Biến đổi khí hậu là thách thức lớn
Ngày 26/8, tại Ninh Thuận, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận tổ chức tọa đàm giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.
Đây là chương trình nằm trong đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030 (nay gọi là Đề án 553) do Bộ NN-PTNT chủ trì. Đề án là khung pháp lý và tạo ra sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương cùng các tổ chức trong và ngoài nước cùng góp sức thực hiện.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, những năm gần đây, thiên tai ở nước ta xảy ra liên tiếp và mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Đặc biệt, thiên tai đã xảy ra nhiều hơn tại các vùng miền trước đây ít khi xảy ra, trong đó có khu vực Nam Trung bộ, gây ra nhiều thiệt hại cả về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Nguyễn Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho hay, Ninh Thuận là tỉnh có khí hậu khô hạn với số giờ nắng trên 2.700 giờ/năm, trong khi lượng mưa chỉ 700 - 800mm/năm, hạn hán thường xuyên xảy ra. Năm 2015 và 2016, Ninh Thuận đã xảy ra hạn hán rất khốc liệt kéo dài trên diện rộng, gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất; gia súc chết do thiếu thức ăn, nước uống; nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại, một số diện tích phải dừng sản xuất, người dân không sản xuất bị thiếu đói..., tổng thiệt hại trên cây trồng, vật nuôi do hạn hán ước tính hơn 329 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số và phát triển nhanh về kinh tế xã hội cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, sự phát triển của cơ sở hạ tầng, sự khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên trong những năm qua tiếp tục làm gia tăng các rủi ro thiên tai. Vì vậy, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này, không chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng, vào chính quyền địa phương mà mỗi người dân cần nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng để phòng chống thiên tai tại chỗ một cách hiệu quả. Chính người dân là người hiểu rõ về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thiên tai ở nơi mình sinh sống, sẽ tận dụng kinh nghiệm và kiến thức đã tích lũy được để góp phần giảm nhẹ tổn thất do thiên tai gây ra.
Tìm giải pháp sản xuất thích ứng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Nâng cao nhận thức cộng đồng là hình thức đầu tư phi công trình có chi phí không lớn nhưng mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống thiên tai. Chính vì vậy, công tác này cần được thực hiện thường xuyên và xuyên suốt trong quá trình phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng, nâng cao nhận thức cộng đồng trên cả nước nói chung và khu vực Nam Trung Bộ nói riêng trong phòng, chống thiên tai sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hạn đến mức thấp nhất.
Tại tọa đàm, một số giải pháp về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai được đưa ra, bao gồm:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và vai trò các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là những người đứng đầu như trưởng thôn, ấp, bản, khu dân cư trong phòng, chống thiên tai; chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và huy động tối đa các nguồn lực tại chỗ để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.
Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động xây dựng, bảo vệ công trình, cơ sở vật chất của mình và tổ chức sản xuất, kinh doanh đảm bảo không bị gián đoạn khi có thiên tai xảy ra. Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đồng hành với chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động khi tạm dừng sản xuất do thiên tai gây ra.
Thứ ba, các đơn vị giáo dục, đào tạo, tập huấn chuyên môn, kiến thức đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức đối với tất cả các cấp và người dân, chuyển từ tập trung ứng phó sang chủ động phòng ngừa và quản lý rủi ro thiên tai. Đây cũng là nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về Khuyến nông trong việc hướng dẫn, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống Khuyến nông cơ sở.
Thứ tư, cải tiến nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng giai đoạn phòng chống thiên tai, phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng nhóm cộng đồng, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương; giáo dục, tập huấn, đào tạo, giúp cộng đồng hiểu biết về vai trò, ý nghĩa của công tác phòng ngừa trong giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trước thiên tai.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp, HTX và nông dân đã trao đổi với các chuyên gia về các loại hình thiên tai, các biện pháp phòng tránh. Từ đó, có giải pháp nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở, cán bộ viên chức ngành nông nghiệp và người dân vùng thưởng xuyên chịu tác động của thiên tai.
Đồng thời, xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân nhằm góp phần thực hiện tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tải sản và môi trường do thiên tai.
Ngoài ra, các chuyên gia còn đề xuất các giải pháp, định hướng phát triển các mô hình sản nông nghiệp hiệu quả, thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai cho bà con nông dân.
Tại tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ chỉ đạo hệ thống khuyến nông các tỉnh, trong đó có Ninh Thuận tập hợp những công nghệ, những giải pháp có khả năng giúp cho sản xuất vừa thích ứng, vừa né tránh với các loại hình thiên tai.
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đề nghị thời gian tới, trung tâm khuyến nông các tỉnh tích cực hơn nữa trong việc chuyển giao công nghệ, luôn đặt vấn để ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo sinh kế cho bà con, đặc biệt là những vùng có nguy cơ cao để tạo ra những giải pháp an sinh xã hội, tạo sinh kế cho đồng bào khó khăn.