| Hotline: 0983.970.780

Đặc công hải quân đánh Trường Sa

Thứ Ba 30/04/2019 , 07:05 (GMT+7)

Chỉ từ ngày 14 đến 29/4/1975, Lữ đoàn đặc công 126 Hải quân đã giải phóng hoàn toàn Trường Sa, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Lữ đoàn đặc công 126 Hải quân ngày nay tiền thân là Đoàn đặc công Hải quân 126 trong kháng chiến chống Mỹ đã lập nhiều kỳ tích. Trong đó nổi bật là giải phóng các đảo trong quần đảo Trường Sa. Các tài liệu lịch sử của Hải quân đã ghi lại, những ngày tháng 4/1975, nhiệm vụ giải phóng đảo rất khẩn trương, Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó Tư lệnh quân chủng phụ trách. Để tiến công giải phóng đảo Song Tử Tây, Bộ Tư lệnh Hải quân sử dụng 3 tàu vận tải quân sự của Đoàn 125 là tàu T673 (thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm ), tàu T674 (thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức), tàu T675 (thuyền trưởng Phạm Duy Tam).

Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Hải quân còn tổ chức lực lượng đổ bộ là Đội 1, Đoàn 126 Đặc công. Ban chỉ huy gồm Chỉ huy trưởng Mai Năng và Chỉ huy phó Dương Tấn Kịch. Ngày 10/4/1975, đội tàu được lệnh cấp tốc hành quân từ Hải Phòng vào Đà Nẵng khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để hành quân đánh địch.
 

Mũi đột phá Song Tử Tây

Thiếu tướng Mai Năng đã nhớ lại: “Thời điểm năm 1975, tôi nhận nhiệm vụ vào Đà Nẵng chỉ huy đơn vị hợp thành giữa Trung đoàn đặc công hải quân và đặc công quân khu V. Đánh Trường Sa, kế hoạch này không phải chúng tôi được biết từ trước. Vào tháng 3 chúng tôi mới nhận nhiệm vụ với danh nghĩa là tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh chứ không phải danh nghĩa là đánh Trường Sa”.

07-52-53_mi_nng_-_126_-_lm_khnh
Thiếu tướng Mai Năng nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Đặc công Hải quân 126. (Ảnh: Lâm Khánh).

Đoàn trưởng Mai Năng đã nhận được chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông qua cấp trên. Chỉ thị nêu rõ: “Hải quân phải tập trung mọi khả năng, mọi biện pháp đánh chiếm và giải phóng tất cả các đảo do địch chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào được xâm chiếm các nơi đó”.

Vào lúc 0 giờ ngày 11/4/1975, đặc công hải quân rời cảng Đà Nẵng theo phương án đánh thí điểm để rút kinh nghiệm từ đề xuất của trung đoàn trưởng Mai Năng. Anh em đặc công chưa thuộc hết các đảo. Khoảng cách giữa các đảo với nhau và giữa các đảo và đất liền đều rất xa.

Trung đoàn trưởng Mai Năng đề xuất phương án đánh từng đảo một, đánh chắc thắng đảo này tiến tới đảo khác. Đó cũng chính là tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa” như nội dung bức điện mật Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ thị giải phóng miền Nam.

Thiếu tướng Mai Năng đánh giá: "Song Tử Tây là đảo kiên cố nhất của quân VNCH ngày ấy, nhưng chúng ta cũng giải phóng nhanh chóng. Rút kinh nghiệm triển khai đánh vào các đảo khác như Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… quân địch hốt hoảng nên ra lệnh rút. Khi đó ta phải nhanh chóng ra lệnh đánh chiếm các đảo còn lại để tình hình không phức tạp thêm”.

Lúc 17 giờ ngày 13/4/1975, ba tàu của ta đến gần đảo Song Tử Tây. Trung đoàn trưởng Mai Năng lệnh cho tàu 673 vòng sát đảo để trinh sát, còn các tàu khác chuyển ra xa để làm công tác chuẩn bị.

Tàu 673 chở phân đội 1 do Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy đánh đảo trực tiếp (là mũi hoả lực). Tàu 674 chở phân đội 2 do Đội phó Đỗ Viết Cường, chỉ huy. Tàu 675 chở phân đội 3 do đồng chí Minh ở ban Tham mưu trung đoàn chỉ huy.

19 giờ ngày 13/4, tàu 673 chở Đội 1, Đoàn 126 tiếp cận đảo. Hai tàu 674 và 675 vòng ra án ngữ phía bắc, phía nam đảo, sẵn sàng chi viện khi cần thiết. Với kinh nghiệm đi biển, cán bộ tàu 673 khôn khéo điều khiển tàu cơ động ém sát đảo, tìm vị trí có lợi nhất để đổ bộ. Đến 2 giờ sáng 14/4/1975 thì đội tới vùng biển cách đảo Song Tử Tây 5km sau ba ngày lênh đênh vượt khoảng 480 hải lý (mỗi hải lý là 1.850m). Ba chiếc tàu của hải quân Việt Nam giả làm tàu cá để tiếp cận đảo.
 

Mốc son 29/4

Đại tá Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy giao nhiệm vụ cho các mũi chiến đấu cho biết: Trên quần đảo có rất nhiều đảo nên anh em phải di chuyển theo chiến thuật nghi binh, áp sát đảo để trinh sát.

Sau khi phát hiện cờ của chính quyền Sài Gòn trên đảo Song Tử Tây, tàu tiếp tục vào gần quan sát bố trí trên đảo, hầm hào, công sự, bốt canh để lên phương án tấn công.

