| Hotline: 0983.970.780

Trồng lúa giảm phát thải - mô hình đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam

Cuộc cách mạng giống lúa chất lượng cao

Thứ Năm 13/04/2023 , 06:00 (GMT+7)

Các địa phương vùng ĐBSCL đẩy mạnh đưa giống lúa có giá trị kinh tế cao vào canh tác, tạo nền móng vững chắc định vị thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế.

LTS: ĐBSCL là vựa lúa lớn, đóng góp trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, nhưng mặt khác ngành hàng này chiếm tới 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp. Trước thách thức của biến đổi khí hậu và xu hướng phát triển của tiêu dùng thế giới, đã đến lúc Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng buộc phải chuyển đổi sang phương thức canh tác theo mô hình các bon thấp, càng chần chừ lâu, chi phí sẽ càng cao.

Loạt bài này ghi nhận hành trình nỗ lực của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, các địa phương vùng ĐBSCL và Bộ NN-PTNT trong việc chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp sang xu hướng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển bền vững. Tiến đến xây dựng thành công vùng nguyên liệu 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Đặt nền móng cho tăng trưởng xuất khẩu gạo

Nhìn lại bối cảnh sản xuất lúa vùng ĐBSCL những năm 2008 - 2009, khi ấy giống lúa IR50404 được trồng phổ biến. Với đặc tính ngắn ngày, thích nghi rộng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, nhưng năng suất đạt cao, phù hợp cho chế biến, giống lúa IR50404 được bà con nông dân ưa chuộng, có thời điểm giống lúa này làm “lời” cho nông dân trong vùng.

Theo xu thế phát triển của thị trường, trải qua thời gian dài gieo trồng, giống lúa IR50404 đã không còn phù hợp khi giá bán xuống thấp. Tại các địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn ở vùng ĐBSCL như Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang…, cảnh tượng lúa mất giá, chất đống ngoài đồng, khiến chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp đau đầu tìm hướng giải quyết. Ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL quyết tâm định hướng xoay chuyển sản xuất lúa từ xu hướng gạo thường sang gạo cao sản, giá trị kinh tế cao, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Ảnh 1

Nhóm giống lúa chất lượng cao như OM5451, OM18, Đài Thơm 8, ST chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Một “cuộc cách mạng” phát triển giống lúa có giá trị kinh tế cao ở ĐBSCL bắt đầu lan tỏa và nhân rộng mạnh tại các địa phương trong vùng từ sự ra đời của giống lúa OM7347, OM4900, OM6162. TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, các nhóm giống lúa này đã đặt nền móng cho sự phát triển bộ giống lúa có giá trị kinh tế cao ở khu vực ĐBSCL.

Từ đó, một loạt giống lúa chất lượng cao được “trình làng”, nổi bật là giống OM5451. Giống lúa này do Viện Lúa ĐBSCL lai tạo năm 2004 và được Bộ NN-PTNT chính thức công nhận là giống lúa quốc gia vào tháng 12/2011. Với khả năng thích nghi với nhiều vùng đất khác nhau, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt với điều kiện nguồn nước phèn mặn, giống lúa OM5451 nhanh chóng được đón nhận và gieo trồng ở nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Đặc biệt, với ưu điểm nhẹ phân, đẻ nhánh tốt, hạn chế đổ ngã, năng suất tương đối cao, đạt trung bình từ 7 - 9 tấn/ha, hạt cơm dẻo, mềm và tơi xốp giúp OM5451 nhanh chóng trở thành giống lúa chủ lực của vùng.

Theo báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có sự chuyển dịch sang các loại gạo thơm, chất lượng cao. Tính riêng trong năm 2022, thị phần gạo thơm các loại tăng mạnh, trong đó tăng mạnh nhất là OM5451, với số lượng xuất khẩu gần 1,2 triệu tấn, tăng hơn 48% so với cùng kỳ.

Ảnh 3

Sự ra đời của giống lúa OM5451 đã tạo nên cuộc cách mạng, lan tỏa và nhân rộng các giống lúa có giá trị kinh tế cao ở vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, hiện nay các giống lúa OM do Viện Lúa ĐBSCL lai tạo đang được trồng phổ biến và chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu gạo xuất khẩu. Chủ lực là giống OM5451 và OM18 với diện tích gieo trồng hàng năm từ 750.000 - 850.000ha. Chỉ tính riêng hai giống lúa này đã đóng góp khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2018 - 2022, Viện Lúa ĐBSCL đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp trong việc lai tạo và phát triển các giống lúa chất lượng cao cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Từ sự vào cuộc và đầu tư mạnh mẽ cho công tác lai tạo giống lúa chất lượng cao đã giúp ĐBSCL có thêm nhiều giống lúa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và thỏa mãn được thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh OM5451, các giống lúa OM18, Đài thơm 8, nhóm giống ST cũng đang khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường xuất khẩu, với sản lượng xuất khẩu đứng đầu trong các chủng loại gạo và tỷ trọng xuất khẩu gia tăng vượt bậc qua các năm.

