| Hotline: 0983.970.780

'Cuộc đua xanh' diễn ra âm thầm nhưng khốc liệt

Thứ Năm 27/04/2023 , 16:30 (GMT+7)

Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, ngành nông nghiệp đóng vai trò trung hòa các bon trong tăng trưởng xanh.

Tọa đàm 'Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam. Ảnh: VGP.

Tọa đàm "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam. Ảnh: VGP.

Trung hòa các bon trong tăng trưởng xanh

Ngày 27/4, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam".

Tọa đàm nhằm đánh giá những đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, đồng thời cùng thảo luận những giải pháp, bước đi trong thời gian tới nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình thực hiện mục tiêu này.

Trong đó, để thực hiện các mục tiêu làm xanh hóa nền kinh tế, ngành nông nghiệp đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng trong trung hòa các bon, chống biến đổi khí hậu. Theo ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT), sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh, Bộ NN-PTNT đã bắt tay xây dựng Chiến lược phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030.

Ngay từ đầu năm 2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành theo Chiến lược tăng trưởng xanh chung của Chính phủ. Trong kế hoạch này, ngành nông nghiệp nhận thức rõ về nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm trong tăng trưởng xanh chung của Việt Nam.

Thời gian qua, trước những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế, dịch bệnh, biến đổi khí hậu nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, tiền đề để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhân tố quan trọng để ổn định đất nước. Ngành cũng đã đạt được những thành tựu ấn tượng về xuất khẩu khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS). Ảnh: VGP.

Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS). Ảnh: VGP.

Tuy nhiên, ông Đào Thế Anh cũng đánh giá, ngành nông nghiệp chưa sử dụng nguồn tài nguyên đất và nước chưa hợp lý, gây ô nhiễm tài nguyên đất, tài nguyên nước, ảnh hưởng đến độ che phủ rừng. Do đó, trong kế hoạch hành động, Bộ NN-PTNT đặt quyết tâm trong 10 năm tới tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp khoảng từ 2,5 - 3%, song vẫn đảm bảo an ninh lương thực, anh ninh dinh dưỡng, xóa đói giảm nghèo cho toàn bộ người dân Việt Nam.

Song song với đó, giảm ô nhiễm đất, tăng cường sức khỏe cho đất, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng nước tiết kiệm. Đặc biệt, đứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu, tài nguyên nước trở nên vô cùng khan hiếm nên thâm canh nông nghiệp cũng sẽ phải thay đổi, quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi một cách khoa học, hợp lý.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp đã thực hiện các cam kết của mình, hướng tới một ngành nông nghiệp một nền nông nghiệp sinh thái, một nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Hiện nay, phát thải của nông nghiệp khoảng 30%, tương đối cao, trong khi tiềm năng của ngành giảm hoàn toàn có thể đạt được “Net Zero” theo đúng cam kết với Chính phủ.

Đáng lưu ý, theo ông Đào Thế Anh, ngành nông nghiệp có rất nhiều tiềm năng cho việc đầu tư các vùng rừng, nông lâm kết hợp, tạo thành các “bể các bon”, đóng vai trò rất quan trọng trong việc trung hòa carbon. Nếu các ngành công nghiệp phát thải dương thì sẽ có ngành nông nghiệp đảm nhiệm hấp thụ carbon và như vậy mới có thể đảm bảo được Net Zero, trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam.

Vì vậy, để thúc đẩy được vấn đề này, việc cần làm hiện nay là phải thúc đẩy được vấn đề tiếp cận thị trường các món tín dụng cho phù hợp cho nông nghiệp và nông thôn.

Bên cạnh đó, ngoài các doanh nghiệp, còn có những lực lượng sản xuất chính vô cùng quan trọng là các hợp tác xã và các nông hộ nhỏ, việc cải tổ bộ máy khuyến nông vô cùng quan trọng. Trong đó, khuyến nông cộng đồng cùng với việc tuyên truyền về phát triển xanh, sản xuất nông nghiệp sinh thái, tiêu dùng bền vững thì mới có thể đảm bảo vai trò trung hòa carbon của ngành nông nghiệp.

