| Hotline: 0983.970.780

Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh:

Doanh nghiệp cần vốn dài hạn mở rộng diện tích vùng nguyên liệu

Thứ Bảy 01/04/2023 , 07:09 (GMT+7)

ĐBSCL Tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo nguồn vốn dài hạn để mở rộng liên kết vùng nguyên liệu.

Ngày 31/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị tham vấn ý kiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, doanh nghiệp kinh doanh phân bón, máy móc cơ giới hóa, liên quan đến Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao là thực hiện đúng cam kết với quốc tế về môi trường, góp phần giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao là thực hiện đúng cam kết với quốc tế về môi trường, góp phần giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Anh.

Trải qua nhiều đợt tham vấn ý kiến, đề án nhận được sự đồng thuận cao của các tổ chức quốc tế, các địa phương vùng ĐBSCL. Đề án được các chuyên gia nhận định sẽ góp phần chuyển đổi căn bản hệ thống canh tác lúa ở vùng ĐBSCL, chuyển đổi tư duy sản xuất. Đặc biệt theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), đây là dự án sản xuất lúa giảm phát thải đầu tiên trên thế giới, nếu thành công sẽ là cơ sở để nhân rộng ra các quốc gia khác trên thế giới.

Để biến lợi thế thành kết quả, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các doanh nghiệp, các Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL cần tuân thủ một số nguyên tắc khi tham gia đề án. Đầu tiên là việc sử dụng giống xác nhận một cách đồng loạt, tuân thủ các quy trình canh tác bền vững trên nền tảng dự án VnSAT. Đây là vấn đề cơ bản, bước khởi đầu tạo thuận lợi cho đề án triển khai hiệu quả.

Kế đến là vấn đề xây dựng mối liên kết giữa nông dân với HTX và giữa HTX với doanh nghiệp. Trong đó, HTX được xác định là chủ thể đóng vai trò quan trọng, phải xây dựng được các HTX đủ tiềm lực, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích nông dân tham gia HTX. Thời gian qua, Bộ NN-PTNT liên tục tổ chức các chương trình, hội thảo xoay quay vấn đề nâng cao năng lực cho các HTX. Thứ trưởng đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL cần nâng cao hơn nữa sự quan tâm với các HTX, cùng nhau có trách nhiệm từ cấp trên đến cấp dưới.

HTX là chủ thể quan trọng, các địa phương vùng ĐBSCL cần nâng cao sự quan tâm với các HTX. Ảnh: Kim Anh.

HTX là chủ thể quan trọng, các địa phương vùng ĐBSCL cần nâng cao sự quan tâm với các HTX. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, yếu tố quyết định cho sức cạnh tranh trên thị trường của hạt gạo Việt đó là vùng nguyên liệu. Nếu xây dựng thành công Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL sẽ giảm bớt sự cạnh tranh về vùng nguyên liệu. Và để làm được điều này cần sự tham gia đông đảo của các HTX.

Thứ trưởng Nam nhất quán quan điểm, các chủ thể khi tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, sản xuất lúa giảm phát thải, không chỉ nghĩ đến vấn đề bán được tín chỉ các bon. Quan trọng hơn là thực hiện đúng cam kết với quốc tế về môi trường, góp phần giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) ở khu vực được xem là chịu nhiều ảnh hưởng do BĐKH gây ra như ĐBSCL. Bên đó, thương hiệu gạo sản xuất từ quy trình giảm phát thải sẽ được nâng lên giá trị lên 20%, giảm được chi phí đầu vào, gia tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.

“Kết quả bà con nông dân nhận được từ đề án lớn hơn rất nhiều. Hãy xem vấn đề bán tín chỉ các bon là chuyện nhỏ, các địa phương đừng nghĩ đến việc một tấn bao nhiêu tiền, một héc ta sản xuất tiết giảm bao nhiêu tấn các bon, đó không phải là vấn đề lớn đạt được từ đề án”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Mục tiêu cụ thể của đề án đến năm 2025, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha; giảm 30% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Bên cạnh đó, tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương được chứng nhận là 80%. Hướng đến gia tăng lợi nhuận bình quân cho người trồng lúa trên 35%.

Bộ NN-PTNT khuyến khích các doanh nghiệp tham gia để nâng chất lượng vùng nguyên liệu. Ảnh: Kim Anh.

Bộ NN-PTNT khuyến khích các doanh nghiệp tham gia để nâng chất lượng vùng nguyên liệu. Ảnh: Kim Anh.

Doanh nghiệp, HTX, nông dân là chủ thể chính của Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Bộ NN-PTNT khuyến khích các doanh nghiệp tham gia để nâng chất lượng vùng nguyên liệu.

Với góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cũng cho rằng, HTX là mắc xích giúp cho doanh nghiệp “khỏe” trong nhiều khâu nhất là không phải trực tiếp đến liên kết từng hộ nông dân. Bản thân doanh nghiệp cũng đang rất cần thành lập các HTX. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay doanh nghiệp đang gặp phải là nguồn vốn đầu tư dài hạn.

Nói theo lời ông Bình, để xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu nếu không có vốn thì không thể thực hiện được. Doanh nghiệp hiện không đủ vốn mở rộng vùng liên kết phục vụ thị trường xuất khẩu, mỗi năm lên đến khoảng 200 nghìn tấn gạo. Để đảm bảo sản lượng gạo xuất khẩu, doanh nghiệp cần vài chục nghìn hecta cánh đồng liên kết, thế nhưng thực tế lại chưa thể làm được do không có vốn dài hạn, khó đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khâu chế biến, lưu trữ.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nêu khó khăn về nguồn vốn đầu tư dài hạn. Ảnh: Kim Anh.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nêu khó khăn về nguồn vốn đầu tư dài hạn. Ảnh: Kim Anh.

Ông Bình cho rằng, về cơ chế chính sách hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp đã đủ, thế nhưng việc thực thi lại còn nhiều khó khăn. Đây là vấn đề cần phải được tháo gỡ để hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Đồng quan điểm đó, bà Hồ Thị Tuyết Vân, Giám đốc khối thương mại Công ty Cổ phần nông sản Lộc Trời cho rằng, hiện nay các công ty sản xuất, kinh doanh gạo xuất khẩu chưa tiếp cận được nguồn vốn để thu mua lúa vì ngân hàng chưa chấp nhận giải ngân với hình thức thế chấp bằng lúa. Bên cạnh đó, theo bà Vân tiền vốn đầu tư cho sản xuất 1 triệu ha lúa không nhiều, tương đương khoảng 1 tỷ USD/năm, tạo ra lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ USD/năm, nhưng lại chưa có doanh nghiệp nào có thể tiếp cận được nguồn vốn này để tổ chức sản xuất hiệu quả.

Bà Vân đề xuất các địa phương vùng ĐBSCL đảm bảo vận động trên 90% nông dân tham gia HTX và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước chỉ được thực hiện thông qua HTX để việc tổ chức các hoạt động sản xuất hiệu quả và đồng bộ.

Để tăng tính thuyết phục của Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, đề án cần nhấn mạnh việc thực hiện các chương trình hành động, những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH, để mang tính thực tiễn cao và cụ thể hóa những chính sách đó. Bên cạnh đó, cần có lộ trình thực hiện cụ thể cho từng năm, giảm phát thải cần có quá trình từ thấp đến cao, không đặt nặng nề các tiêu chuẩn ngay từ đầu.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.