Tiếng gáy độc đáo của con gà như tiếng cười. Clip: Dương Đình Tường.
"Chàng Trương Chi" của thế giới loài gà
Tôi cũng không phải là ngoại lệ, cứ đứng dầm mình trong cơn mưa phùn bay lất phất, trong cái rét đầu xuân tê tái để dỏng tai lên mà lắng nghe tiếng “ha, ha, ha ha” rất giống tiếng người cười của con gà kỳ ạ đó. Giữa hàng chục con gà tre đẹp như công, như phượng với đầu trích râu, bờm nơm, mỏ vàng chân vàng, cánh che kín ¾ chân mà không quét đất, đuôi đủ ba lớp dài thướt tha, dáng vẻ oai vệ có con giá đến vài ba chục triệu đồng thì con gà cười này có hình dáng, màu sắc quá tầm thường.
Nhác trông như một con gà rừng mới thoát ra từ đại ngàn hơn là gà cảnh được con người thuần hóa, chọn lọc qua nhiều thế hệ theo kiểu tốt lông, đẹp mã. Bởi thế nó giống chàng Trương Chi người thì thậm xấu nhưng tiếng hát thì thậm hay. Gà không phải là người nên nó không hề có cái tự ti về hình thể trước đồng loại mà cứ giương đôi mắt tròn xoe như hạt đậu đen láy, ướt rượt lên nhìn khách tham quan rồi chốc chốc lại vươn dài cái cần cổ, khoe chất giọng vang rền.
Anh Lê Đức Thắng, thành viên của CLB gà cảnh Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ cho biết, khác với giống gà cảnh đang được nuôi phổ biến hiện nay là gà tre Tân Châu có xuất xứ từ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang thì con "gà cười" này không gây chú ý ở bộ lông đẹp mà ở tiếng gáy đặc biệt: “Chưa có một con gà nào có tiếng gáy ngân vang, dài được như nó. Bình thường gà gáy chỉ có bốn tiếng “ò, ó, o, o” nhưng con gà cười còn ngân ra thành tám, chín tiếng mà bốn tiếng sau giống như tiếng cười của con người “ha, ha, ha, ha”, rất sảng khoái. Tiếng cười này được cho là sẽ mang lại sự may mắn cho chủ nhân của nó”.
![dsc_2839-111923_611.jpg Anh Tạ Quang Trường bên con gà cười. Ảnh: Dương Đình Tường.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/11/dsc_2839-111923_611-095239.jpg)
Anh Tạ Quang Trường bên con gà cười. Ảnh: Dương Đình Tường.
Để gặp được chủ nhân của con gà cười, tôi phải đợi đúng đến ngày 7/2, khi chính thức khai mạc lễ hội hoa sinh vật cảnh Supe Lâm Thao lần thứ nhất Xuân Ất Tỵ 2025. Đó là một chàng trai trẻ và rất xởi lởi có tên là Tạ Quang Trường, nhà ở xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Nghề chính là kinh doanh dược nhưng anh lại có thâm niên hơn 10 năm nuôi gà cảnh (gà tre) và gà chọi với tổng đàn khoảng 200 con trong đó có những con gà chọi đã đoạt được vô số cờ giải nhất tại các hội thi ở các vùng. Sau khi bốc cám bỏ vào các bu cho gà ăn, anh kiểm tra lại máng nước xem còn hay hết rồi không ngần ngại mà bắt từng con gà lên mang ra ngoài cho tôi ngắm, vuốt thỏa thích.
Tham gia lễ hội này, anh mang đến ba con gà quý gồm một con gà tre dòng Tân Châu của tỉnh An Giang lông trắng như tuyết nom rất đỏm dáng; một con gà tre dòng Bắc cộc là giống bản địa của miền Bắc với kích cỡ rất nhỏ chỉ nặng khoảng 300-400 gram, phù hợp với không gian nuôi hạn chế của người chơi tại các đô thị; một con gà cười của Indonesia, mới được nhập khẩu về vài tháng trước.
“Đây là dòng gà độc đáo khi gáy những âm cuối của nó giật giọng giống giọng của người đang cười. Thú thực, nếu tính theo thang điểm của giới chơi gà cười ở nước ngoài thì con gà của tôi mới chỉ đạt cỡ 5/10 điểm thôi. Ở Indonesia có những con gà có giọng cười còn ngân dài hơn, đặc biệt hơn nhiều nhưng người ta sưu tầm để chơi chứ không bán, còn những con bán ra ngoài chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên với tôi mỗi khi được nghe tiếng gà cười thế này đã thấy vui tai lắm rồi”. Anh Trường giải thích.
![dsc_2845-111925_445.jpg Anh Tạ Quang Trường chăm sóc cho con gà cười. Ảnh: Dương Đình Tường.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/11/dsc_2845-111925_445-095239.jpg)
Anh Tạ Quang Trường chăm sóc cho con gà cười. Ảnh: Dương Đình Tường.