Cuộc đua âm thầm nhưng khốc liệt

Trước những yêu cầu phát triển mới, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy "xanh hóa" nền kinh tế, tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Để đạt được các mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, trong đó, đóng góp của các doanh nghiệp FDI là vô cùng quan trọng.

Ông Chris Hogg - Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông Khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé. Ảnh: VGP.

Ông Chris Hogg - Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông Khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé. Ảnh: VGP.

Tham dự Tọa đàm, ông Chris Hogg - Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông Khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé nhất trí với việc doanh nghiệp tư nhân có trách nhiệm thực hiện mục tiêu xanh.

Mục tiêu của Nestlé là khai phá những tiềm năng của thực phẩm để tăng cường chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người, không chỉ ngày hôm nay mà cả cho thế hệ ngày mai, những thế hệ của tương lai tạo nên sự khác biệt tốt đẹp cho tương lai.

Chính vì vậy, Tập đoàn Nestlé đã tham gia, chung tay cùng chuỗi cung ứng của chúng tôi, cùng sự tham gia của 600.000 nhà nông trên khắp thế giới và những cấp độ khác nhau để cùng họ tạo nên tác động đối với quá trình sản xuất. Trong đó khuyến khích, động viên họ áp dụng những công nghệ về nông nghiệp tái sinh và có những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải carbon cũng như quá trình hấp thụ của khí quyển để tăng cường chất lượng của đất.

"Như vậy, chúng ta sẽ thúc đẩy tính bền vững trong toàn bộ quá trình sản xuất, trong quá trình tăng năng suất lao động và có những ưu tiên đối với vấn đề về sức khỏe, giúp cho nhà nông có thể tăng được năng suất, hiệu quả đồng thời vẫn giảm thiểu sử dụng hóa chất trong sản xuất." Ông Chris Hogg nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, cho biết: Khi nói về tăng trưởng xanh là chúng ta hãy nhìn vào cuộc đua xanh đang diễn ra tuy thầm lặng nhưng rất khốc liệt của các nước trên thế giới và của cả các nước trong khu vực.

Chúng ta nhận thấy rằng, một cuộc đua xanh đã âm ỉ kéo dài 2-3 thập kỷ ở châu Á và châu Âu mà ở châu Á nổi lên là Hàn Quốc, Nhật Bản cùng những nước khác. Đặc biệt là Trung Quốc, sau khi đã trả giá bằng những bài học rất đắt về tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.

Hiện nay, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về đầu tư vào tăng trưởng xanh, tài chính xanh, công nghệ xanh và nhiều nguồn khác nữa. Đây là một cuộc đua màu xanh. Và doanh nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng.”

Do đó, ông Vinh cho rằng, "xanh" ở đây không chỉ là nói về doanh nghiệp, mà là về khoa học công nghệ. Nếu cộng đồng doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam cần chọn lọc, đưa ra những tiêu chí để đầu tư khoa học công nghệ tiên tiến nhất nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến cam kết của Thủ tướng giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI. Ảnh: VGP.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI. Ảnh: VGP.

Ông Vinh cũng nhận định: Cần phải có lộ trình để triển khai tăng trưởng xanh.Trong bối cảnh khó lường, việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh càng khó khăn hơn, nhất là chúng ta không phải nước giàu, chỉ là một nước đang phát triển.

Đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp cần phải nhìn lại, soi mình vào những chiến lược, đặc biệt là chiến lược tăng trưởng xanh này, để định vị lại giá trị của mình, không chỉ là vai trò mà chính là doanh nghiệp tạo ra những giá trị gia tăng như thế nào trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh.

Xu thế tăng trưởng xanh trở thành một lựa chọn tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Đây là cách tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh đề nghị các đối tác quốc tế, các nhà đầu tư hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và nhất là hỗ trợ về nguồn vốn với chi phí hợp lý để quá trình chuyển đổi, xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam bảo đảm công bằng, công lý khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi nhưng lại cam kết và thực hiện các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu như các nước phát triển.

Xem thêm
Giá tiêu hôm nay 3/5/2024: Trong nước tăng mạnh

Giá tiêu hôm nay 3/5/2024 ở trong nước đồng loạt tăng mạnh 1.500 đồng. Qua đó đưa giá hồ tiêu nội địa giao dịch lên quanh ngưỡng 99.000 - 100.000 đ/kg.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.