* Xin cho biết nguyên nhân, triệu chứng và khả năng cứu chữa khi bị nhồi máu cơ tim?
Đinh Thị Thìn, Phong Châu, Phú Thọ
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì nhồi máu cơ tim là tình trạng của một phần cơ tim bị hủy khi lượng máu cung cấp đến phần đó bị giảm sút. Tùy theo bao nhiêu cơ tim bị hủy, bệnh có thể nhẹ hoặc nặng. Nếu cơ chưa bị hủy hẳn thì gọi là "đau tim". Nguyên nhân chính gây ra nhồi máu cơ tim là do máu đông hình thành làm tắc động mạch vành, khi mảng xơ vữa bị nứt, vỡ ra (thường xảy ra trên nền của bệnh cảnh động mạch vành bị hẹp do mỡ tụ trong thành mạch máu và xơ vữa từ trước). Ngoài ra, tình trạng co thắt mạch vành cũng có thể làm ngừng trệ dòng máu dẫn đến nuôi cơ tim.
Trên thế giới mỗi năm có 2,5 triệu người chết do bệnh nhồi máu cơ tim, trong đó 25% chết trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Trong vòng năm sau đó chết thêm 5% – 10% nữa. Các nguyên nhân dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim thường là: Béo phì, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm trước tuổi 60. Có vài trường hợp nhồi máu cơ tim xảy ra ở người trẻ hoặc người không hề có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.
Triệu chứng điển hình và thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là: Đau ngực: với cảm giác đau như bị đè ép, bóp chặt ở giữa ngực, diễn ra trong khoảng 5–15 phút (khác về thời hạn và độ đau với cơn đau ngực thông thường), thường không quá 1 giờ. Cơn đau có thể lan lên vai, cổ, hàm hoặc lan dọc theo cánh tay, đặc biệt là tay trái. Các triệu chứng phụ như: vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, bất tỉnh, mệt nhọc, khó thở, tái nhợt, tim đập mạnh. Nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim lại có biểu hiện không rõ ràng như tiêu chảy, đau bụng, hoặc chẳng hề có triệu chứng (nhồi máu cơ tim thầm lặng – thấy nhiều trong các bệnh nhân đái tháo đường), hoặc lại hết sức đột ngột, biểu hiện bằng biến chứng hôn mê, rối loạn nhịp tim, ngừng tim hay chết bất ngờ…
Vì nhồi máu cơ tim nguy hiểm đến tính mạng và diễn biến nhanh chóng, phương châm chẩn bệnh là tuyệt đối tránh bỏ sót. Bất cứ bệnh nhân nào tuổi trên 45, bị đau ngực (nhất là bên trái) hay khó thở và nhất là có các yếu tố nguy cơ trên, cần phải nghĩ đến bị nhồi máu cơ tim và đưa ngay đến các bệnh viện lớn để kịp thời cứu chữa. Hiện nay có biện pháp can thiệp tích cực có thể cứu sống nhanh chóng nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Rất tiếc các biện pháp can thiệp tích cực chỉ mới được triển khai ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Kiên Giang, Nghệ An... Mong sao các tỉnh đều được trang bị thiết bị và đào tạo kịp đội ngũ bác sĩ chuyên khoa để triển khai được các kỹ thuật can thiệp tích cực trong cứu chữa các bệnh tim mạch.
* Cháu thường hàng tháng thấy kinh huyết màu đỏ nhạt, kỳ kinh ngắn, hay chóng mặt, ù tai, đau lưng mỏi gối, lưỡi đỏ nhạt mạch yếu. Xin mách cho thuốc điều trị theo Đông y.
Nguyễn Thị Thơm, Nam Trực, Nam Định
Bạn nên khám chuyên khoa phụ sản ở Bệnh viện Tỉnh để biết rõ nguyên nhân và cách điều trị. Về Đông y thì có bài thuốc như sau: Chích thảo 4g; Sơn thù 8g; Ngưu tất 8g; Đương Quy 12g; Hoài Sơn12g, Đỗ Trọng 8g, Thục địa 24g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.