Được biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, có biểu hiện của suy tim cấp.
Tuy nhiên, sau khi nhập viện khoảng 30 phút, bệnh nhân đột ngột có biểu hiện rối loạn tri giác, bị liệt nửa người và sau đó bị hôn mê. Sau khi hội chẩn cấp cứu, các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân đi chụp CT scan sọ não và phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ não do cục máu đông gây tắc ngay nhánh lớn động mạch não (nhánh nuôi nửa bán cầu não). Đứng trước tình huống khẩn cấp như vậy, bệnh nhân vừa bị đồng thời cả hai hệ động mạch lớn là não và tim, các bác sĩ của bệnh viện đã quyết định sẽ điều trị cấp cứu cả não và tim cho bệnh nhân.
Hình trước và sau khi can thiệp đặt stent thông động mạch vanh |
Hình trước và sau khi can thiệp lấy huyết khối mạch máu não |
TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Tim mạch - Cấp cứu và Can thiệp (BV Thống Nhất) hướng dẫn người thân bệnh nhân cách chăm sóc sau khi làm thủ thuật |
Qua chụp mạch máu não có thuốc cản quang cấp cứu tại phòng DSA, phát hiện huyết khối làm tắc hoàn toàn động mạch não giữa; chụp DSA mạch vành phát hiện huyết khối làm bán tắc đoạn gần nhánh động mạch lớn bên trái (nhánh liên thất thất trước), đồng thời hai nhánh động mạch vành còn lại cũng bị bệnh rất nặng (một nhánh tắc mạn tính, một nhánh hẹp nặng lan tỏa). Đứng trước tình trạng nguy kịch, xảy ra trên 2 hệ động mạch lớn nuôi cả trái tim (hệ động mạch vành, hệ động mạch não) trên bệnh nhân 60 tuổi, các bác sĩ BV Thống Nhất đã hội chẩn và quyết định thực hiện cùng lúc 2 thủ thuật.
Ngay sau đó, ekíp can thiệp thần kinh đã đưa dụng cụ vào hút khuyết khối trên hệ mạch máu não và tái lập dòng chảy động mạch não giữa tốt. Và đồng thời can thiệp và đặt stent để tái thông động mạch vành bị tắc ở nhánh lớn nuôi trái tim của bệnh nhân.
TS. BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Tim mạch - Cấp cứu và Can thiệp cho biết: “Can thiệp đặt stent đã giải quyết được tình trạng suy tim cấp của người bệnh, đồng thời tái thông trên mạch máu não giúp tri giác được cải thiện dần, và bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản sau thủ thuật 12 giờ”.
Sau 3 ngày thực hiện cùng lúc 2 thủ thuật, tri giác của bệnh nhân cải thiện, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
“Trường hợp này may mắn được chẩn đoán nhanh, chính xác và xử trí kịp thời và bước đầu đã cứu sống được bệnh nhân. Đối với bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh nền là bệnh tim thì đột quỵ cũng có thể xảy ra cùng lúc và ngược lại. Tuy nhiên, để thực hiện cùng một lúc 2 thủ thuật thì đòi hỏi phải có sự phối hợp của cả 2 ekip can thiệp thần kinh và can thiệp mạch vành. Hiện nay, bệnh viện Thống Nhất đã có sẵn ekip can thiệp thần kinh và ekip can thiệp mạch vành để có thể thực hiện các thủ thuật cấp cứu và chương trình cho bệnh nhân 24/24 giờ mỗi ngày”, TS Tân chia sẻ.