Vì vậy, Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin tha tội chết của Đại tá Trần Dụ Châu.
Quyền cao chức trọng rồi sa ngã
Trần Dụ Châu sinh năm 1906 tại Nghệ An. Theo thông tin của nhà báo Hồng Hà khi làm phóng viên báo Cứu quốc (1950), năm 1930, Trần Dụ Châu làm thư ký cho Tòa sứ Pháp, viết bài cho báo Thanh Nghệ Tĩnh. Năm 1932, chuyển sang làm nhân viên hỏa xa rồi Trưởng phòng Kế toán hỏa xa (đường sắt) bắc Trung Kỳ.
Báo Cứu quốc đưa tin Trần Dụ Châu ra Tòa án binh tối cao. |
Nhờ quen biết người Nhật Bản, Trần Dụ Châu lấy được một kho vải ở huyện Đức Phong, bán đi có tiền tậu một biệt thự ở Đà Lạt. Cách mạng tháng tám 1945, Trần Dụ Châu hiến cho Nhà nước một phần tài sản của mình, rồi hoạt động trong Uỷ ban Công sở Nha Hoả xa Việt Nam và Hội Công nhân Cứu quốc Hoả xa.
Làm ở Cục Quân Nhu, sau một thời gian làm tốt việc cung cấp lương thực, trang bị cho bộ đội, trong đó có việc chạy một kho hàng lớn hơn ngàn tấn gạo, muối ở Vân Đình, Hà Đông, đưa lên Việt Bắc cho bộ đội sau ngày Toàn quốc kháng chiến. Trần Dụ Châu làm Giám đốc Nha Quân nhu.
Theo nhà báo Hồng Hà, lúc đó, Cục Quân nhu chỉ phụ trách việc quản lý, quản trị, còn Nha Quân nhu mới có nhiệm vụ trực tiếp sản xuất quân trang, quân dụng. Năm 1948, Trần Dụ Châu được Bộ Quốc phòng phong quân hàm Đại tá hạng nhất. Năm đó, số người được phong quân hàm cấp tướng chỉ 11 người; cấp Đại tá hạng nhất chưa đến mười người.
Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh lập ba cơ quan: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp. Các Nha trước đây đảm nhiệm việc sản xuất quân trang, quân dụng nay sáp nhập vào các Cục. Nha Quân nhu sáp nhập vào Cục Quân nhu trực thuộc Tổng cục Cung cấp. Đại tá Trần Dụ Châu làm Cục trưởng.
Có địa vị cao, quyền hành rộng, nắm trong tay hàng trăm triệu đồng, cơ chế kiểm tra, kiểm soát lại lỏng lẻo, không biết tự kiềm chế, Cục trưởng Trần Dụ Châu đi dần vào con đường sa ngã.
Giết một con sâu cứu cả rừng cây
Điều tra của Bộ Quốc phòng cho thấy, Lê Sỹ Cửu cho khắc một con dấu giống dấu của Nha quân nhu để cấp cho một số người buôn lậu, mỗi lần được 2 vạn đồng. Lê Sỹ Cửu hối lộ đều đặn theo từng vụ cho Trần Dụ Châu, tổng cộng khoảng 40 vạn đồng và nhiều tài sản có giá trị.
Khi thẩm vấn, Lê Sĩ Cửu khai: “Những tội lỗi của tôi kể trên một phần do đại tá Châu xúi dục. Sở dĩ tôi làm như vậy vì tôi yên trí rằng đã có đại tá Châu bênh vực, mọi việc không sợ gì cả!”.
Khi có lời xầm xì về lối sống hưởng lạc của mình, Cục trưởng Cục Quân nhu đã nhờ một nhân viên viết thư gửi Đại tướng, Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp báo cáo đại ý: Trong Cục Quân nhu có một tổ chức gây chia rẽ và phá hoại quân đội ta.
Theo nhà báo Hồng Hà, đó là hành động nhằm dằn mặt người có ý định tố cáo. Trần Dụ Châu, qua hành động của mình, đã được ông Hồng Hà đánh giá, là có tâm địa hiểm độc, mượn tay kẻ xấu viết bức thư hoàn toàn không có sự thật để che đậy sự xấu xa và “thanh toán” đồng đội. Nhưng trước các chứng cứ rõ ràng, minh bạch của cơ quan điều tra, Trần Dụ Châu cũng thú nhận: “Tôi quả là người không liêm khiết”.
Tử tù Trần Dụ Châu gửi đơn lên Chủ tịch Hồ Chí Minh xin được ân xá. Nhận được đơn cũng là khi làm làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần), đồng thời cũng là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Xem xét lá đơn của tử tù, Hồ Chủ tịch chỉ cho ông Trần Đăng Ninh thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn. “Chú Ninh, tại sao cây xoan sắp chết vậy?”. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng trả lời vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa...
Chủ tịch nước lại hỏi muốn cứu cây ta phải làm gì? Ông Trần Đăng Ninh trả lời phải bắt, giết hết những con sâu đó đi.
“Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. Hồ Chủ tịch nói với Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Trần Đăng Ninh, sau đó đã bác đơn xin ân xá của Đại tá – Cục trưởng Trần Dụ Châu.
Khuyến khích nhân dân thẳng thắn, phê bình “Có người e ngại: Chúng ta mở toang vụ án này, công khai vạch rõ nhưng tội lỗi nhơ bẩn của Trần Dụ Châu và bè lũ có thể làm một số dân chúng chê trách, hay kẻ địch bám vào đấy để nói xấu chính quyền, đoàn thể ta. Không! Chúng ta không sợ phê bình và tự phê bình những khuyết điểm của ta. Chúng ta khác bọn phản động và hơn hẳn chúng ở chỗ đó. Đấy là một sự khuyến khích nhân dân thẳng thắn, phê bình những sai lầm của cán bộ, của Chính quyền, đoàn thể vì họ đã hiểu chính quyền, đoàn thể ta là chính quyền, đoàn thể của họ và họ nhất định không tha thứ những kẻ nào đi ngược quyền lợi của họ”. (Trích xã luận báo Cứu Quốc, ngày 27/9/1950). |