| Hotline: 0983.970.780

Người dân bất an bên những khu tái định cư

Thứ Hai 04/04/2022 , 12:56 (GMT+7)

Kon Tum Nhiều dự án khu tái định cư còn bất cập khi người dân chưa đến sinh sống hoặc đến ở một thời gian rồi phải bỏ về làng cũ.

Nhiều căn nhà ở khu tái định cư xã Đăk Long đã bỏ hoang nhiều năm. Ảnh Tuấn Anh.

Nhiều căn nhà ở khu tái định cư xã Đăk Long đã bỏ hoang nhiều năm. Ảnh Tuấn Anh.

Những căn nhà tái định cư bị bỏ hoang

Được triển khai trong giai đoạn 2009-2015, Dự án quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Hring (nay là xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) bố trí ổn định dân cư cho 300 hộ với 1.500 khẩu. Đây là những hộ dân thiếu đất sản xuất do ngập lòng hồ Thuỷ điện Plei Krông. Tổng diện tích quy hoạch dự án là 690ha với mức đầu tư hơn 149 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn đền bù từ dự án thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo kết quả rà soát của Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, tổng số hộ lên khu tái định là 126 hộ/677 khẩu, trong đó, khoảng 74 hộ/ 407 khẩu là ở cố định, đạt 22,06% so với dự án đã được duyệt. Trong khi đó, tổng số vốn đã bố trí để thực hiện dự án là 134 tỷ đồng, chiếm 90,1%  tổng kinh phí.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, dự án còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục. Cụ thể, đối với 52 hộ chuyển đến sinh sống đợt 1 thì tương đối ổn định, 74 hộ đợt 2 thì nhà ở chưa được hoàn thiện, có nhà thiếu cửa, chưa tô trát nền, chưa có nhà bếp, nhà vệ sinh nên nhiều hộ dân không sử dụng, mặc dù chính quyền địa phương huyện tuyên truyền, vận động.

Bên cạnh đó, xảy ra tình trạng thiếu đất sản xuất do các hộ thuộc tái định cư được nhận 20.000 m2/hộ đất để sản xuất nhưng đến nay bình quân 1 hộ chỉ nhận được 6.705,6m2, đạt 33% so với dự án phê duyệt.

Ngoài ra, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, mặc dù dự án đã đầu tư 37 giếng đào nhưng hiện chỉ có 6 giếng có nước, còn lại 31 giếng do đào bị gặp đá không có nước trong mùa khô. Để khắc phục, cơ quan chức năng đã đào thêm 3 giếng khoan nhưng các hộ dân đi lấy nước sinh hoạt vẫn còn bất cập như chi phí cao, quãng đường xa…

Căn nhà tái định cư của chị Y Xuyên. Ảnh Tuấn Anh.

Căn nhà tái định cư của chị Y Xuyên. Ảnh Tuấn Anh.

Ghi nhận thực tế ở khu tái định cư xã Đăk Long, hàng chục căn nhà xây dựng xong phần thô rồi bỏ hoang trong nhiều năm, cỏ mọc um tùm. Điều đáng nói, những ngôi nhà này được thiết kế xây dựng trên những quả đồi, phía sau lưng là vực sâu rất nguy hiểm. Thậm chí vào mùa mưa dễ xảy ra tình trạng sạt lở, đe dọa tính mạng người dân.

Ngồi trong căn nhà nhỏ hẹp, chị Y Xuyên (khu tái định cư xã Đăk Long) cho biết, gia đình chị trước đây sống ở thôn Đăk Mút (xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) và chuyển lên khu tái định cư Đăk Long sinh sống mấy năm nay.

Trước khi chuyển lên khu tái định cư, gia đình chị được hứa hẹn hỗ trợ chỗ ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đầy đủ. Tuy nhiên, khi đến sinh sống thì đất sản xuất cấp chưa đủ, thiếu nước sinh hoạt vì giếng cạn. “Sau bao năm, cuộc sống ở khu tái định cư vẫn không tốt hơn ở làng cũ, thiếu thốn nhiều thứ, nhất là đất sản xuất”, chị Y Xuyên nói và cho biết, ở làng cũ, gia đình chị có nguồn thu nhập từ đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện.

Ông Hoàng Công Ái, Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho biết, sau khi làm nhà ở, một số nhà dân bị sụt lún nền, nứt nhà không đảm bảo an toàn. Các hộ dân phải quay lại nơi cũ sinh sống và phải đi lại sản xuất xa nhà, không có điều kiện để chăm sóc cây trồng, phát triển sản xuất dẫn đến cây trồng kém phát triển, năng suất giảm, thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn hơn…

Trước thực trạng này, ông Ái đề xuất, cần rà soát lại đất ở và đất sản xuất của các hộ dân để xem xét hỗ trợ thêm đất sản xuất. Đồng thời,  ưu tiên các khoản vay tín dụng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ để vươn lên thoát nghèo thích nghi với nơi ở mới.

Bất cập dự án tái định cư

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có rất nhiều dự án tái định cư nhưng người dân không chịu đến sinh sống hoặc ở một thời gian rồi quay lại nơi cũ gần khu sản xuất như ở Đăk Long.

Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đắk Glei được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt vào năm 2010. Dự án có tổng mức đầu tư 145 tỷ đồng, hiện đã bố trí và giải ngân hết số tiền hơn 134 tỷ đồng. Dự án bố trí, di dời và tái định cư cho 662 hộ/ 2184 khẩu ở 9 điểm với ổng diện tích đất là 60ha.

Đến nay, dự án này vẫn còn tình trạng một số hộ dân thường xuyên bỏ nhà mới ở khu tái định cư về ở lại nhà cũ gần khu sản xuất. Thậm chí, một số hộ dân không đồng ý di dời về khu tái định cư mới, không đồng ý nhận nhà. Nguyên nhân là bố trí khu tái định cư xa khu sản xuất, một số công trình hạ tầng công cộng, nhà ở tái định cư đã xuống cấp nhưng chưa được xử lý khắc phục kịp thời.

Nhiều dự án khu tái định cư ở Kon Tum không mang lại hiệu quả. Ảnh Tuấn Anh.

Nhiều dự án khu tái định cư ở Kon Tum không mang lại hiệu quả. Ảnh Tuấn Anh.

Tại huyện Tu Mơ Rông, có 3 dự án tái định cư là Dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn (năm 2010); Dự án bố trí, sắp xếp dân di cư tự do và sắp xếp dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn (năm 2020) và Dự án di dời tái định cư cho các hộ dân 3 xã Tê Xăng, Tu Mơ Rông, Đăk Rơ Ông. Tổng mức đầu tư của 3 dự án ở huyện này là 309 tỷ đồng.

Theo báo cáo Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, một số điểm tái định cư chưa thực sự thuận lợi cho đi lại, sản xuất của người dân. Đường giao thông không thuận tiện nên đi lại của người dân gặp khó. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường nội thôn, san ủi mặt bằng, nhà văn hoá, công trình thuỷ lợi, hệ thống nước sinh hoạt đã được đầu tư xây dựng ở các khu tái định cư. Tuy nhiên, sau khi công trình được đưa vào bàn giao khai thác, sử dụng, một số công trình công cộng bị hư hỏng, xuống cấp, đặc biệt là các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đường giao thông.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, việc xuống cấp ở các công trình cấp nước là do thiên tai. Huyện đã đưa vào kế hoạch sửa chữa các công trình này giai đoạn 2021 - 2025.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.