Vận chuyển xuyên biên giới qua nhiều quốc gia
Cái duyên để anh sở hữu được con gà cười này là do một lần tình cờ vào mạng youtube nghe thấy giọng gáy hay và lạ nên tìm cách liên hệ với một người Việt ở bên Indonesia để nhờ nhập về một cặp gà cười đủ cả trống lẫn mái với giá mua và cước vận chuyển tổng cộng 12 triệu đồng. Cặp gà sau đó được đóng vào thùng rồi vận chuyển theo đường bộ bằng ô tô khách.
Suốt quá trình xe đi qua nhiều nước trong nhiều ngày ấy, cặp gà được nhân viên nhà xe cho ăn uống đầy đủ, chăm sóc chu đáo. Bởi thế khi về đến Việt Nam cặp gà vẫn khỏe mạnh và đã thích nghi nhanh với điều kiện khí hậu ở vùng đất mới. Thức ăn của cặp gà cười là ngô xay vỡ trộn với cám con cò và nước chúng uống cũng bình thường chứ không cầu kỳ như mọi người tưởng tượng:
“Nhiều dân chơi dùng các loại thuốc bổ để chăm sóc cho gà nhưng tôi có tới hơn 200 con gà không đủ thời gian để chăm sóc cầu kỳ như thế mà cứ để cho chúng ăn uống, phát triển tự nhiên, tự thích nghi với khí hậu. Hơn thế, khi đã lạm dụng thuốc bổ mà sau đó lại không dùng nữa thì con gà sẽ bị nhược. Để giữ được giọng cho con gà cười tôi phải để ý phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp, giữ ấm bằng cách quây kín chuồng trại, tránh gió lùa dễ gây ho hen và ốm yếu. Nếu khỏe mạnh thì một đời của con gà tiếng gáy cũng không thay đổi về giọng”, anh Trường chia sẻ.
![dsc_2846-111932_480.jpg Nhiều khách tò mò xem màn trình diễn của những chú gà. Ảnh: Dương Đình Tường.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/11/dsc_2846-111932_480-095240.jpg)
Nhiều khách tò mò xem màn trình diễn của những chú gà. Ảnh: Dương Đình Tường.
Cứ mươi, mười lăm giây con gà lại vươn cổ, cất cao tiếng cười kiêu hãnh “ha, ha, ha, ha” của mình giữa đám đồng loại chỉ có biết mỗi gáy “ò, ó, o, o”. Chính bởi sở hữu giọng gáy lạ đó mà một số người ở lễ hội đã hỏi mua nhưng anh Trường đều trả lời rằng để chơi, chưa bán nên không ra giá. Cũng theo anh, ở miền Trung, miền Nam thì không rõ nhưng ở miền Bắc thì mình là người tiên phong trong việc nhập và nuôi gà cười và hiện cũng chưa thấy có ai chơi cả.
Bản chất của gà cười là giống gà rừng được bẫy về, chọn lọc, lai tạo mới qua vài đời nên tính tình khá nhút nhát. Bởi thế, anh phải thuần hóa bằng cách ôm ấp, gần gũi thật nhiều để nó có thể dạn dĩ hơn, thấy người mà không hoảng sợ, mà vẫn cất cao tiếng gáy. Cặp gà cười hiện đã chịu phối giống và anh đang hồi hộp đón chờ kết quả ấp 7 trứng của con gà mái xem thế nào. Nếu mà bố mẹ thuần dòng gà cười thì 99% gà con sau này trưởng thành sẽ gáy kiểu tiếng cười như vậy.
Tôi chưa từng nghe loại gà nào gáy nhiều và liên tiếp như thế. Nếu ở trạng thái sung sức thì gà cười có thể gáy vài trăm đến cả ngàn lần mỗi ngày. Ban ngày thì còn thấy vui tai nhưng ban đêm thì quả thật khá phiền. Cũng may là khu chăn nuôi của anh Trường cách nhà hơn 100m nên giấc ngủ của cả gia đình không bị ảnh hưởng bởi tiếng cười “ha, ha, ha, ha” ấy.
Theo Wikipedia: “Gà cười Indonesia (Ayam Ketawa) hay gà thần tài hay gà vua (Ayam Raja) vì chỉ các vị vua Burgis mới được phép nuôi loài gà trống này, chúng là một giống gà có nguồn gốc từ Indonesia. Những chú gà trống đặc biệt này không khác gì gà nhà bình thường, chỉ khi chúng cất tiếng gáy thì các ấy mới nhận ra được sự khác biệt. Thay vì tiếng gáy “ò ó o o o”, những con gà trống Indonesia lại phát ra âm thanh hệt như tiếng người cười”.