Giống lúa Đài thơm 8 của Công ty CP Giống cây trồng miền Nam được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức lưu hành vào tháng 4/2017, chỉ sau một năm được đưa vào gieo trồng cho các vụ lúa ở ĐBSCL, Đài thơm 8 được các địa phương gieo sạ phủ khắp, đặc biệt là ở vùng lúa - tôm bán đảo Cà Mau.

Ông Hồ Quang Cua, chủ nhân của thương hiệu gạo ST24 và ST25 bày tỏ quan điểm, các loại gạo chất lượng cao chiếm tỷ lệ áp đảo trong cơ cấu gạo xuất khẩu hiện nay của Việt Nam như Đài thơm 8, OM 18, OM5451, Jasmin… Đó là một thành tựu rất lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ông Li Guo, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, tại Mỹ có một số chuỗi siêu thị bán buôn lớn, trong năm vừa qua họ có mua 1.000 tấn gạo ST25 của Việt Nam. Ông cũng bày tỏ sự ngạc nhiên và ấn tượng khi trong một chuyến công tác tại Việt Nam, ông được thưởng thức gạo ST25 nhưng nhầm lẫn là gạo Nhật. Điều đó một lần nữa khẳng định, chất lượng gạo Việt có vị thế và nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng.

Ảnh 4

Ông Li Guo, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới đánh giá cao thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam. Ảnh: Văn Vũ.

Nhóm giống lúa có giá trị kinh tế cao chiếm ưu thế trong gieo trồng

Khoảng 20 năm trở lại đây, nhóm giống lúa có giá trị kinh tế cao trở thành chủ lực trong cơ cấu sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL. Điển hình tại tỉnh Kiên Giang, năm 2013, trong 2 vụ lúa chính, tỉnh đã thực hiện gieo sạ trên quy mô 60.000ha các giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như OM4900, OM6976, Jasmine 85… tập trung tại các huyện Hòn Đất, Châu Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao và TP Rạch Giá.

Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập huấn cho bà con nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, bón phân cân đối, tưới tiết kiệm nước… nhằm giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng lúa gạo.

Ảnh 2

Bà con nông dân rất ý thức trong việc tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, thân thiện với môi trường, liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp thu mua để nâng cao giá trị hạt lúa. Ảnh: Văn Vũ.

Trong năm 2023, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, trong cơ cấu giống của tỉnh trong nhiều vụ mùa vừa qua, các giống lúa chất lượng cao được sử dụng lên tới trên 95%. Đặc biệt tỉnh có sự xoay trục lớn về các giống lúa thị trường xuất khẩu đang ưa chuộng và có nhu cầu cao như ST24, ST25 và OM 18.

Bà con nông dân rất ý thức trong việc tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao để các doanh nghiệp tìm đến thu mua. Từ đó tạo đà để diện tích cánh đồng lớn của tỉnh có bước tăng đột biến với trên 20 doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ, trong đó có 3 tập đoàn lớn đã thực hiện ký kết bằng văn bản ghi nhớ, phân kỳ từ năm 2021 - 2025, với gần 25% diện tích sản xuất lúa được liên kết tiêu thụ.

Tại tỉnh An Giang, trong vụ đông xuân 2022 - 2023 vừa qua, địa phương xuống giống khoảng 230.000ha, tập trung vào các giống lúa chất lượng cao làm chủ lực cho thị trường xuất khẩu như Đài Thơm 8, OM5451, OM18, nếp. Địa phương cũng thu hút nhiều doanh nghiệp đến tham gia liên kết với diện tích lên đến trên 147.000ha.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng thay đổi định hướng chiến lược, không tập trung chạy theo sản lượng mà hướng đến nâng cao chất lượng, trong đó tập trung sản xuất xuất các giống lúa chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu thị trường.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ, đến năm 2025, tỉnh duy trì từ 550.000 - 600.000ha gieo sạ lúa. Đồng thời, quy hoạch vùng trồng lúa, nếp tập trung quy mô lớn, phát triển khoảng 100.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao liên kết với doanh nghiệp, phấn đấu từ 70 - 80% diện tích lúa chất lượng cao được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai một số đề án tạo đột phá cho sản xuất lúa gạo, điểm nhấn là Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Với mục tiêu hỗ trợ nông dân, HTX xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu lúa gạo đặc trưng của tỉnh An Giang. Tương lai không xa, trên vùng đất được mệnh danh là “đất chết được hồi sinh” này, sẽ hình thành một chuỗi lúa gạo xanh, bền vững, tuần hoàn, giảm phát thải.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.