| Hotline: 0983.970.780

1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ xóa lời nguyền làm lúa thu nhập thấp

Thứ Bảy 08/04/2023 , 08:08 (GMT+7)

ĐBSCL Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao phải đáp ứng tiêu chí vùng sản xuất chuyên canh, liên kết chuỗi, gia tăng giá trị lúa gạo và thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Thay đổi tư duy, phương thức sản xuất

Chiều 7/4, tại TP Vị Thanh, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL, các tập đoàn, doanh nghiệp trong ngành hàng lúa gạo, các chuyên gia, tổ chức tài chính quốc tế. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Các đại biểu chủ trì buổi hội thảo 'Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh'. Ảnh: Trung Chánh.

Các đại biểu chủ trì buổi hội thảo “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh”. Ảnh: Trung Chánh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao là vấn đề mới, rộng, bao trùm nên cần phải tham vấn kỹ lưỡng trước khi triển khai. "Đề án không chỉ đơn thuần là thay đổi từ lúa chất lượng thấp lên chất lượng cao mà là thay đổi tư duy, phương thức sản xuất. Mọi thay đổi đều gặp phải khó khăn nhưng không thay đổi thì càng khó khăn hơn. Chúng ta thường đắn đo về cái phải bỏ ra để thay đổi mà lại không nghĩ đến cái chúng ta có thể mất đi nếu không thay đổi", Bộ trưởng nói. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại buổi hội thảo. Ảnh: Trung Chánh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại buổi hội thảo. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Bình đề xuất: “Nên đưa đề án này vào trong chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ Việt Nam, để ưu tiên vay vốn ODA triển khai thực hiện. WB cũng cam kết đồng hành, hỗ trợ nguồn lực cho dự án”.

Theo ông Cao Thăng Bình, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nghề sản xuất lúa ở ĐBSCL từng vướng phải “3 lời nguyền”, đó là năng suất thấp, chất lượng thấp và thu nhập thấp. Suốt thời gian dài, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu chọn tạo giống mới giúp nông dân vợt qua được 2 lời nguyền. Hiện nay, năng suất lúa của Việt Nam đã đạt rất cao. Chất lượng gạo cũng đã tăng lên rất nhiều, giá xuất khẩu đã vượt cả Thái Lan.

Tuy nhiên, đem lại thu nhập tốt hơn cho người trồng lúa thì chưa được như kỳ vọng. Nếu nông dân chuyên trồng lúa mà diện tích dưới 2 ha thì không đủ chi phí cho gia đình. ĐBSCL có hàng triệu hộ nông dân có diện tích sản xuất dưới 2 ha, nếu không thay đổi phương thức sẽ rất khó khăn.

Chuyên gia nông nghiệp Bùi Bá Bổng đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cùng giải quyết: “Một là phải thực hiện chuỗi liên kết sản xuất. Hai là công bố quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng. Ba là nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Bốn là tăng thu nhập cho người trồng lúa”. Để thực hiện thì cần phải tri thức hóa nông dân. Thay đổi quy mô sản xuất của nông hộ. Tốc độ áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất sẽ diễn ra rất nhanh.

Hợp tác xã là nòng cốt thực hiện

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, là tỉnh chuyên về nông nghiệp, điều kiện khí hậu thích hợp cho phát triển trồng lúa và cây ăn trái. Qua tham gia dự án phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, Hậu Giang đã mở ruộng diện tích canh tác lúa áp dụng kỹ thuật 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, lúa chất lượng cao chiếm phần lớn dịch tích canh tác. Tỉnh cũng đã thành lập được các tổ chức nông dân để liên kết sản xuất, xây dựng các mô hình hữu cơ, sản xuất an toàn giúp nâng cao giá trị lúa gạo. Hậu Giang rất đồng tình, ủng hộ triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và cam kết tham gia để án đến năm 2025 là 28.000 ha và mở rộng diện tích lên 46.000 ha vào năm 2030.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh không chỉ riêng về kỹ thuật mà cả về kinh tế, môi trường, xã hội. Mục tiêu xuyên suốt của đề án là hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với hệ thống sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị. Áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người trồng lúa. Xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, sẽ có hàng triệu hộ nông dân ĐBSCL được hưởng lợi. Ảnh: Trung Chánh.

Triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, sẽ có hàng triệu hộ nông dân ĐBSCL được hưởng lợi. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, Đề án triển khai thì hàng triệu hộ nông dân sẽ được hưởng lợi. Tập đoàn Lộc Trời tham gia Đề án với tư cách là người làm, trong cuộc, người thực hiện. Tuy nhiên, phải có hợp tác xã tham gia thực hiện, vì liên kết chuỗi doanh nghiệp chỉ có thể liên kết với tổ chức nông dân chứ không thể liên kết với từng cá nhân.

Địa bàn triển khai Đề án tai 12 tỉnh, thành ĐBSCL (trừ Bến Tre) và sẽ triển khai theo từng giai đoạn cụ thể. Năm 2024 sẽ bắt đầu triển khai khoảng 200 ngàn ha trên diện tích đã thực hiện dự án VnSAT trước đây. Đến năm 2025 diện tích đạt 500 ngàn ha với sản lượng khoảng 6,5 triệu tấn và đến năm 2030 tăng lên 1 triệu ha, sản lượng 13 triệu tấn.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.