| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ nông dân sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính

Thứ Ba 08/11/2022 , 15:04 (GMT+7)

Nông dân trồng lúa đang phải chịu nhiều áp lực. Do đó, để nông dân yên tâm đi vào sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính, phải có cơ chế hỗ trợ.

Một cánh đồng lúa ở Long An. Ảnh: Sơn Trang.

Một cánh đồng lúa ở Long An. Ảnh: Sơn Trang.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, từ nhiều năm nay, Bộ NN-PTNT và các địa phương đang phổ biến các giải pháp từ những nghiên cứu của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long là “3 tăng, 3 giảm” và “1 phải, 5 giảm”.

Những giải pháp này đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và trở thành giải pháp mang tính quốc tế, khi nhiều nước xung quanh và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cũng đã áp dụng các giải pháp này. Điều đó cho thấy chúng ta đang có những nghiên cứu và áp dụng trên đại trà đúng hướng với sản xuất lúa.

Trong “3 tăng, 3 giảm” và “1 phải, 5 giảm”, có 2 yếu tố mà hiện nay các dự án quốc tế đang triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Yếu tố đầu tiên là giảm lượng giống trên một đơn vị diện tích. Theo đó, nếu như trước đây nông dân Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng 200-250 kg lúa giống/ha, thì nay, nhiều diện tích đã giảm xuống còn 100 kg/ha. Phát thải khí metan trong sản xuất lúa là qua cây lúa. Khi mật độ lúa dầy lên thì phát thải nhiều hơn. Ngược lại, khi mật độ lúa giảm thì phát thải cũng giảm.

Yếu tố thứ hai là trong sản xuất lúa nước không phải lúc nào đồng ruộng cũng ngập nước, mà cũng có những khoảng thời gian khô ráo để cây lúa được thoáng khí. Do đó, áp dụng tưới ngập khô xen kẽ, vừa giúp cây lúa phát triển tốt hơn, vừa giảm đáng kể lượng nước tưới, qua đó giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, việc áp dụng tưới ngập khô xen kẽ để làm giảm phát thải khí nhà kính là một kỹ thuật rất quan trọng. Bởi không phải cứ cho ruộng ngập rồi lại tháo nước cho khô ruộng thì sẽ giảm phát thải mà có khi lại làm tăng phát thải. Vì vậy, khi áp dụng những kỹ thuật nghiêm ngặt trong “1 phải, 5 giảm”, sẽ góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính nhờ giảm lượng nước tưới trong mỗi mùa vụ.

Giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng cũng làm giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Sơn Trang.

Giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng cũng làm giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Sơn Trang.

Ngoài ra các yêu cầu giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong “3 tăng, 3 giảm” và “1 phải, 5 giảm” cũng góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, việc áp dụng “1 phải, 5 giảm” trên diện rộng và có sự tham gia của cộng đồng hiện chưa nhiều. Nguyên nhân là do diện tích cánh đồng lớn có sự tham gia của doanh nghiệp để hình thành vùng nguyên liệu chung một quy trình canh tác hiện còn hạn chế ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong 1,6 triệu ha đất canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ khoảng 10% có sự hợp tác của các doanh nghiệp. Ngoài ra, chương trình VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững ở Việt Nam) thực hiện trên cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt mức độ áp dụng khoảng trên 10% diện tích.

Theo ông Lê Thanh Tùng, nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những áp lực lớn, vừa phải thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa không làm phát thải khí nhà kính, vừa có trách nhiệm với môi trường. Chúng ta đòi hỏi ở nông dân quá nhiều thì nông dân cũng phải nhận được lợi ích kinh tế tương xứng.

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, để gia tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Trồng trọt xây dựng quy trình giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long giảm chi phí sản xuất lúa. Hiện Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng 4 quy trình sản xuất cho 4 vùng sản xuất lúa khác nhau ở Đồng bằng sông Cửu Long là vùng thượng, vùng giữa, vùng hạ và vùng sản xuất lúa tôm. Các quy trình này đều dựa trên "1 phải, 5 giảm”.

Đồng thời, trong tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao, cũng cần phải có những giải pháp giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ việc giảm lượng phân bón sử dụng.

Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu và các cơ quan có liên quan phải xây dựng một lộ trình mà khi nông dân đi vào sản xuất giảm phát thải khí nhà kính thì họ sẽ được gì và mất gì, qua đó giúp Chính phủ có những chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính mà không vi phạm các cam kết quốc tế.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.