Thời gian gần đây, giá dừa khô tăng liên tục và hiện đang ở mức khá cao khiến nhiều nhà vườn quay lại trồng dừa. Nhiều hộ kỳ vọng thành công vì thị trường tiêu thụ dừa nhiều hứa hẹn, nhưng cũng không ít người lo "vướng" phải dịch bọ dừa gây hại tràn lan như "bệnh chổi rồng" trên cây nhãn.
Diện tích tăng nhanh
Cây dừa không kén đất, dễ trồng, ít đầu tư chăm sóc. Bà Hà Thị Nga ở ấp Chợ, xã Mỹ An (Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) từ đầu năm đến nay đã đốn dần 2 công xoài được 7 năm tuổi cho trái thất thường vì bị ảnh hưởng khói lò gạch để trồng khoảng 30 gốc dừa lửa, dừa ta. Bà Nga cho biết, cây dừa sống được ở vùng nhiễm khói lò, trồng dừa chắc ăn mà tất cả các bộ phận của chúng đều có công dụng, bán được hết.
Cũng như bà Nga, nhiều nhà vườn trong tỉnh Vĩnh Long đã sẳn sàng triệt hạ những cây trồng kém hiệu quả kinh tế đã được ưu ái trước đây như xoài, nhãn, bưởi hoặc cải tạo vườn tạp để trồng lại dừa, làm cho diện tích dừa tăng nhanh. Sau đại dịch bọ dừa (bọ cánh cứng) năm 2002, diện tích trồng dừa ở tỉnh Vĩnh Long còn khoảng 4.500 ha, năm 2008 tăng lên 6.615 ha, cuối năm 2010 lên 7.396,4 ha và đến tháng 9/2011 lên đến 7.450 ha, tập trung nhiều ở huyện Vũng Liêm tới 3.342 ha.
Hiện toàn vùng ĐBSCL có khoảng 110.000 ha vườn có trồng dừa, nhiều nhất ở Bến Tre (50.000ha), Trà Vinh (14.000 ha), Tiền Giang (10.850 ha), Kiên Giang... Tỉnh Bến Tre là tỉnh trồng dừa lớn nhất cả nước, là nơi dừa được trồng tập trung, được sơ chế, chế biến và kinh doanh từ sản phẩm dừa theo qui mô công nghiệp. Cây dừa ở trong vùng phổ biến là dừa cao (như dừa ta, dừa lửa, dừa Tam Quan, dừa sáp...), gần đầy các giống dừa lùn (như dừa dứa, dừa xiêm, dừa éo...) được nhập nội rất đa dạng và thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng trong vùng, chất lượng trái cải thiện đáng kể.
Từ đầu năm đến nay, giá dừa khô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh lân cận luôn ở mức cao (trên 7.000 đ/kg). Thời điểm rằm tháng 7 âm lịch, giá lên cao ngất, dừa loại 1 lột vỏ (trái cỡ 1,5 kg trở lên) chủ vựa mua với giá 10.000-12.000 đ/kg (khoảng 180.000-200.000 đ/chục 12 trái), còn dừa khô loại nhỏ lột vỏ cũng có giá từ 8.500-9.000 đ/kg (khoảng 130.000-140.000 đ/chục) và cơm dừa có giá bán tới 40.000 đ/kg.
Theo tính toán của ngành chuyên môn, mỗi cây dừa có thể cho năng suất từ 60-80 trái/năm, theo thời giá hiện nay người trồng dừa có thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/năm cho vườn trồng tập trung, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 100 triệu đồng/ha.
Đầu ra rộng lớn
Với diện tích nêu trên, hàng năm vùng ĐBSCL sản xuất ra khoảng 600- 800 triệu trái dừa (khoảng 600 ngàn tấn), riêng tỉnh Vĩnh Long cho khoảng 100 ngàn tấn. Ngành công nghiệp chế biến từ các sản phẩm dừa, nhất là ở tỉnh Bến Tre phát triển khá mạnh phục vụ thị trường nội địa và XK. Các sản phẩm XK gồm những sản phẩm truyền thống như dầu dừa thô, cơm dừa khô, sữa dừa, than gáo dừa, chỉ xơ dừa...và các sản phẩm được cải tiến như thạch dừa, nước dừa, dầu dừa tinh khiết, lưới sinh thái, thảm xơ dừa...
Thị trường nhập sản phẩm dừa Việt Nam khá rộng lớn và ổn định như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nam Phi, Nhật Bản,...Năm 2010, toàn vùng có 65% sản lượng dừa được chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao như cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, kẹo dừa..., 20% được XK dưới dạng dừa lột vỏ, dừa trái và khoảng 15% được tiêu thụ trong nước.
Đề phòng dịch bệnh
Vui lên vì dừa được giá, nhưng nhiều nhà vườn trồng dừa còn sợ bọ dừa tấn công làm dừa giảm năng suất, chết cây. Tình trạng này đang đe dọa đến hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững của cây dừa tại ĐBSCL. Còn nhớ, đại dịch bọ dừa năm 2002 đã gây nhiễm 5.665.340 cây dừa ở toàn bộ 30 tỉnh thành phía Nam từ Quảng Nam trở vào, tỉnh Vĩnh Long cũng bị thiệt hại khá nặng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Vũng Liêm có gần 3.000 ha vườn trồng dừa. Từ đầu năm 2011 đến nay, Phòng NN- PTNT huyện đã phát hiện 31.504 cây dừa bị bọ dừa gây hại, cấp bệnh từ 1-3 và có khuynh hướng gia tăng.
Hiện ngành chuyên môn đã có nghiên cứu về đối tượng dịch hại này và khuyến cáo: Bọ dừa có khả năng di chuyển, phát tán rất nhanh, khả năng tái nhiễm rất cao. Vì thế muốn phòng trị thu được kết quả tốt cần thực hiện biện pháp tổng hợp và tiến hành đồng loạt trên diện rộng như canh tác hợp lý, tăng cường bón phân hữu cơ, phát hiện sớm, quản lý chặt dịch bệnh, phun thuốc hóa học và nuôi, thả ong ký sinh, bọ đuôi kìm để phòng, trừ bọ cánh cứng.
Tuy nhiên, do nhu cầu tăng, phong trào trồng dừa lại phát triển khá ồ ạt. Nhiều nơi bà con nông dân trồng mật độ rất dày, có nơi dừa cao trồng với mật độ trên 200-300 cây/ha (khoảng cách trồng 6-8m/cây) thay vì mật độ 160 cây/ha (khoảng cách 10-12m/cây) là vừa, đặc biệt đối với dừa lùn trồng trên đất ruộng rất khít nhau (4-5m/cây) mà nhiều người gọi là "sạ dừa", và còn bón phân hóa học để mong dừa nhanh cho trái, có năng suất, sản lượng cao.
Trồng theo kiểu này sẽ tạo điều kiện cho dịch hại như bọ cánh cứng, chuột, bệnh tháo bẹ dừa...tấn công, lây lan rộng trong vườn dừa.