| Hotline: 0983.970.780

Cứu người lút trong lũ dữ

Thứ Hai 19/10/2020 , 19:08 (GMT+7)

Lũ dâng cao chưa từng thấy, phút chốc đã nhấn chìm nhiều vùng huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa…

Công tác cứu hộ diễn ra rất khẩn trương. Ảnh: Tâm Phùng.

Công tác cứu hộ diễn ra rất khẩn trương. Ảnh: Tâm Phùng.

Lũ dâng cao chưa từng thấy

Từ đầu cầu Trung Quán chúng tôi gấp rút lên thuyền máy "đè" lũ tiến về vùng ngập nặng thuộc xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).

Đến ngày 19/10, Quảng Bình có trên 71.000 nhà dân chìm sâu trong nước, nhiều nơi bị chia cắt hoàn toàn, cuộc sống hoàn toàn bị đảo lộn…

Con thuyền trọng tải 3 tấn gắn máy 25CV, rồ lên lao ra dòng lũ. Gió thổi ngược xốc lũ thành những con sóng hung hãn, đập lắc liên hồi vào mạn thuyền như trẻ đùa chơi võng. Phải gần 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới tiếp cận được trung tâm xã Tân Ninh.

Toàn người ướt sũng, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hoan nói gấp gáp: “Xã có trên 2.000 nóc nhà bị ngập trắng, chúng tôi phải huy động hết lực lượng để đưa bà con từ chỗ thấp lên chỗ cao, hoặc về trú tạm tại ủy ban xã. Hiện nhiều thôn bị ngập rất nặng, bà con thực sự cần sự hỗ trợ hơn lúc nào hết”.

Nhiều nhà dân nước ngập đến tận... mái. Ảnh: Tâm Phùng.

Nhiều nhà dân nước ngập đến tận... mái. Ảnh: Tâm Phùng.

Nhà ông Đỗ Mai Thúy (75 tuổi, thôn Quảng Xá) nước đã chạm tới mái ngói. Thuyền cặp mái, lực lượng cứu hộ phải phá ô cửa đầu hồi, từ đó dìu ông bước ra mái hiên mới xuống được thuyền.

Đến lúc này, ông Thúy vẫn chưa hoàn hồn: “May quá, tưởng không có ai đến kịp. Đây là lần đầu tiên tui thấy cơn lũ dữ như ri, lũ dâng cao chưa từng thấy, sóng lớn dập làm sập tường phía sau rồi”.

Đưa người về trụ sở xã, con đò lại xé lũ ngược về thôn Hữu Tân, nhiều tiếng kêu cứu trong những ngôi nhà bị ngập vọng ra. Đò ghé sát ô cửa gió của ngôi nhà cụ Nguyên Thị Gái (gần 90 tuổi). Tình thế cấp bách, một người trong đoàn phải chui qua ô cửa gió bế ra, ngâm mình lâu trong nước, cụ run lên cầm cập.

Khoảng 1 giờ đồng hồ quần thảo trong lũ, thuyền đã đón hơn 20 người già, trẻ con. Khi tiếp cận được thôn Hữu Lộc (xã Tân Ninh) thì gặp đò máy của ông Lê Đình Thi và mấy thanh niên trong thôn. Ông Thi bảo: “Từ sáng đến giờ, chúng tôi cũng đã di chuyển nhiều người đến mấy nhà cao rồi, nhờ các anh hỗ trợ thêm cho mấy gia đình ở ngoài rìa làng đang bị sóng hung hãn bao vây. Trong này chúng tôi có thể lo liệu được…”.

Hàng ngàn cuộc gọi réo rắt trong đêm

Trời sẩm tối, chúng tôi rời Tân Ninh về vùng ngập lụt nặng Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh) để tiếp tục ứng cứu.

Thượng tá Đặng Văn Hoàng – Phó trưởng phòng phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Quảng Bình làm tổ trưởng. Cano cắt lũ chéo một vòng đi qua vùng ngập lụt Tả Phan (xã Duy Ninh), Trúc Ly (xã Vạn Ninh) để cứu những người đang co ro bám trụ trên… mái ngói.

Nhiều hộ dân trên địa bàn đang cần sự trợ giúp thời điểm này. Ảnh: Tâm Phùng.

Nhiều hộ dân trên địa bàn đang cần sự trợ giúp thời điểm này. Ảnh: Tâm Phùng.

9h tối, tại trụ sở UBND xã Hàm Ninh, nước lũ đã chạm gần mái tầng 1, diễn biến tình hình vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ba chiếc thuyền cole lại chạy như con thoi giữa mênh mông sóng nước. Chủ tịch xã Võ Hữu Cương đưa tay quệt nước chảy ròng trên mặt: “Toàn bộ 8 cole của xã và các thôn phải chạy hết công lực từ sáng đến giờ giờ. Trời tối sầm, nước lũ lại chảy xiết, biết nguy hiểm nhưng vì tính mạng của bà con mình nên anh em chẳng quản ngại, đến giờ vẫn chưa ăn uống gì”.

Tại trụ sở xã Hàm Ninh, máy điện thoại ông Lê Ngọc Huân – Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh đổ chuông liên tục, máy của thượng tá Đặng Văn Hoàng cũng dồn dập vang lên. Cả 2 cho biết, tất cả là những cuộc điện thoại khẩn xin được cứu hộ.

Trong màn đêm dày đặc, tiếng mưa ràn rạt quất lên mũ cối đội trên đầu cũng không át được tiếng kêu cứu của người dân. Chiếc cano vẫn lầm lũi đè lũ phóng đi, người trời mưa chưa ngớt…                                            

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.