| Hotline: 0983.970.780

Đại án ngành đăng kiểm: 'Ăn' hối lộ nhiều nhất không phải 2 cựu Cục trưởng

Thứ Ba 23/07/2024 , 17:18 (GMT+7)

Người hưởng lợi bất chính nhiều nhất từ tiền hối lộ không phải là 2 cựu cục trưởng, mà là ông Trần Anh Quân, cựu Quyền trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (phòng VAR).

Trần Anh Quân - mắt xích quan trọng trong đường dây nhận hối lộ

Theo cáo trạng, tháng 3/2019, Trần Anh Quân được bổ nhiệm quyền Trưởng phòng Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR). Thời điểm này, một số đăng kiểm viên được phân công thẩm định hồ sơ thiết kế gặp Quân báo cáo về việc có nhận tiền hối lộ của các công ty thiết kế trong quá trình thẩm định hồ sơ.

Từ tháng 3/2019 đến cuối tháng 9/2022, Quân đã tham gia bàn bạc, thống nhất chủ trương nhận tiền hối lộ, chia tiền hối lộ với 12 đăng kiểm viên trong phòng VAR.

Hàng tháng, các đăng kiểm viên sẽ giao cho Quân 700 nghìn đồng/hồ sơ, gồm: Phần của Quân, phần tiếp khách và chi cho lãnh đạo cục là Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà. Như vậy, vào khoảng thời gian này, mỗi tháng Quân chia cho Trần Kỳ Hình 60 triệu đồng (tổng cộng 1,6 tỷ), Đặng Việt Hà 20 triệu đồng.

Bị cáo Trần Anh Quân, quyền trưởng phòng VAR, người nhận hối lộ nhiều nhất. Ảnh: HT.

Bị cáo Trần Anh Quân, quyền trưởng phòng VAR, người nhận hối lộ nhiều nhất. Ảnh: HT.

Tháng 8/2021, Trần Kỳ Hình nghỉ hưu, Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm Cục trưởng. Tuy nhiên, ông Hà không những không chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi tiêu cực, sai phạm mà tiếp tục chỉ đạo cấp dưới phải nâng mức hưởng lợi cho mình đối với số tiền tiêu cực, hối lộ phải là cao nhất.

Đồng thời, trong cuộc họp với lãnh đạo phòng VAR, ông Đặng Việt Hà đã yêu cầu hàng tháng phòng VAR phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ thẩm định thiết kết. Mục đích của việc báo cáo này là để đảm bảo cho quyền lợi của Hà cao nhất.

Sau cuộc họp, Trần Anh Quân đã hội ý với Nguyễn Đức Toàn, Khanh, Dương và đi đến thống nhất về việc bảo đảm quyền lợi cao nhất cho Hà. Quân đã triệu tập các đăng kiểm viên trong mảng thẩm định thiết kế mà mình phụ trách và đi đến quyết định tỷ lệ ăn chia.

Mỗi hồ sơ thẩm định, Hà nhận 400 ngàn đồng, Quân 300 ngàn đồng, các phó phòng mỗi người 100 ngàn đồng, nhân viên văn phòng mỗi người 40 ngàn và đưa vào quỹ ngoại giao 140 ngàn đồng… tất cả các thành viên trong phòng đều đồng ý.

Hàng tháng các đăng kiểm viên sẽ tổng kết số hồ sơ do mình thẩm định, thiết kế, nhận số tiền mình được hưởng và đưa số tiền còn lại cho Quân cùng 3 phó phòng và 4 nhân viên văn phòng. Sau khi nhận tiền, Quân kiểm tra số hồ sơ do phòng VAR đã thẩm định nhân với 400 ngàn/hồ sơ và đưa cho Hà.

Như vậy, từ tháng 3/2019 đến cuối tháng 9/2022, Phòng VAR đã thẩm định và cấp 29.676 giấy chứng nhận thẩm định thiết kế, nhận hối lộ số tiền trên 60,5 tỷ đồng. Quân đã nhận số tiền từ các đăng kiểm viên là gần 20,8 tỷ đồng. Tổng số tiền nhận hối lộ trên, Quân đã chia cho Trần Kỳ Hình 1,68 tỷ, chia cho Đặng Việt Hà hơn 5,9 tỷ.

Ngoài ra, trong quá trình cấp phép đủ điều kiện hoạt động, kiểm tra đánh giá Trung tâm đăng kiểm 50 -19D, Quân còn nhận hối lộ của Trần Bửu Tùng số tiền 9.500 USD (tương đương khoảng 220 triệu đồng).

Như vậy, tổng số tiền mà Quân hưởng từ việc nhận hối lộ gần 11,8 tỷ đồng. Do đó, bị cáo Trần Anh Quân phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ” với tổng số tiền là 60,5 tỉ đồng. Trong đó, cá nhân bị cáo Quân hưởng lợi số tiền 11,7 tỉ đồng.

Trong khi đó, theo cáo trạng, cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình được xác định nhận tiền hối lộ với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng. Còn cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “nhận hối lộ” tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng. Trong đó cá nhân ông Hà hưởng lợi gần 8,8 tỉ đồng và 13 ngàn USD.

Các bị cáo phiên tòa Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: HT. 

