Theo đó, đã có hơn 67 triệu cử tri (chiếm 99,35%) đi bỏ phiếu bầu ra 496 ĐBQH trong tổng số 870 người ứng cử.
15g ngày 9/6, Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức họp báo công bố kết quả trên. Đánh giá chung về cuộc bầu cử lần này, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn và diễn ra thành công tốt đẹp.
Nhấn mạnh về điều này, ông Hiển nói: Thành công của cuộc bầu cử thể hiện tinh thần yêu nước, sự tin tưởng của nhân dân vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Ý nghĩa đó càng khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, kết quả bầu cử đã đảm bảo mục tiêu kế hoạch đề ra; thành phần, cơ cấu đại biểu cơ bản phù hợp với dự kiến, phản ánh tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân. Tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, trình độ trên đại học cao hơn so với nhiệm kỳ trước, chất lượng đại biểu nâng lên…
“Chúng ta kỳ vọng đây sẽ là nền tảng góp phần xây dựng cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân tộc có đầy đủ năng lực hoạt động với chất lượng hiệu quả hơn”, ông Hiển tin tưởng.
Tại cuộc họp báo, sau khi nghe ông Trần Văn Túy, Trưởng ban công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia (HĐBCQG) công bố toàn văn Nghị quyết công bố kết quả bầu cử, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước đã nêu nhiều câu hỏi xung quanh những cuộc bầu cử.
Tại TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trúng cử với tỷ lệ 86,47%. Tại TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trúng cử với tỷ lệ 75,08%. Tại TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trúng cử với tỷ lệ 99,48%. Tại TP Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trúng cử với tỷ lệ 91,46%. |
Trả lời câu hỏi về tình trạng bầu thay của cử tri, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên HĐBCQG, Trưởng tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo khẳng định, vấn đề này là vi phạm pháp luật. Qua kiểm tra có nhiều đơn thư nặc danh. Số đơn thư đủ cơ sở xử lý đều được tiến hành giải quyết.
“Có trường hợp, một gia đình 6 người nhưng chỉ 1 người đi bỏ phiếu vì lý do những người khác đi làm ăn xa. Chúng tôi thấy, do nhận thức của cử tri đó chưa được thấu đáo và đặc biệt chừng ấy phiếu cử tri đã không làm ảnh hưởng đến tổng thể kết quả bầu cử nên HĐBCQG giao Ủy ban bầu cử địa phương đó chấn chỉnh và không phải bầu lại tại địa điểm này. Song có 1 địa điểm đã xảy ra nghiêm trọng thì chúng tôi quyết định hủy ngay kết quả bầu cử”, ông Hiển cho biết.
Về sự việc này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, Chánh Văn phòng HĐBCQG gia cung cấp thêm: Vụ việc đó xảy ra tại tổ bầu cử số 2, xã An Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang). Hiện các cơ quan chức năng đang tích cực điều tra để làm rõ.
Việc 96% đại biểu trúng cử là đảng viên, trong đó có 100 đại biểu là Ủy viên Trung ương Đảng, bình luận về điều này, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, đây là lựa chọn của cử tri.
Còn cơ cấu, thành phần thì đều được các cơ quan chức năng dự kiến đảm bảo đúng quy định, chặt chẽ. Đối với các đồng chí là Ủy viên Trung ương thì thực tế các ứng cử viên đều nắm giữ các vị trí chủ chốt ở cơ quan Trung ương và địa phương do đó cũng phản ánh được thành phần, dự kiến là đảm bảo.
Đối với 15 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử, ông Trần Văn Túy, lý giải, điều đó phần nào có ảnh hưởng đến kế hoạch dự kiến số ĐBQH chuyên trách trong nhiệm kỳ này của Quốc hội (có 9 người dự kiến ĐBQH chuyên trách). Còn 6 người do MTTQ giới thiệu chỉ để đảm bảo cơ cấu thành phần.
Tại cuộc họp báo, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, Phó Chánh Văn phòng HĐBCQG gửi lời cảm ơn đến đội ngũ phóng viên, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước đã tích cực tuyên truyền một cách có hiệu quả về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Theo ông Tuấn đã có 5.000 tin, bài được viết về cuộc bầu cử phản ánh toàn diện chuỗi sự kiện quan trọng này của đất nước.
Theo dự kiên, Quốc hội Khóa XIV sẽ khai mạc Kỳ họp thứ nhất vào ngày 20/7.
Cả nước đã bầu được 496 ĐBQH (thiếu 4); 3.908 đại biểu HĐND cấp tỉnh (thiếu 8); 25.179 đại biểu HĐND cấp huyện (thiếu 120); 291.273 đại biểu HĐND cấp xã (thiếu 6.026). Các địa phương bầu thiếu ĐBQH gồm Sóc Trăng, Đồng Nai, Lâm Đồng và Sơn La. Quốc hội khóa XIV có 86 đại biểu dân tộc thiểu số; 133 đại biểu nữ; 71 đại biểu dưới 40 tuổi; 317 đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu; có 2 người tự ứng cử trúng cử... Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV giữ kỷ lục về tỉ lệ đại biểu là đảng viên với 95,8% (chỉ có 21 người ngoài Đảng), đồng thời giữ luôn kỷ lục về số ủy viên Trung ương Đảng trúng cử với gần 100 người (trong đó có đủ 19 ủy viên Bộ Chính trị). Báo cáo của HĐBCQG gia khẳng định: Thành công của cuộc bầu cử có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai nghị quyết Đại hội XII của Đảng. |