Chiến sĩ đoàn đặc công 126 giải phóng đảo Song Tử Tây. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quân sự).

Trinh sát đảo xong thì tàu lùi ra và xác định hướng đổ bộ. 39 chiến sĩ chia làm 3 mũi độc lập tác chiến, bí mật đổ bộ lên đảo bằng 7 xuồng cao su, dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Đội 1 Nguyễn Ngọc Quế và Chính trị viên phó Vũ Ngọc Hồi. Trước đó, những chiến sĩ đổ bộ đã nhận được quy định: Mũi 1 khi đổ bộ vào được đảo thì nhiệm vụ chính là trinh sát, phát hiện các hầm ngầm. Mũi 2 khi tiếp cận, nếu mũi 1 không lộ thì trinh sát các lô cốt, nhà nổi, các ụ súng trên mặt đất. Mũi thứ 3 do ông Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy mang theo một khẩu DKZ 82 để bắn làm hiệu lệnh đồng loạt tấn công. Mỗi mũi cách nhau chừng 20 - 30 phút để có thể chi viện cho nhau khi bị lộ.

Rời tàu xuống mặt nước chỉ thấy một màu đen đặc trong đêm, không biết lấy cái gì làm cơ sở định hướng. Nếu sóng to, gió lớn, chiếc xuồng cũng như một cái phao trôi dạt trên đại dương. Bằng kỹ năng được huấn luyện, người lính đặc công phải căn cứ vào hướng gió, chiều sóng mà kẻ đường vào đảo.

Như những con rái cá, các chiến sĩ đặc công hải quân lanh lẹ trườn xuống nước. Trung úy Nguyễn Ngọc Quế lệnh cho mọi người xuống nước vừa bơi vừa bám xuồng, nhanh chóng tiếp cận vào đảo để thực thi nhiệm vụ bắn viên đạn DKZ 82 làm hiệu lệnh cho hai mũi kia tấn công.

4 giờ 30 phút ngày 14/4/1975, hiệu lệnh của khẩu súng DKZ phát ra. Những tiếng súng bộ binh nổ cùng tiếng B40, B41, tiếng lựu đạn, thủ pháo và tiểu liên AK nổi lên từng chặp. Hỏa lực của đối phương cũng vang rền phản kháng. Chớp lửa sáng chói trên biển.

07-52-53_dkz_song_tu_ty
Khẩu ĐKZ bắn mở màn trận giải phóng đảo Song Tử Tây ngày 14/4 trưng bày tại Bảo tàng Hải quân.

Chỉ sau hơn 30 phút chiến đấu, bộ đội đặc công hải quân làm chủ hoàn toàn đảo, tiêu diệt 6 tên địch, bắt sống đảo trưởng và 33 lính ngụy, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Mỗi người lại được giao nhiệm vụ tịch thu vũ khí, củng cố trận địa, tiếp tục trinh sát, phát hiện hết các lô cốt, hầm ngầm để tránh bỏ sót. Hạ sĩ Lê Xuân Phát kéo lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam xác định chủ quyền trên đảo Song Tử Tây.

Có một sự thật lịch sử là khi tiến quân giải phóng Trường Sa, đặc công hải quân chỉ có vũ khí thô sơ gồm tiểu liên, súng hỏa lực dùng chủ yếu B41 vì tiện nhất, bắn chính xác nhất; cũng có trang bị cối, DKZ nhưng đó chỉ là dùng cho phòng thủ chứ không phải dùng cho tấn công. Ngay đến trang phục chủ yếu là quần áo lót để tiện cho bơi. Còn phao bảo hiểm luôn ở trong người nhưng khi nào cần mới bật lên.

Rút kinh nghiệm qua trận giải phóng đảo Song Tử Tây, đặc công hải quân tiếp tục đánh vận động chiến ở các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa lớn…

Đến ngày 29/4/1975, Đoàn đặc công hải quân đã giải phóng hoàn toàn Trường Sa, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đoàn đặc công Hải quân bàn giao đảo lại cho các đơn vị bộ binh ra tiếp quản, còn họ lên tàu rút về Sài Gòn khi đó cũng vừa giải phóng.

Thiếu tướng Mai Năng tên thật là Tạ Văn Thiều, sinh năm 1928, tại Ngũ Phúc, Kiến Thụy, Hải Phòng. Ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (năm 1969) khi đang là Đại đội trưởng đặc công. Ông tham gia xây dựng ngành đặc công hải quân, và là người trực tiếp chỉ huy bộ đội đặc công chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa. 

Thiếu tướng Mai Năng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công, đã được Nhà nước trao tặng: Huân chương kháng chiến (hạng Nhất, hạng Nhì), Huân chương Quân công (hạng Nhì, hạng Ba), Huân chương Chiến công (hạng Nhất, hạng Nhì).

 

Xem thêm
Bộ phim 'Độc đạo' vì sao thu hút khán giả truyền hình?

Bộ phim ‘Độc đạo’ phát sóng trên VTV3 vào lúc 21h40 thứ 2, 3, 4 hàng tuần thực sự khiến người xem thích thú vì lối thể hiện đề tài hình sự khá mới mẻ.

Neymar lại dính chấn thương

Sức khỏe của tiền đạo người Brazil tiếp tục bị đặt dấu hỏi sau khi chân sút này chỉ thi đấu được đúng 29 phút và bị thay khỏi sân vì đau.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.