Các bị cáo phiên tòa Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: HT. 

Cựu Cục trưởng Đăng kiểm bị lừa 100 ngàn USD ra sao?

Cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà đưa 100 ngàn USD cho Nguyễn Văn Chung để nhờ “nghe ngóng” tin tức quá trình điều tra từ cơ quan công an, sau đó bị Chung chiếm đoạt.

Sau khi bị bắt, từ trại tạm giam, ông Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, đã tố cáo Nguyễn Văn Chung, 45 tuổi, ngụ Hà Nội, về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, khoảng cuối năm 2022, khi biết các Trung tâm đăng kiểm ở phía Nam bị điều tra, hàng loạt người liên tục bị khởi tố, Cục trưởng Đặng Việt Hà lo sợ hành vi của mình bị phát hiện nên nhờ Lại Thái Phong (Phó Chánh văn phòng Cục đăng kiểm Việt Nam, một trong những cấp dưới thân thiết) tìm người tìm hiểu thông tin điều tra.

Cáo trạng cho biết, thông qua mối quan hệ, Phong biết được Nguyễn Văn Chung (Giám đốc Công ty ATS) quen biết nhiều với công an các tỉnh, thành, có thể dò la được tin tức nên đã giới thiệu Chung cho Đặng Việt Hà.

Bị cáo Nguyễn Văn Chung thời điểm bị bắt. Ảnh: HT.

Bị cáo Nguyễn Văn Chung thời điểm bị bắt. Ảnh: HT.

Ông Hà sau đó nói Phong “nhờ Chung tìm hiểu xem công an điều tra vụ án đến đâu rồi”, đồng thời chỉ đạo Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới - VAR) đổi hơn 2,3 tỷ đồng lấy 100 ngàn USD đưa cho mình tại phòng làm việc.

Tiếp đó, ông Hà gọi Phong lên phòng làm việc, bảo đưa số USD trên cho Chung để “đi ngoại giao, nắm thông tin, tiến độ điều tra sai phạm của Hà và Cục Đăng kiểm” rồi báo lại. Tuy nhiên, Chung sau đó chỉ “tìm hiểu thông tin qua báo chí”, không cung cấp được thông tin như hứa hẹn và chiếm đoạt số tiền đã nhận.

Đầu năm 2023, ông Hà bị bắt với cáo buộc Nhận hối lộ. Cuối tháng 8/2023, cựu cục trưởng đã có đơn tố cáo gửi Nhà tạm giữ Công an quận 12, TP.HCM về việc bị Nguyễn Văn Chung lừa 100 ngàn USD.

Khi biết Phong bị công an triệu tập, Chung đã trả lại số tiền 99.000 USD đã nhận, đồng thời đến cơ quan điều tra đầu thú và trình bày toàn bộ nội dung vụ việc.

Quá trình điều tra, ông Hà thừa nhận hành vi sai phạm, nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu đã nhận hối lộ từ các Phòng thuộc Cục Đăng kiểm và các Trung tâm đăng kiểm.

2 cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình (hàng đầu, bên trái) và Đặng Việt Hà (hàng đầu, bên phải) tại toà. Ảnh: HT.

2 cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình (hàng đầu, bên trái) và Đặng Việt Hà (hàng đầu, bên phải) tại toà. Ảnh: HT.

Kết thúc phiên tòa ngày 23/7, HĐXX đã công bố xong bản cáo trạng truy tố 254 bị cáo với 11 tội danh. Dự kiến, từ phiên tòa ngày 24/7, HĐXX sẽ bắt đầu xét hỏi nhóm 28 bị cáo đầu tiên là các cựu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cựu lãnh đạo phòng Kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR) và các bị cáo là đăng kiểm viên có liên quan.

Trong số 28 bị cáo đầu tiên sẽ trả lời thẩm vấn có 16 bị cáo đang bị tạm giam. Hội đồng xét xử đã có lệnh trích xuất gửi lãnh đạo trại giam. Ngoài ra, 12 bị cáo đang tại ngoại mà Hội đồng xét xử sẽ thẩm vấn hôm 23/7, luật sư của các bị cáo này đều phải vào trong phòng xét xử lớn, nơi Hội đồng xét xử làm việc để thẩm vấn. HĐXX cho biết, hiện còn 18 luật sư chưa nhận thẻ tham dự phiên tòa. Hội đồng xét xử đề nghị các luật sư đến nhận thẻ nếu nhận trễ hoặc không nhận thì có thể coi như không tham gia bào chữa.

“Đại án” ngành đăng kiểm được coi là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế quy mô đặc biệt lớn, mang tính hệ thống và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, với nhiều cái “nhất”: nhiều bị cáo nhất, nhiều tội danh nhất, thời gian xét xử dài nhất (dự kiến 3 tháng), nhiều luật sư tham gia bào chữa nhất. Phiên tòa được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến (trực tiếp tại trụ sở TAND TP.HCM và trực tuyến tại Trại giam Chí Hòa, huyện Củ Chi).

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Giảm án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Tòa phúc thẩm giảm án cho Nguyễn Cao Trí trong vụ Vạn Thịnh Phát, ghi nhận khắc phục hậu quả nhưng hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng.