Phục Linh…

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, mặc dù huyện Đại Từ ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các cơn bão nhưng địa phương lại bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão, gây ra mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, kèm theo ngập úng ở vùng trũng thấp.

Do đó, ngay từ đầu năm, huyện Đại Từ đã xây dựng phương án chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện. Tương ứng với từng loại hình thiên tai, huyện Đại Từ đã xây dựng các tình huống giả định phù hợp với thực tế để các xã, thị trấn không bị động trước tình huống có thể xảy ra. Các xã, thị trấn cũng xây dựng phương án ứng phó tại từng vị trí dễ xảy ra thiên tai.

Lực lượng dân quân xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lực lượng dân quân xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, tùy theo cấp độ ảnh hưởng của thiên tai, huyện sẽ có phương án huy động lực lượng, phương tiện để chủ động ứng phó và khắc phục. Trước mùa mưa bão năm 2024, địa phương đã chuẩn bị được 2.000 bao tải; 160 cuốc bàn, xè beng, xẻng và cuốc chim; 70 kg dây thừng; 300 áo phao và phao tròn; 400 rọ thép; xuồng máy… đảm bảo yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh lực lượng, phương tiện cơ động, huyện Đại Từ cũng phối hợp với lực lượng vũ trang, các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn sẵn sàng huy động cán bộ, chiến sĩ, phương tiện tham gia cứu hộ cứu nạn, sẵn sàng ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan.

“Cùng với chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai của chính quyền và lực lượng chức năng, người dân cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai và nghiêm chỉnh chấp hành những hướng dẫn, cảnh báo. Song song với đó, cần chủ động nâng cao nhận thức trong công tác quản lý rủi ro thiên tai, kịp thời ứng phó với mức độ thiên tai ở cấp độ mạnh, siêu mạnh, bất thường, cực đoan…”, lãnh đạo UBND huyện Đại Từ khuyến cáo.

Chủ động ứng phó với đa loại hình thiên tai

Trong năm 2023, tại tỉnh Thái Nguyên xảy ra 11 đợt thiên tai gồm mưa lớn, lốc, sét, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất… qua đó đã làm 3 người chết và thiệt hại về tài sản ước khoảng 24,3 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 đợt thiên tai làm 2 người bị thương và thiệt hại về tài sản ước tính trên 20 tỷ đồng.

Các địa phương kiểm tra, rà soát vật tư để sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

Các địa phương kiểm tra, rà soát vật tư để sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

Là địa phương miền núi đặc thù của tỉnh Thái Nguyên, huyện Định Hóa thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, trong đó, tình trạng sạt lở đất là một trong những mối nguy lớn cho người dân. Theo ông Mông Đình Tinh, Trưởng Phòng NN-PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Định Hoá, cùng với việc chủ động xây dựng phương án về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, huyện đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền và cảnh báo về thiên tai.

“Huyện Định Hóa đã tăng cường phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là tại những khu vực xung yếu, thường xuyên xảy ra mưa lũ, nguy cơ sạt lở cao tới người dân. Ngoài ra, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao bị sạt lở đất, đá cao”, đại diện huyện Định Hóa cho biết.

Còn tại TP. Phổ Yên, một trong những địa phương có chiều dài đê lớn của tỉnh Thái Nguyên với hơn 32km, thành phố đã chú trọng đến công tác bảo vệ các tuyến đê trước mùa mưa lũ. Ông Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Phổ Yên, cho biết, các ngành chức năng của thành phố và các xã, phường đã tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân nâng cao ý thức bảo vệ đê, kè; xây dựng kế hoạch, tổ chức giải tỏa các hành vi vi phạm. Nhờ đó, đến nay đã chấm dứt tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều để làm nhà, lều quán, lán, bãi tập kết vật liệu xây dựng.

“TP. Phổ Yên thường xuyên kiểm tra, xác định các điểm xung yếu để xây dựng phương án hộ đê trọng điểm. Hệ thống kè, cống và kho bãi chứa vật tư phục phòng chống lụt bão thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng và bổ sung kịp thời”, ông Hiến cho hay.

Công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gia qua đã có những chuyển biến tích cực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gia qua đã có những chuyển biến tích cực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo đánh giá, công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gia qua đã có những chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm kê trang thiết bị phòng thủ dân sự, ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đơn vị cũng kiểm tra, đánh giá các công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai; việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” tại các địa phương…

Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, qua kiểm tra, các địa phương đã quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ trang thiết bị phòng thủ dân sự, ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định, đảm bảo sẵn sàng huy động khi có yêu cầu.

“Đặc biệt, công tác chuẩn bị ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" được triển khai toàn diện, chủ động. Các địa phương cũng đã khắc phục, sửa chữa kịp thời những hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn các công trình đê điều và phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai…”, ông Nguyễn Văn Bắc đánh giá.

Theo ông Dương Văn Hinh, Chủ tịch UBND thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, là địa phương nằm dưới chân dãy Tam Đảo, nhiều suối chảy qua và có tới 17 đập dâng, cùng nhiều cầu, cống, ngầm tràn qua suối, mỗi khi mưa lớn, nước ở các suối và đập, cầu, ngầm tràn dâng cao, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

“Do đó, chính quyền địa phương đã xây dựng phương án bảo vệ an toàn về người và tài sản cho người dân, đặc biệt là các hộ ở vùng xung yếu gồm các tổ dân phố Tân Lập, Đền, 9, Thống Nhất, Tân Yên, Tân Vinh. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức tuần tra, cử lực lượng căng dây, cắm biển cảnh báo và lập chốt chặn ở các cầu, ngầm tràn khi có mưa lớn. Bên cạnh đó, thị trấn cũng chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, các loại vật tư, phương tiện đảm bảo việc phòng chống thiên tai”, ông Dương Văn Hinh thông tin.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.